Công an vào cuộc điều tra vụ cô giáo mầm non dùng dép đánh trẻ


Thứ 2, 06/02/2017 | 12:47


Cùng sự kiện

Công an quận Hai Bà Trưng cho biết đang tiến hành các bước điều tra, làm rõ sự việc.

Công an quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đang tiến hành các bước điều tra, làm rõ sự việc hành hung trẻ em tại trường mầm non Sen Vàng.

Liên quan đến vụ hành hung trẻ em tại trường mầm non Sen Vàng gây xôn xao dư luận, chiều ngày 6/2, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết đang tiến hành các bước điều tra, làm rõ sự việc.

Thông tin bước đầu từ cơ quan điều tra, Cơ quan công an đã mời các giáo viên trường mầm non Sen Vàng (có trụ sở tại nhà 12A, dãy liền kề Chung cư Skylight, Hòa Bình 6, Minh Khai, Hai Bà Trưng) có mặt trong các clip phản ánh sự việc đăng tải trên các trang mạng xã hội và các bên liên quan cùng bên bị hại đến cơ quan điều tra để xác minh, làm rõ sự việc.

Bước đầu, danh tính hai cô giáo trong clip được làm rõ là Đặng Thị Bình (23 tuổi, quê Hải Dương, hiện đang ở tại cơ sở mầm non Sen Vàng); Nguyễn Thị Hồng Ngát (22 tuổi, quê Nam Định). Chủ cơ sở trên là bà Vũ Thị Tân (34 tuổi, trú phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội).

Trường mầm non Sen Vàng nơi xảy ra sự việc.

Tại cơ quan công an, hai giáo viên mầm non Nguyễn Thị Hồng Ngát và Đặng Thị Bình đã thừa nhận những hành vi hành hung các cháu học sinh mẫu giáo trường mầm non Sen Vàng.

Theo lời khai của Đặng Thị Bình, Bình tốt nghiệp trường Cao đẳng y tế Hưng Yên và không được đào tạo chuyên môn sư phạm. Tháng 9/2016, Bình được nhận làm nhân viên y tế của cơ sở mầm non Sen Vàng. Khoảng 2 tháng sau thì được điều chuyển làm phụ lớp, phụ trách vệ sinh cho các cháu. Do bực tức việc các cháu khóc nhiều và đi ngoài nhiều lần ra quần, không kiềm chế được bản thân, nên Bình đã dùng dép, thước kẻ hành hung và véo tai các cháu.

Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Hai Bà Trưng đang tiếp tục điều tra, làm rõ xử lý theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, cũng trong ngày 6/2, Bộ GD&ĐT đã có công văn số 301/BGDĐT – GDMN về việc chỉ đạo, kiểm soát thông tin bạo hành trẻ tại nhóm lớp học độc lập tư thục Sen Vàng – phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng.

Công văn của Bộ GD&ĐT nêu rõ, hành vi mà đoạn clip đăng tải về việc các cô giáo đã quát mắng, đánh đập và ngược đãi một số trẻ trong nhóm lớp này là hành vi vi phạm giáo dục, vi phạm đạo đức nhà giáo, gấy bức xúc dư luận và gây hoang mang lo lắng cho các bậc cha mẹ trẻ. Bộ GD&ĐT yêu cầu Kết quả gửi về Bộ trước ngày 7/2/2017.

Như trước đó đã đưa tin, ngày 5/2, trên mạng xã hội xuất hiện một đoạn clip ghi lại hình ảnh nhiều trẻ mầm non bị cô giáo cầm dép đánh vào đầu, nhéo tai và quát mắng.

Cụ thể, theo đoạn clip, có một bé trai đi vệ sinh ngay tại cửa lớp học khiến nước tiểu chảy ra sàn. Thấy cảnh ấy, một giáo viên đã cầm một chiếc dép màu trắng đập mạnh 2 lần lên đầu học sinh này kèm với đó là tiếng khóc nức nở của bạn học sinh nhí.

Tiếp đó, một bé trai khác đại tiện ra quần bị một cô dùng gậy đánh vào đầu, kéo vào nhà vệ sinh và dọa: "Có thích ị ra quần không? Từ mai có ị ra quần không?".

Cuối đoạn clip này, có một giáo viên dùng chân đá liên tiếp 3 cái vào bụng một bé để đẩy em vào phòng. Sau đó, cô giáo này dùng tay kéo mạnh lỗ tai về hướng ngược lại khiến bé khóc thét vì đau. Đoạn clip sau đó được chia sẻ một cách chóng mặt và nhận được sự quan tâm của đông đảo cư dân mạng.

Tùy theo động cơ, mục đích và mức độ nghiêm trọng của hậu quả để lại, người thực hiện bạo hành trẻ em có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính (bồi thường tiền) hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự (ngồi tù, chung thân, tử hình). Cụ thể:

a) Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 thể hiện rõ quan điểm tôn trọng và bảo vệ các quyền trẻ em:

"Trẻ em được gia đình, nhà nước và xã hội tôn trọng, bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm và danh dự", "Mọi hành vi vi phạm quyền của trẻ em, làm tổn hại đến sự phát triển bình thường của trẻ em đều bị nghiêm trị theo quy định của pháp luật" (theo Điều 14 và khoản 2 Điều 6 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em quy định);

Hành vi ngược đãi, hành hạ trẻ em là một trong những hành vi bị nghiêm cấm (theo khoản 6 Điều 7 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em quy định). Hành vi này được hướng dẫn tại Điều 8 Nghị định 71/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số quy định của luật, bao gồm:

Xâm phạm thân thể, đánh đập, đối xử tồi tệ đối với trẻ em; bắt trẻ em nhịn ăn uống, mặc rách, hạn chế vệ sinh cá nhân; giam hãm trẻ em; bắt trẻ em sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm.

Gây tổn thương về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng nhục, chửi mắng, đe dọa, làm nhục, cách ly, xao nhãng ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em.
Dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em, làm trẻ em tổn thương, đau đớn để thể xác và tinh thần.

Thường xuyên đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật làm trẻ em sợ hãi, tổn thương về tinh thần.

Theo quy định tại Điều 27 Nghị định 144/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em, những hành vi được liệt kê cụ thể như trên có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng.

b) Pháp luật đã quy định hành vi bạo hành trẻ em sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với một trong các tội sau:

Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe đối với trẻ em với mức phạt tù cao nhất là 3 năm (theo điểm d khoản 1 Điều 104 Bộ luật Hình sự (BLHS) quy định);

Tội vô ý làm chết người với mức phạt tù cao nhất là 5 năm (theo khoản 1 Điều 98 BLHS quy định);

Tội giết trẻ em với mức phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình (theo điểm c khoản 1 Điều 93 BLHS quy định).

Ngoài ra, người thực hiện hành vi hành hạ, ngược đãi đối với trẻ em còn phải bồi thường cho cha mẹ hoặc người giám hộ của các bé số tiền để bù đắp những tổn thất vật chất thực tế và tổn thất tinh thần.

Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo.

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cong-an-vao-cuoc-dieu-tra-vu-co-giao-mam-non-dung-dep-danh-tre-a180035.html