Ấn định ngày xử phúc thẩm vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm


Thứ 6, 02/12/2016 | 13:32


Cùng sự kiện

(ĐSPL) - Phiên tòa phúc thẩm xử vụ án Phạm Công Danh cùng đồng phạm gây thất thoát cho VNCB hơn 9.000 tỷ đồng sẽ diễn ra vào ngày 27/12 sắp tới.

(ĐSPL) - Phiên tòa phúc thẩm xử vụ án Phạm Công Danh cùng đồng phạm gây thất thoát cho VNCB hơn 9.000 tỷ đồng sẽ diễn ra vào ngày 27/12 sắp tới.

Báo Tuổi trẻ dẫn tin từ TAND cấp cao tại TP.HCM, ngày 27/12, tòa sẽ xét xử phúc thẩm vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm.

Phạm Công Danh và các đồng phạm sẽ bị xét xử hành vi Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về cho vay của các tổ chức tín dụng xảy ra tại ngân hàng Xây dựng (VNCB).

Phiên xét xử phúc thẩm này sẽ do các thẩm phán Phạm Trung Tuấn, Huỳnh Thanh Duyên và Đặng Quốc Khởi tham gia xét xử.

Phạm Công Danh bị dẫn ra tòa - Ảnh: báo Dân trí

Có 25 trong tổng số 36 bị cáo kháng cáo đối với bản án sơ thẩm của TAND TP.HCM.

Theo đó, bị cáo Phạm Công Danh (nguyên chủ tịch HĐQT VNCB, nguyên tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh) cùng các bị cáo Phan Thành Mai (tổng giám đốc VCNB), Mai Hữu Khương (nguyên giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn), Hoàng Đình Quyết (nguyên phó giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn) và 21 bị cáo khác có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Ngoài 25 bị cáo, nhiều người có quyền và nghĩa vụ liên quan khác cũng có đơn kháng cáo, trong đó có nhóm bà Trần Ngọc Bích, người được xác định bị các bị cáo trong vụ án rút mất tổng số tiền 5.490 tỉ đồng từ tài khoản của chính bà Bích.

Ngày 9/9, HĐXX TAND TP.HCM tuyên mức án 30 năm tù cho bị cáo Phạm Công Danh với 2 tội: vi phạm quy định về cho vay của các tổ chức tín dụng và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Các bị cáo Phan Thành Mai (22 năm tù); Mai Hữu Khương (20 năm tù); Hoàng Đình Quyết (19 năm tù) cho cả 2 tội danh trên.

Ngoài mức án trên, HĐXX cũng tuyên buộc Phạm Công Danh phải hoàn trả tổng cộng hơn 6.000 tỉ đồng gốc và lãi mà Danh thực hiện các hành vi vi phạm rút hoặc vay từ VNCB. HĐXX tuyên tiếp tục kê biên những tài sản của Phạm Công Danh, tài sản của Tập đoàn Thiên Thanh để đảm bảo thi hành án.

Ông Trần Quý Thanh là người được bản án xác định có quan hệ vay mượn với Phạm Công Danh thông qua Trần Ngọc Bích và Phạm Thị Trang (Trang phố núi). Theo đó, HĐXX tuyên thu hồi 5.190 tỉ đồng đã được Phạm Công Danh chuyển vào tài khoản của ông Trần Quý Thanh bởi HĐXX xác định khoản tiền này là tiền do hành vi cố ý làm trái của các bị cáo mà có.

Báo Dân Việt thông tin, theo nội dung vụ án, thời gian giữ chức vụ Chủ tịch Ngân hàng TMCP Xây dựng, Phạm Công Danh cùng các bị can khác lập các hồ sơ khống với lí do nâng cấp hệ thống Corebanking gây thiệt hại cho VNCB 62 tỷ đồng. Tiếp sau đó Phạm Công Danh cùng đồng bọn lập hồ sơ khống thuê trụ sở 268 Tô Hiến Thành (phường 15, quận 10, TP HCM) gây thiệt hại 182 tỷ đồng; thuê trụ sở ở đường Sư Vạn Hạnh gây thiệt hại 400 tỷ đồng.

Ngoài việc làm hồ sơ khống để thuê mướn các trụ sở, Phạm Công Danh cùng đồng bọn còn gây thiệt hại khi rút 5.000 tỷ đồng nhưng không được sự đồng ý và có chữ ký của chủ tài khoản, rút 300 tỷ không có hồ sơ vay, rút 903 tỷ dưới hình thức ủy thác đầu tư mua trái phiếu. Các bị cáo này đã gây thiệt hại cho VNBC lên đến 7.000 tỷ đồng. Ngoài những vi phạm nói trên, Phạm Công Danh còn gây thiệt hại 2.000 tỷ khi cùng 33 bị can cho 14 công ty vay 14.000 tỷ đồng. Số tài sản đảm bảo để vay tiền được nâng khống về giá trị lên nhiều lần.

Theo cáo trạng hơn 120 trang của VKSND TP HCM, Phạm Công Danh là bị can, chủ mưu chính vụ án, phải chịu trách nhiệm toàn bộ số tiền trên 9.000 tỷ đồng mà VNCB bị thiệt hại. Giai đoạn 2 của vụ án đang được Bộ Công an tiếp tục điều tra làm rõ.

Điều 165. Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009):

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng hoặc dưới một trăm triệu đồng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:

A) Vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác;

B) Có tổ chức;

C) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

D) Gây thiệt hại từ ba trăm triệu đồng đến dưới một tỷ đồng hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.

3. Phạm tội gây thiệt hại từ một tỷ đồng trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo

(Tổng hợp)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/an-dinh-ngay-xu-phuc-tham-vu-an-pham-cong-danh-va-dong-pham-a172600.html