Cựu tiếp viên hàng không buôn lậu 80 lượng vàng


Thứ 2, 26/12/2016 | 01:19


Cùng sự kiện

(ĐSPL) - Từng có thời gian làm tiếp viên hàng không, sau khi nghỉ không lương, Hoàng Thị Ngọc Anh bàn với 1 người ở Hàn Quốc mua vàng tại Việt Nam đưa sang Hàn Quốc bán.

(ĐSPL) - Từng có thời gian làm tiếp viên hàng không, sau khi nghỉ không lương, Hoàng Thị Ngọc Anh (Hà Nội) bàn với một người ở Hàn Quốc mua vàng tại Việt Nam đưa sang Hàn Quốc bán kiếm lời.

Theo tin trên TTXVN, ngày 25/12, CQĐT Công an TP Hà Nội đã kết thúc điều tra vụ án buôn lậu vàng qua đường hàng không, chuyển hồ sơ đề nghị Viện KSND TP Hà Nội truy tố 3 bị can Hoàng Thị Ngọc Anh, Nguyễn Ngọc Sang và Phạm Duy Nhuận về tội danh buôn lậu, theo khoản 4 điều 153 Bộ Luật Hình sự.

Do từng có thời gian làm tiếp viên hàng không, sau khi nghỉ không lương vào năm 2014, Hoàng Thị Ngọc Anh (34 tuổi), trú ở phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) kết nối với người tên Hà Hàn Quốc, bàn việc mua vàng ở Việt Nam đưa sang Hàn Quốc bằng đường hàng không bán kiếm lời. 

Hai đối tượng gồm Hoàng Thị Ngọc Anh và Nguyễn Ngọc Sang vận chuyển trái phép vàng qua đường hàng không. Ảnh: TTXVN.

Để có thể vận chuyển trót lọt, Ngọc Anh đã đặt vấn đề với người quen là Phạm Duy Nhuận (36 tuổi), nhân viên Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên kỹ thuật máy bay VAECO Việt Nam.

Theo đó, nhằm tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng, người này sẽ thực hiện việc tìm cách mang vàng lên máy bay trước cho Ngọc Anh.

Báo Công an nhân dân cho biết, chiều 26/7/2016, Ngọc Anh đến một tiệm vàng trên phố Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa mua 80 lượng vàng với giá gần 2,9 tỷ đồng.

Thanh toán xong, người này đề nghị cửa hàng chế số vàng này thành 4 cục, nhằm mang lên máy bay cho gọn.

Khoảng 21h cùng ngày, Ngọc Anh gặp Nhuận tại sân bay Nội Bài, đưa 4 cục vàng và 2 triệu đồng tiền công. Sau khi đưa vàng, Ngọc Anh cùng chồng là Nguyễn Ngọc Sang sang nhà ga T2 để làm thủ tục xuất cảnh đi Hàn Quốc. 

Sau khi nhận vé máy bay, Ngọc Anh nhắn tin cho Nhuận số ghế của Sang để người này gắn vàng vào trước.

Khoảng 0h25 ngày 27/7, Công an TP Hà Nội phối hợp cơ quan chức năng kiểm tra 2 hành khách Hoàng Thị Ngọc Anh, Nguyễn Ngọc Sang có số ghế 12D và 12G trên chuyến bay VN416, phát hiện, thu giữ 4 cục vàng quấn băng dính nam châm dưới gầm ghế của Sang.

Cựu tiếp viên hàng không Hoàng Thị Ngọc Anh (áo đen). Ảnh: Công an nhân dân.

Tại CQĐT, cặp vợ chồng này khai nếu mang trót lọt 80 “cây” vàng trên sang Hàn Quốc bán sẽ được lãi từ 45 triệu đến 60 triệu đồng.

Nguồn tin cho hay, trước đó vào tháng 6/2016, cũng với cách thức tương tự, Ngọc Anh đã nhờ Nhuận vận chuyển trót lọt 20 cây vàng lên máy bay mang sang Hàn Quốc bán.

Nguyễn Ngọc Sang và Phạm Duy Nhuận sau đó bị CQĐT ra lệnh bắt khẩn cấp về hành vi Buôn lậu; Ngọc Anh do đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi nên CQĐT áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú.

Điều 153, luật hình sự năm 1999 quy định về tội buôn lậu :

1. Người nào buôn bán trái phép qua biên giới thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:

a) Hàng hoá, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý có giá trị từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng hoặc dưới một trăm triệu đồng nhưng đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 154, 155, 156, 157, 158,159,160 và 161 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 193, 194, 195, 196, 230, 232, 233, 236 và 238 của Bộ luật này;

b) Vật phẩm thuộc di tích lịch sử, văn hoá;

c) Hàng cấm có số lượng lớn hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 154, 155, 156, 157, 158,159,160 và 161 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 193, 194, 195, 196, 230, 232, 233, 236 và 238 của Bộ luật này.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tái phạm nguy hiểm;

d) Vật phạm pháp có giá trị từ ba trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

đ) Hàng cấm có số lượng rất lớn;

e) Thu lợi bất chính lớn;

g) Lợi dụng chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh hoặc hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác;

h) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

i) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

k) Phạm tội nhiều lần;

l) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Vật phạm pháp có giá trị từ năm trăm triệu đồng đến dưới một tỷ đồng;

b) Hàng cấm có số lượng đặc biệt lớn;

c) Thu lợi bất chính rất lớn;

d) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Vật phạm pháp có giá trị từ một tỷ đồng trở lên;

b) Thu lợi bất chính đặc biệt lớn;

c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo

(Tổng hợp)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cuu-tiep-vien-hang-khong-buon-lau-80-luong-vang-a175744.html