Chủ tịch Quốc hội: Quản lý thị trường phải như cảnh sát đứng đường


Thứ 3, 08/03/2016 | 09:08


(ĐSPL) - Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng: Quản lý thị trường phải như cảnh sát đứng đường, đèn xanh thì cho đi, đèn đỏ thì giữ lại xử lý".

(ĐSPL) - Tại phiên họp thứ 46 diễn ra ngày 8/3, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng: Quản lý thị trường phải như cảnh sát đứng đường, đèn xanh thì cho đi, đèn đỏ thì giữ lại xử lý, đó mới là lực lượng chuyên nghiệp”.

Phải làm rõ trách nhiệm của quản lý thị trường

Cụ thể, Lao động đưa tin, pháp lệnh Quản lý thị trường gồm 8 chương với 45 điều quy định, vị trí, chức năng, tổ chức; hoạt động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành của lực lượng Quản lý thị trường; cơ chế phối hợp và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan bảo đảm hoạt động, chế độ, chính sách đối với lực lượng Quản lý thị trường.

Trước khi thông qua, có ý kiến đề nghị phân biệt chức năng thanh tra chuyên ngành công thương của lực lượng Quản lý thị trường và các đơn vị khác của Bộ Công thương, sự khác nhau giữa hoạt động kiểm tra và thanh tra của lực lượng Quản lý thị trường.

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết, bên cạnh chức năng quản lý, kiểm tra, Cục Quản lý thị trường thuộc Bộ Công thương được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành theo Nghị định số 07/2012/NĐ-CP ngày 09/02/2012 của Chính phủ quy định về các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. (Ảnh: Lao động)

Theo đó, Quản lý thị trường được kiểm tra việc chấp hành pháp luật của tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi kiểm tra; thanh tra chuyên ngành; xử lý vi phạm hành chính; áp dụng các biện pháp nghiệp vụ phục vụ hoạt động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành và xử lý vi phạm hành chính.

Không những thế, Quản lý thị trường còn được quyền thu thập tài liệu, vật chứng, lấy mẫu sản phẩm hàng hóa, trưng cầu giám định, kiểm nghiệm mẫu vật là hàng hóa, tài liệu, giấy tờ, vật chứng liên quan đến vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân; xây dựng cơ sở dữ liệu về quản lý địa bàn, kết quả kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, xử lý vi phạm hành chính và cơ sở dữ liệu khác phục vụ hoạt động của lực lượng Quản lý thị trường…

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã đồng tình với việc thông qua Pháp lệnh Quản lý thị trường, tuy nhiên Chủ tịch cũng lưu ý: Do lực lượng này vừa có chức năng chống gian lận, hàng độc hại đem lại an toàn cho dân nên tiến tới phải nâng pháp lệnh lên thành luật.

Chủ tịch Quốc hội nói: Ví dụ như, lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm từ cánh đồng đến mâm cơn, khi ra Quốc hội chất vấn trách nhiệm thì Bộ Nông nghiệp bảo Bộ Công thương, Công thương bảo Bộ Y tế mà Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm giao cho Bộ Y tế chủ trì.

Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi: Tất cả các loại này có phải là thị trường hàng hóa không? Sản xuất nông lâm thủy hải sản có phải thị trường không? xuất nhập khẩu có phải thị trường không? Khi nâng lên thành Luật thì Quản lý thị trường như đèn xanh đỏ, ai đi qua đều phải tuân thủ.

Sau đó, Chủ tịch Quốc hội đã đưa ra ví dụ cụ thể, như thức ăn hay sản phẩm làm ra có hàm lượng bao nhiêu, độc hại không cứ theo quy định của Bộ Y tế mà kiểm soát, trái với quy định của Bộ Y tế, Công thương, Nông nghiệp thì không cho lưu hành.

Cái này Luật mới làm được, và sau này phải có tổng kết đánh giá, có mấy luật đang cản trở hoạt động quản lý thị trường, cái nào vướng Bộ Y tế, cái nào vướng Bộ Nông nghiệp để hạn chế tình trạng phân tán giữa các cơ quan quản lý. Nếu cứ để phân tán như hiện nay thì Bộ trưởng Công thương luôn yếu trong quản lý nhà nước do phân tán quyền.

Theo đó, Chủ tịch QH nhấn mạnh, “Phải làm rõ trách nhiệm của quản lý thị trường là kiểm tra xem có đủ tiêu chuẩn không nếu đủ thì cho qua không thì xử lý. Do đó, mọi thứ trên cánh đồng, bàn ăn cũng kiểm soát được vi phạm. Nếu không tiến tới như vậy thì Bộ trưởng Bộ Y tế, Công thương, Nông nghiệp đều đổ tội cho nhau, dân chịu trận hết.

Quản lý thị trường như đèn xanh đèn đỏ

Infonet đưa tin, theo quan điểm của Chủ tịch QH, luật này phải như "đèn xanh, đèn đỏ" mà người bấm đèn xanh, đèn đỏ là quản lý thị trường.

“Trái quy định của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương thì không cho qua, không cho lưu hành trên thị trường. Hiện nay, các đồng chí bị 3, 4 luật cản trở. Đứng trước hàng hóa như thế nhưng chịu, vì vướng ông Y tế, ông Nông nghiệp quy định như thế”, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho biết.

Theo Chủ tịch Quốc hội, nếu cứ để phân tán lực lượng như thế thì Bộ trưởng Công thương luôn luôn yếu về quản lý nhà nước, vì anh không thể nào với tới được.

“Anh chỉ giữ lấy 1 điểm thôi. Các ông cứ ban hành định mức, tôi sẽ căn cứ vào ba-rem đó để bắt. Tôi chỉ kiểm soát vi phạm. Nếu không tiến tới luật như vậy thì Bộ trưởng Y tế, Nông nghiệp, Công thương, các ông bộ trưởng khác đều đổ tội cho nhau hết, dân phải chịu trận. Đâu chỉ là thức ăn, mà còn vật liệu xây dựng, đều qua buôn bán hết”, Chủ tịch QH nói.

Kết luận buổi làm việc, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, đa số  các ý kiến thảo luận cơ bản tán thành, có ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát để bảo đảm thống nhất trong hệ thống pháp luật và Hiến pháp, vì có ảnh hưởng đến quyền tự do kinh doanh của công dân…

Phó Chủ tịch QH đề nghị Ban soạn thảo một lần nữa rà soát lại văn bản và chỉnh sửa kỹ những nội dung đã được đặt ra trước khi trình Chủ tịch QH ký ban hành.

Kết thúc buổi làm việc, 100\% đại biểu có mặt đã nhất trí thông qua Pháp lệnh Quản lý thị trường.

Đức An (Tổng hợp)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chu-tich-quoc-hoi-quan-ly-thi-truong-phai-nhu-canh-sat-dung-duong-a121898.html