Vua tôm Minh Phú: Xếp lại giấc mơ doanh thu tỷ đô?


Thứ 4, 09/03/2016 | 11:11


(ĐSPL) - Với kết quả kinh doanh bết bát, giấc mơ doanh thu tỷ đô của vua tôm Minh Phú buộc phải "để dành" cho những năm tiếp theo.

(ĐSPL) - Với kết quả kinh doanh bết bát, giấc mơ doanh thu tỷ đô của vua tôm Minh Phú buộc phải "để dành" cho những năm tiếp theo.

Từ lãi nghìn tỷ, đến thua lỗ...

Tin tức trên báo VnExpress, đầu năm 2015, Tập đoàn thủy sản Minh Phú vẫn còn rất lạc quan với kế hoạch doanh thu tỷ đôla và lợi nhuận 1.416 tỷ đồng. Trả lời trên Bloomberg, ông Lê Văn Quang - Chủ tịch HĐQT công ty cho biết, Minh Phú sẽ thực hiện giấc mộng tỷ đô trong năm 2015.

Cuối tháng 3/2015, Minh Phú chính thức hủy niêm yết trên sàn HOSE. Nguyên nhân được công bố là doanh nghiệp muốn bắt tay với các đối tác nước ngoài nhằm đưa thương hiệu tôm Minh Phú vươn tầm ra thế giới, trong khi các đơn vị niêm yết đang bị giới hạn bởi quy định nhà đầu tư ngoại chỉ được sở hữu tối đa 49\% vốn điều lệ. Khi đó, ông Quang cho biết có hàng chục nhà đầu tư tại Mỹ, Nhật và Canada đã bày tỏ sự quan tâm đến cổ phần của Minh Phú.

Giới tài chính khi đó rất tiếc nuối khi Minh Phú bất ngờ rời sàn chứng khoán vì doanh nghiệp đang ở thời kỳ đỉnh cao. Giá cổ phiếu MPC lúc rời sàn được đẩy lên mức 122.000 đồng, sở hữu cổ phiếu của "vua tôm" trở thành niềm mơ ước của rất nhiều nhà đầu tư.

Tuy nhiên, chưa đầy một năm sau hủy niêm yết, Minh Phú đã phải chịu nỗi đau thua lỗ triền miên. Báo cáo tài chính vừa mới công bố của Minh Phú cho thấy doanh thu giảm mạnh 18\% xuống 12.472 tỷ đồng. Trong đó, chi phí tài chính tăng 71\%, lên 440 tỷ đồng. Đáng chú ý, Minh Phú lỗ gần 7 tỷ đồng cả năm, trong khi cùng kỳ doanh nghiệp này lãi 921 tỷ.

Quý IV Minh Phú lỗ tới 19 tỷ đồng, trước đó quý II cũng lỗ 15 tỷ. Tính đến cuối năm 2015, công ty có tổng tài sản đạt 9.225 tỷ đồng, nợ phải trả lên tới 6.981 tỷ, hàng tồn kho hơn 4.312 tỷ đồng.

Một trong những nguyên nhân đẩy Minh Phú vào vòng khó khăn là sự lao dốc của ngành thủy sản. Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam - VASEP cho biết năm 2015, kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt 6,7 tỷ USD, giảm 16,5\% so với năm 2014. Trong đó, mặt hàng bị giảm sâu nhất là tôm. Mặc dù chiếm tỷ trọng 44\% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản, nhưng tôm chỉ thu được gần 3 tỷ USD, bằng 75\% kết quả của năm 2014, thị trường bị thu hẹp gần một phần ba.

Giấc mơ doanh thu tỷ đô của Minh Phú buộc phải "để dành" cho những năm tiếp theo.

Nhiều doanh nghiệp thủy sản đã lâm vào thua lỗ, cổ phiếu lao dốc và Minh Phú là một trong những doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề. Chủ tịch HĐQT Minh Phú cũng xác nhận nguyên nhân thua lỗ là do thị trường xuất khẩu chủ lực: EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga… mất giá mạnh. Bên cạnh đó đồng tiền của các nước xuất khẩu tôm phá giá sâu trong khi đồng Việt Nam chỉ mất giá nhẹ, đã làm cho giá tôm của công ty cao, giảm tính cạnh tranh trên thị trường.

Ngoài ra, giá tôm trên thị trường thế giới giảm trên 20\% khiến công ty phải giảm giá bán để hỗ trợ khách hàng khiến cho doanh thu và lợi nhuận giảm mạnh.

Với kết quả kinh doanh bết bát này, giấc mơ doanh thu tỷ đô của Minh Phú buộc phải "để dành" cho những năm tiếp theo.

Con đường trở thành "vua tôm"

Theo tạp chí thủy sản nổi tiếng thế giới Undercurrentnews, năm 2014 Minh Phú xếp thứ 23 trong số 100 DN thủy sản lớn nhất thế giới, còn Diễn đàn Kinh tế Thế giới xếp MPC nằm trong danh sách 20 DN Đông Á là công ty phát triển toàn cầu.

Cái duyên đối với ngành thủy sản gắn với ông Quang ngay từ những ngày đầu lập nghiệp. Vốn là kỹ sư công nghệ chế biến thủy sản làm trong một doanh nghiệp nhà nước, ông Quang có nhiều kinh nghiệm nuôi trồng, chế biến và kinh doanh, thu mua, bán tôm trên thị trường bi bước ra ngoài khởi nghiệp.

Con đường hốt bạc tỷ của gia đình ông Quang có lẽ bắt đầu từ sự bứt phá của ngành thủy sản trong thời kỳ đổi mới. Thị trường rộng mở cùng với tư duy phải tạo giá trị gia tăng và nâng cao chất lượng sản phẩm đã giúp Minh Phú đã không ngừng phát triển trái ngược với sự lụi tàn của nhiều DN cùng ngành.

Quyết định lên sàn chứng khoán năm 2006 đã giúp MPC huy động vốn trở thành DN ngành tôm lớn nhất cả nước về quy mô và qua đó góp phần thúc đẩy xuất khẩu, vươn lên đầu ngành về giá trị bán tôm ra thế giới. Cũng kể từ đó, MPC duy trì vị thế dẫn đầu của mình với doanh thu không ngừng tăng trưởng mạnh.

Với giá cổ phiếu từng thời gian đầu tới trên 70.000 đồng/cp, MPC đã giúp ông bà Chu Thị Bình và Lê Văn Quang lọt tốp những người giàu nhất trên TTCK. Khi đó bà Bình từng lọt tốp 5 và là nữ doanh nhân giàu có nhất trên thị trường, có trong tay cả nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, con đường đến với cái danh nghìn tỷ không hề dễ dàng. Mong muốn làm giàu nhanh cũng từng cuốn ông Quang cũng như Minh Phú vào những lĩnh vực kinh doanh ngoài ngành như BĐS, cơ sở hạ tầng, xây dựng, đầu tư tài chính... và từng vùi dập cổ phiếu MPC trong một thời gian dài. Sự bứt phá trong năm 2014 đầu năm 2015 là sự trở lại ấn tượng hơn của vợ chồng ông Quang bà Bình.

Đã có sự trả giá cho những sai lầm. "Vua tôm" đã chấp nhận thất bại và dần rút ra khỏi các vụ đầu tư tài chính. Sự đam mê với thủy sản, với con tôm con cá đã giúp ông Quang trở lại với cốt lõi kinh doanh của mình.

Giờ đây, nói đến Minh Phú là nói tới cá mập thủy sản Việt nổi danh toàn cầu. Nói tới Chu Thị Bình là nói tới bà trùm chứng khoán, nắm trong tay hàng nghìn tỷ đồng, còn ông Quang là doanh nhân có ảnh hưởng tới ngành thủy sản toàn cầu, Việt Nam chỉ có hai người. Tham vọng của ông Quang có lẽ không chỉ dừng lại ở vị trí "vua tôm" mà còn là tham vọng về một thương hiệu Việt nổi danh và bên vững trên phạm vi toàn cầu.

Cho tới thời điểm này, Minh Phú vẫn là DN ngành tôm uy tín bậc nhất tại Việt Nam, gần như không có đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực này cả về quy mô cũng như chất lượng.

Ngọc Anh (Tổng hợp)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vua-tom-minh-phu-xep-lai-giac-mo-doanh-thu-ty-do-a122087.html