Cuộc chơi của những ông trùm: Dính bẫy gái gọi... giả


Thứ 6, 28/10/2016 | 07:16


(ĐSPL) - Để nhanh chóng thu lại được các chi phí thuê bến bãi, đầu tư chuỗi nhà hàng, nhà nghỉ... “chủ bưởng” sẽ chạy tất cả các gói dịch vụ với phí ở mức cao nhất.

(ĐSPL) - Đặc thù của hoạt động du lịch tại các khu nghỉ mát ven biển diễn ra trong thời gian ngắn, chủ yếu trong vài tháng hè. Do vậy, để nhanh chóng thu lại được các chi phí thuê bến bãi, đầu tư chuỗi nhà hàng, nhà nghỉ... “chủ bưởng” sẽ chạy tất cả các gói dịch vụ với phí ở mức cao nhất.

Hóa đơn... kinh hoàng

Khi thực hiện các tour du lịch ở bất cứ đâu, tâm lý chung của du khách đều chuẩn bị tài chính kha khá để phục vụ cho chuyến đi. Tuy nhiên, không ít du khách đã rơi vào bẫy chặt chém của các nhà nghỉ, nhà hàng tại những khu nghỉ này. Thậm chí, dù có đi theo đoàn cũng không thoát khỏi bẫy chặt chém một khi nó đã được các chủ nhà hàng cấu kết với đường dây bảo kê bãi biển thực hiện.

Một thành viên tham gia tuyến bài này kể lại chuyện chính chị ruột của cậu và mấy gia đình đi tour vào kỳ nghỉ vừa rồi đã sập bẫy “chặt chém” tại một nhà hàng ở khu du lịch nghỉ mát nổi tiếng Đ.N. Khi đó, cả đoàn gồm 7 người, vào một nhà hàng trên đường ra sân bay nghỉ để ăn trưa và nhận một hóa đơn thanh toán đến gần 5 triệu. PV đã liên lạc với chị Hoài (chị của anh bạn này) và được kể lại: “Trưa hôm đó, nhóm 7 người sau chuyến du lịch, tham quan Đ.N đã quyết định dùng bữa trưa tại nhà hàng P.Q trước khi ra sân bay. Khi nhóm vào, cô chủ nhà hàng niềm nở đón tiếp, nhân viên phục vụ cũng đon đả chào mời các món đặc sản của nhà hàng. Cô chủ nhà hàng còn giới thiệu rằng cô từ Hà Nội vào Đ.N kinh doanh, nhà ở phố Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy. Chúng tôi thấy đồng hương nên cũng trò chuyện cùng nhau vui vẻ”.

Sau đó, cô chủ đi đâu đó không ở quán nữa, có khoảng 3 - 4 nhân viên tại quán. Vì chủ quan và tin tưởng nên đoàn gọi món mà không hỏi giá. Lúc gọi 0,5kg ốc hương thì thấy nhân viên mang ra số lượng rất ít. “Tôi thắc mắc thì người này bảo: "Em cân đủ, chị không tin thì ra em cân lại cho xem!". Chắc nhân viên này cũng không nghĩ chúng tôi bắt cậu ấy cân lại. Và khi cân, rõ ràng chỉ có hơn 0,3kg. Thế là họ phải bù thêm cho chúng tôi 200gr”, chị Hoài kể lại.

Nghĩ rằng nhân viên bị bắt bẻ một lần sẽ không dám làm sai nữa, thế nhưng nhóm chị Hoài hoàn toàn bất ngờ khi thanh toán tiền thì nhận được hóa đơn hơn 5 triệu đồng. Chị nói: "Chúng tôi bất bình về một số món ăn có giá quá "chát", nhất là món tôm tít loại 2 lại tính giá loại 1. Sau khi kì kèo, họ bớt cho chúng tôi giá tôm tít còn 1 triệu đồng, tổng tiền giảm khoảng 700.000 đồng, còn lại 4,5 triệu đồng. Như vậy vẫn còn quá đắt cho một bữa trưa của 7 người”.

Khi chúng tôi mang câu chuyện này nói với Hùng “lùn” - nhân vật được nhắc đến ở những kỳ trước thì Hùng “lùn” xác nhận: “Đúng là có chuyện này và nó xảy ra chính tại chuỗi nhà hàng mà Trang “tằm” quản lý”. Khi PV thắc mắc, liệu đây có phải việc “chặt chém” khách không, làm vậy không sợ khách “một đi không trở lại à?”. Hùng “lùn” nói luôn: “Bọn anh lại không coi đó là chặt chém mà là... kỹ nghệ kinh doanh”.

Theo Hùng “lùn” tiết lộ, dù cho khách thoải mái mặc cả xem hàng hải sản trước khi ăn, song khi thanh toán, nhân viên chốt hóa đơn chỉ cần đưa đẩy thay đổi một chút về số lượng hay chủng loại hải sản đã ghi trong hóa đơn, sẽ đẩy số tiền thanh toán chênh lệch vài triệu ngay lập tức và khách hàng khó... cãi.

Hóa đơn thanh toán lên đến hàng triệu cho bữa trưa được chị Hoài gửi cho PV.

Dính bẫy gái gọi... giả

Hùng “lùn” nói thêm: “Mấy chú em không hiểu, chứ cũng vì thời gian kinh doanh vào kỳ nghỉ biển có hạn nên phải dùng mọi cách để thu lại chi phí thôi. Chặt chém như mấy em nói chẳng phải chỉ xảy ra trong dịch vụ nhà hàng đâu. Ngay dịch vụ nhỏ nhất là chụp ảnh lưu niệm bãi biển nhé. Du khách nào lớ ngớ cũng dính luôn”.

Kỹ nghệ móc túi này cũng được chị Hà Hồng Hạnh (Hà Nội) chia sẻ trên Facebook. Chị này kể, mới đây, khi nghỉ tại một bãi tắm tại Nha Trang, khi cả nhà chị đang đi dạo trên bãi biển thì thấy có một lâu đài cát nên sà vào chụp ảnh. Vừa chụp xong cho con khoảng 10 kiểu, hai thanh niên xông ra đòi 200.000 đồng. “Họ nói để được chụp ảnh với lâu đài cát đó chúng tôi phải trả 20.000 đồng/kiểu. Chúng tôi vô cùng ngỡ ngàng vì nó rất nhỏ, giống như một đứa trẻ nào đó mới xây lên. Nhưng hai thanh niên rất dữ tợn, chúng tôi lại đi cùng con nhỏ nên không thể đôi co được, đành phải trả tiền”, chị Hạnh bức xúc nói.

Khi tuyến bài này đang chạy trên các số báo ĐS&PL, PV cũng nhận được chia sẻ của nhiều du khách vừa dính bẫy “chặt chém” tại một số khu nghỉ dưỡng ven biển. Anh Nguyễn Hải Đăng là kế toán viên tại một ngân hàng ở Hà Nội chia sẻ về kỳ nghỉ tại khu Resort có tiếng tại miền Trung: “Chuyện là tôi và vợ thuê xe điện đi hóng mát ngắm cảnh, khi hỏi lái xe trả lời 10.000 đồng/người/chặng. Khi xuống, anh ta tính tôi 450.000 đồng cho 2 người. Họ bảo vừa chở chúng tôi đi qua 15 chặng vì đối với họ, cứ đi qua ngã ba là một chặng”(?!). Hay chia sẻ của vợ chồng chị Thảo, khi cả đoàn chị vào quán hỏi giá kỹ lưỡng, chủ quán báo 500.000 đồng/một nồi lẩu, thấy chấp nhận được nên mấy anh em mới ngồi xuống ăn. Ai ngờ trong hóa đơn cộng thêm 150.000 đồng tiền... nước lẩu.

Tuy nhiên chia sẻ kín của cánh mày râu khi tìm đến các dịch vụ nhạy cảm tại những khu nghỉ mát này, “đắng” nhất là dính phải “gái gọi”... giả. Nói là “giả” bởi không ít khách làng chơi dù đã thỏa thuận rất kỹ với người dẫn mối (chủ yếu là cánh xe ôm) song vẫn bị lừa.

Vịnh “thọt” – nhân vật được coi là có tiếng nói trong hoạt động cát cứ một khu nghỉ biển được nhắc tới ở những kỳ trước cho hay: “Sở dĩ "thị trường" gái mại dâm online nở rộ một cách chóng mặt xung quanh các khu du lịch vì nhiều lý do. Trước hết, hoạt động kiểu này vừa kín đáo lại qua ít đầu mối nên vừa dễ quản lý gái gọi, vừa mang lại thu nhập cao. Tuy nhiên, cũng không phải không có những rủi ro. Như chia sẻ của một khách làng chơi từng dính vào bẫy gái gọi giả thì, khi “check hàng” toàn thấy những hình ảnh cô gái đẹp như người mẫu. Khi kết nối đến nhà nghỉ lại phát hiện không phải là hàng đã tuyển khách định phản ứng thì nhận được ngay đòn phủ đầu của... gái mại dâm. Một là khách phải chi ra 200.000 đồng tiền phí taxi (dù chưa tàu nhanh), hai là nói chuyện với các anh kết nghĩa của gái (các đối tượng bảo kê-PV). Tất nhiên, để tránh rắc rối, đa phần khách chọn phương án một... cho an toàn”.

Tìm hiểu của PV cũng cho thấy, tại không ít khu nghỉ mát bờ biển, dưới sự chỉ đạo của các ông trùm, gái gọi lập nick Zalo, đăng những hình ảnh gái xinh, ăn mặc hở hang để câu mồi. Khi có khách gọi đến, người này yêu cầu phải nạp thẻ cào 100.000 đồng trước để làm tin. Tuy nhiên, khi nạp tiền vào thẻ, đến đặt phòng sẵn, nhưng chờ hoài mà không thấy cô gái đến. Khách đành tiu nghỉu ra về.

Cũng theo ghi nhận, có không ít trường hợp bị trấn lột đồ. Chiêu bài chủ yếu vẫn là, khi gái gọi vào phòng của khách một thời gian ngắn sẽ có kẻ xăm trổ đạp cửa xông vào nói “khách qua lại với... bồ của hắn”. Ngay sau đó, đám đồng bọn ào vào cướp tài sản. Hoặc, có trường hợp nhân viên khách sạn câu kết với các đối tượng giăng bẫy khách cũng với chiêu bài trên để cưỡng đoạt tài sản.

VI HẬU - MINH SƠN

Đọc thêm nhiều bài khác tại chuyên mục : An NinhTin pháp luật

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cuoc-choi-cua-nhung-ong-trum-dinh-bay-gai-goi-gia-a147474.html