+Aa-
    Zalo

    Ông "giáo làng" hơn 20 năm thầm lặng chèo lái con đò tri thức

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Hơn 20 năm qua, dù phải chịu nhiều đớn đau của bệnh tật mỗi lúc trở trời nhưng người thầy ấy vẫn chèo lái con thuyền tri thức để đưa bao thế hệ học trò cập bến tương lai.

    (ĐSPL) - Hơn 20 năm qua, dù phải chịu biết bao đớn đau của bệnh tật mỗi lúc trở trời, khó khăn của cuộc sống, nhưng ông "giáo làng" ấy vẫn chèo lái con thuyền tri thức để đưa bao thế hệ học trò cập bến tương lai.

    Trong một buổi sáng đầu đông, chúng tôi men theo con đường nhỏ tìm về thôn 5, xã Phúc Đồng, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), nơi thầy giáo Đặng Tiến Dũng (60 tuổi), suốt hơn 20 năm qua đã gắn bó với việc đưa con thuyền tri thức cập bến tương lai cho con cháu ở xã nghèo này.

    Ngay từ đầu thôn, mới chỉ nghe chúng tôi hỏi về nhà ông “giáo làng” Đặng Tiến Dũng, người dân nơi đây đều vui vẻ nở nụ cười thân thiện và dẫn chúng tôi đến tận nhà thầy.

    Trong căn nhà nhỏ nằm heo hút giữa đại ngàn Trường Sơn, đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh những bộ bàn ghế cũ kĩ, tấm bảng để đứng lớp, người thầy nhỏ nhắn, gầy gò bước chậm rãi trên đôi chân tật nguyền đang ân cần chỉ bảo cho tốp học sinh đủ mọi lứa tuổi của mình.

    Lớp học dù đông hay ít thầy vẫn chỉ dạy từng ly từng tí mong sao học trò của mình học tốt. 

    Thầy Dũng là con thứ 3 trong một gia đình 5 anh em. Từ lúc mới chào đời, tuổi thơ thầy cũng bình thường như bao bạn bè cùng trang lứa trong làng. Đến năm lớp 1, trong một lần sốt nặng khiến nửa người dưới của thầy bị liệt, dù được cha mẹ đưa đi chữa bệnh khắp nơi nhưng vẫn không đỡ.

    Lúc này, cuộc sống gia đình càng khó khăn, vất vả hơn khi bản thân thầy không thể tự mình đến trường. Nhưng thương con ham học, cha mẹ thầy dù nắng hay mưa vẫn thay nhau hàng ngày cõng thầy đến trường.

    Không chỉ vậy, năm thầy vừa lên lớp 7 (lớp 9 bây giờ - PV) tai họa lại ập xuống, căn bệnh cũ của thầy tái phát. Đau đớn với bệnh tật, cha con thầy lại khăn gói ra Hà Nội lấy bệnh viện làm nhà. Suốt 2 năm điều trị, tiêu tốn biết bao tiền của nhưng cũng chỉ chữa được một chân, chân còn lại vĩnh viễn chịu cảnh tàn phế.

    Ngày trở về, con đường tìm cái chữ vẫn luôn thúc giục thầy Dũng, nhưng vì chiến tranh loạn lạc, trường cấp 3 bị tàn phá phải sơ tán, cách xa nhà hơn 20km, cộng với điều kiện cuộc sống gia đình lại khó khăn, vất vả đủ đường nên thầy đành bỏ dở việc học từ đây.

    Không giấu nổi cảm xúc thầy chia sẻ: “Lúc đó, tôi cảm thấy cuộc đời thật bất công với mình, tôi như không còn chút hy vọng nào vào cuộc sống. Nhưng nhìn cha mẹ vẫn đổ mồ hôi lo cho tôi, lo cho anh chị em trong nhà ăn học nên tôi cố lấy đó làm niềm tin mà sống tiếp, và xem đó là số phận của mình”.

    Đến cuối năm 1984, sau một thời gian tìm hiểu, thầy “giáo làng” và cô gái cùng xã tên Phạm Thị Hồng đã nên duyên vợ chồng trong sự chúc phúc và vui mừng của hai bên gia đình cũng như bà con hàng xóm.

    Cuộc sống đã khó khăn lại càng vất vả hơn khi vợ chồng thầy chào đón thêm những thành viên mới, các con bắt đầu lớn dần, đến tuổi cắp sách đến trường tìm con chữ. Để có thể lo cho gia đình, cho các con, thầy đã làm đủ mọi nghề từ thông tin xã, kế toán, rồi tới làm mộc, thợ xây và sửa xe đạp…

    Ông “giáo làng” Đặng Tiến Dũng trò chuyện với PV.

    Tuy nhiên, từ những ngày cô bé Đặng Thị Ngọc Hà, cô con gái đầu của thầy học lớp 3, vì hoàn cảnh gia đình nghèo khó, không có tiền cho con đi học thêm nên thầy đã tự mày mò nghiên cứu sách vở, hai cha con kèm cặp nhau để theo kịp kiến thức.

    Thầy nhớ lại: “Hồi đó, tôi còn làm mộc, ngày đi làm, đêm về mày mò nghiên cứu sách, hai cha con cùng học tới khuya suốt mấy năm trời, rồi dần dần tôi cũng tích lũy được chút kiến thức từ việc học và kèm cặp con.

    Cũng trong thời gian này, thấy mấy đứa trong xã tới xưởng xin làm mộc, tôi hỏi ra mới biết mấy đứa thi trượt đại học, giờ chán nản muốn đi làm. Thấy đứa nào cũng ham học, thương nó nên những lúc đi làm về tôi cũng kèm mấy đứa học cùng con. Thật may mắn, không lâu sau đó, chúng thi lại đều đậu vào các trường đại học, tôi cũng thấy vui khi giúp được phần nào cho các cháu”.

    Với sự kèm cặp của người cha, cô con gái Đặng Thị Ngọc Hà đã đậu vào trường Đại học Kinh tế thuộc Đại học Vinh. Hiện tại, cả 5 người con của ông đều học rất giỏi và đỗ đạt cao. Chẳng những thế, những lứa học trò được thầy dìu dắt đều học giỏi, đỗ đạt vào các trường.

    Thấy con cháu, những học sinh của thầy “giáo làng” này đều siêng năng, học hành giỏi giang, nhiều phụ huynh trong làng, trong xã đều đưa con tới nhờ thầy kèm cặp. Sau này tiếng lành đồn xa, học sinh kéo đến nhà thầy xin học và số lượng lên đến hàng trăm em, không chỉ trong xã, huyện mà còn các huyện lân cận như Đức Thọ, Vũ Quang, cũng tới xin theo học và được ăn ở lại trong nhà như con cháu của thầy.

    Em Nguyễn Hải Dương, học sinh lớp 10 trường THPT Hàm Nghi, huyện Hương Khê chia sẻ: “Em học thầy Dũng cũng được hơn 2 năm rồi, học ở đây rất thoải mái, không gò bó, thầy lại dạy phù hợp với lực học nên bọn em dễ tiếp thu hơn”.

    Chị Phạm Thị Kim Tuyến, trú tại xã Hương Trà, phụ huynh có con đang theo học ở lớp thầy Dũng tâm sự: “Con tôi trước đây vừa lười học, học lại kém, tôi đã nhờ nhiều thầy cô kèm cặp nhưng kết quả vẫn không lắm khả quan. Nghe có thầy Dũng ở xã Phúc Đồng cách nhà khoảng 20 km dạy giỏi, tôi đã đưa hai cháu xuống nhờ thầy kèm cặp. Qua đó, hai cháu học ở đây về thấy tiến bộ và chăm ngoan, học giỏi hẳn lên nên hai vợ chồng cũng rất vui mừng”.

    Với hơn 20 năm đứng lớp, thầy “giáo làng” này vẫn tâm niệm: “Tui (tôi - PV) dạy cũng chẳng vì để nhận lại điều gì, chỉ mong các em học ra có được tương lai thành đạt nhờ con chữ. Với tui không vì lợi lộc hay để tăng thu nhập cho gia đình, nhiều phụ huynh cũng mến và tin cái tài của ông “giáo làng” này, nên đã gửi con cho tui dạy dỗ thôi”.

    Thấy cuộc sống của thầy Dũng khó khăn, vả lại dạy con mình không nhận tiền nên nhiều phụ huynh bàn với nhau thu mỗi em một ít tiền, coi như tiền học phí, tiền mua phấn phục vụ cho việc học tập. Đặc biệt, phụ huynh đã lập nên quỹ cha mẹ học sinh để lấy đó mua quà trao tặng cho những em có kết quả học tập tốt theo các tháng, các kỳ, nhằm khích lệ các em hơn.

    "Nhiều lúc trái gió trở trời, căn bệnh cũ lại khiến thầy đau nhức nhưng thầy vẫn không để các cháu phải nghỉ học. Có lần đến đón con về, trong lúc đứng chờ tan lớp, tôi thấy dù thầy rất khó khăn trong việc đi lại nhưng khi được các em hỏi bài, thầy vẫn vui vẻ, cần mẫn chỉ bảo", chị H., một phụ huynh có con đang học với thầy Dũng chia sẻ.

    Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ trao tặng cho ông "giáo làng" Đặng Tiến Dũng năm 2010.

    Với những thầm lặng, cống hiến của mình cho sự nghiệp trồng người, thầy “giáo làng” Đặng Tiến Dũng đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý của xã, huyện. Đặc biệt, năm 2010 thầy được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen về tấm gương rèn luyện, làm theo Bác Hồ trong dịp tổng kết cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được tổ chức tại thủ đô Hà Nội.

    Trong những ngày này, bao thế hệ học sinh vẫn quay về cùng bà con hàng xóm để tổ chức một buổi lễ tri ân trang trọng như ở trường nhân ngày Hiến chương nhà giáo Việt Nam, để chúc mừng ông “giáo làng” suốt hơn 20 năm thầm lặng chèo lái con đò tri thức tìm tương lai cho các em.

    Phi Hoàng - Phạm Trường

    [mecloud]qU2qTDuUql[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ong-giao-lang-hon-20-nam-tham-lang-cheo-lai-con-do-tri-thuc-a120063.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.