Cảnh báo nguy cơ các em gái bị dụ dỗ trên mạng xã hội


Thứ 6, 28/08/2015 | 12:03


(ĐSPL) - Trên thực tế, việc quen nhau qua mạng rồi bị lừa đảo tài sản, hay bị dụ dỗ chiếm đoạt thân xác, không phải là chuyện hiếm.

(ĐSPL) - Trên thực tế, việc quen nhau qua mạng rồi bị lừa đảo tài sản, hay bị dụ dỗ chiếm đoạt thân xác, không phải là chuyện hiếm. Vừa qua tại TP.HCM trường hợp một bé gái bị dụ dỗ qua mạng và bị bạn trai đưa vào nhà nghỉ quan hệ tình dục gây bức xúc dư luận.

Điều đáng nói, có  nhiều vụ án thực tế, nhiều cảnh đưa ra song nó vẫn là một nguy cơ hiện hữu. Nhằm đánh giá một cách thực tế, mối họa này đối với các thiếu nữ mới lớn, PV báo ĐS&PL đã vào vai một nam sinh đẹp trai, dễ thương muốn tìm bạn tâm tình chia sẻ. Và sự thật rất bất ngờ...

Vào vai “săn lùng” thiếu nữ tuổi teen

Vào vai một nam sinh muốn tìm bạn tâm tình, không quá khó để tôi có thể tiếp cận các cô bé trong độ tuổi từ 12 đến 15. Chỉ trong vòng ít phút tìm bạn chat Zalo trong vòng bán kính 3km, rất nhanh chóng sau khoảng 20 tin nhắn với nội dung: “Đang chán như con gián. Ai rảnh chém gió không?” và gửi đến các nick Zalo có ảnh đại diện là các cô bé tuổi teen, ngay sau đó tôi đã nhận được 5 hồi âm nhận lời kết bạn. Một trong số ít nick Zalo nhiệt tình trả lời tôi nhất là cô bé chia sẻ sinh năm 2001. Cô bé cho biết đang học tại một trường ở Bắc Từ Liêm (Hà Nội). Tôi nhìn nhanh đồng hồ, lúc đó là 20h30 và tôi tự hỏi cô bé làm gì mà giờ này còn rảnh rỗi chat zalo với tôi. Không cần để tôi băn khoăn nhiều cô bé nhắn: “Bố đi tập huấn, mẹ đi công tác, cả 2 cùng đi hết tuần, ở nhà với bà. Cũng buồn quá”. Để tiếp tục cuộc thử nghiệm, tôi nói với cô bé này mình đang chờ kết quả đại học và đang rất chán vì bị quay mòng mòng với mớ rắc rối tuyển sinh, gần như ngay lập tức, tôi nhận được sự đồng cảm.

Đoạn chat cô bé cho tôi một cuộc hẹn gặp mặt vào 5h chiều sau giờ tan học.

Sau ít câu hỏi về tuổi tác, tôi chia sẻ với cô bé tôi đang chán với việc chạy đi chạy lại rút hồ sơ. Sau khoảng 20 dòng nói chuyện tôi hẹn cô bé ngày mai có thể hẹn đi uống nước hoặc đi ăn nói chuyện cho vui. Lúc đầu, cô bé cũng thỏ thẻ là sợ bố mẹ biết và từ chối vì chưa biết tôi là ai. Tôi mạnh dạn xin số điện thoại và gọi nói chuyện. Ít phút sau để ép phê cho độ “thật lòng” của mình, tôi vào vội face đứa em trai họ (cũng đang chờ kết quả đại học) để lấy một tấm ảnh theo kiểu “tự sướng” gửi cho cô bé. Đến lúc này cô bé có vẻ đã tin tưởng nhưng vẫn nấn ná chưa đưa ra quyết định nhận lời gặp mặt. Tôi tỏ ra hết độ kiên nhẫn và nhắn tin. “Thế chốt lại em có gặp mặt a ko?”. Cô bé đột nhiên thay đổi quyết định và cho tôi lịch hẹn. Tiếp đó, khi tôi chia sẻ kế hoạch về nhóm bạn cấp 3 đang trong thời gian chờ kết quả xét tuyển đại học, định tổ chức đi xả stress ở Khoang Xanh (Ba Vì, Hà Nội) muốn rủ thêm người đi cho xe vui, cô bé còn “phân trần” với cách thể hiện ngôn ngữ đặc trưng của trẻ con: “Cuối tuần, bố mẹ em về rùi không đi được. Đi xa vậy em không đi được, còn đi công viên quanh Hà Nội chắc là được”. Lấy lý do phải tiếp tục theo dõi thông tin tuyển sinh, tôi tạm thời thoát nick Zalo. Sáng sớm hôm sau, tôi nhắn tin lại là có thể đổi lịch hẹn sang buổi trưa vì 5h chiều tôi có việc đột xuất. Cô bé ngay lập tức nhắn lại: “Tối nha. Tại trưa nắng lắm. Dẫn em đi ăn kem”. Tôi tạm thời kết thúc cuộc “săn lùng” của mình bằng một minh chứng không thể đáng ái ngại hơn.

Họa vô đơn chí, phúc bất trùng lai

Tiếp đó PV đã làm một kiểm tra nho nhỏ với 5 em gái nằm trong độ tuổi từ 12 đến 15 cùng chung một câu hỏi: “Nếu bạn trai quen qua Facebook, Zalo chở em đi đến chỗ lạ mà em không hề biết, em sẽ làm gì?”. Cả 5 em đều bất ngờ với câu hỏi và không hề nghĩ đến tình huống này, cũng không biết làm gì ngay lúc đó. Thậm chí một em còn khẳng định với PV là sẽ chỉ gặp người đó khi chắc chắn đó không phải là người xấu. Tuy nhiên, khi tôi hỏi các em là: “Làm thế nào để các em biết đó không phải là người xấu?”. Hầu hết các em đều không thể lý giải được khẳng định của mình.

Câu chuyện quen qua Facebook, bé gái 13 tuổi bị đối tượng dụ dỗ bỏ nhà đi suốt 2 ngày tại TP.HCM những ngày qua là ví dụ điển hình cho việc các cô bé đang là mục tiêu của nhiều kẻ xấu lợi dụng. Theo đó, chiều 17/8, Công an phường Tam Phú (quận Thủ Đức, TP.HCM) đang thu thập chứng cứ và củng cố hồ sơ để bàn giao nghi can Nguyễn Văn Đ. (21 tuổi, quê tỉnh Bạc Liêu, tạm trú huyện Bình Chánh) cho Công an Thủ Đức tiếp tục làm rõ xử lý hành vi giao cấu với trẻ em. Thông tin ban đầu cho biết nghi can Đ. khai nhận quen em V. qua Facebook và cả hai nảy sinh tình cảm dù nữ sinh này chỉ mới học lớp 7. Đến chiều 15/8, Đ. rủ em V. bỏ nhà đi theo mình và sau đó cả hai vào một khách sạn ở quận Thủ Đức quan hệ tình dục nhiều lần. Phát hiện con gái vắng nhà và suốt đêm vẫn không về, cha mẹ em V. đến công an địa phương trình báo. Sau đó họ đi khắp nơi tìm kiếm và đến trưa 17/8 thì phát hiện con gái đang đi chung với Đ. tại giao lộ đường Tô Ngọc Vân-Cây Keo (phường Tam Phú) nên truy hô cùng người dân bắt giao công an phường xử lý.

Trao đổi với PV báo ĐS&PL, thạc sỹ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, giảng viên khoa Tâm lý giáo dục, trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho biết, trong các trường hợp thoát hiểm thì đều có khả năng thành công hoặc thất bại. Vì vậy phương pháp thoát hiểm tốt nhất là các bạn gái, đặc biệt là các bé gái nên phòng ngừa ngay từ ban đầu. Internet có cả người tốt và người xấu vì thế hạn chế gặp mặt khi chưa hiểu rõ về đối phương, khi gặp mặt lần đầu nên đi với người lớn, hoặc đi đông người, hẹn chỗ rất gần nhà, địa điểm quen thuộc sẽ an toàn hơn. Cảnh giác không bao giờ là thừa khi mạng xã hội ngày nay có không ít kẻ xấu, các bậc cha mẹ phải tìm mọi cách bảo vệ con cái mình từ các nguy cơ, bởi như người ta vẫn nói họa vô đơn chí...

5 kỹ năng đối phó với tình huống bất ngờ trên đường

Thạc sỹ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu chia sẻ 5 kỹ năng ứng phó trong trường hợp các bé gái có thể bị lợi dụng và đưa lên xe của người lạ: “Ngay khi các bạn gái thấy có dấu hiệu bị ép buộc lên xe cần phải phản ứng càng sớm càng tốt, khi đó môi trường xung quanh đông người thì bạn có khả năng thoát. Khi có dấu hiệu bị ép lên xe mà bạn không muốn đi thì các bạn phải lập tức chạy vào hàng quán ngay gần đấy để nhờ sự trợ giúp và liên hệ với người thân đón về. Hãy tìm cách để dừng xe như muốn đi vệ sinh, bị đau bụng, muốn ghé tiệm thuốc như thuốc đau đầu… để kêu gọi sự trợ giúp từ người xung quanh.

Trường hợp thứ ba mà kẻ lạ mặt không dừng xe nếu đi xe máy thì bạn có thể tri hô là “bắt cóc” để có thể nhận được sự trợ giúp của người đi đường. Trường hợp thứ tư trên đường đi không có người, khi xe chạy chậm, không có xe ở phía sau, hai bên đường có nhà của dân, nếu tốc độ xe chậm có thể nhảy xuống, phương pháp này hơi nguy hiểm nhưng còn hơn là để đối phương chở đi nơi mà bạn không biết là đâu. Trường hợp thứ năm là đã bị lên xe của người lạ hoặc bị chở trên ô tô, lúc đi đường cần để ý tìm kiếm thông tin đó là ở đâu, để khi có cơ hội trốn thoát thì có thể thông tin cho người thân trợ giúp”. 

Mai Hoàng

[mecloud]Gqd6Mn4Bsr[/mecloud]

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/canh-bao-nguy-co-cac-em-gai-bi-du-do-tren-mang-xa-hoi-a108165.html