Dấu hỏi đằng sau chuyện ăn chia 30 tỉ đồng từ “tin nhắn rác”


Chủ nhật, 27/07/2014 | 03:50


(ĐSPL) - Tội phạm công nghệ cao hoạt động ngày càng tinh vi dưới nhiều hình thức khác nhau, đặc biệt là phát tán tin nhắn rác, gây bức xúc trong dư luận, thiệt hại cho "thượng đế" hàng chục tỉ đồng.

(ĐSPL) - Tội phạm công nghệ cao hoạt động ngày càng tinh vi dưới nhiều hình thức khác nhau, đặc biệt là phát tán tin nhắn rác, gây bức xúc trong dư luận, thiệt hại cho "thượng đế" hàng chục tỉ đồng.
Mới đây phòng 3 cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50, Bộ Công an) đã bắt tạm giam rất nhiều đối tượng. Câu hỏi đặt ra là có hay không sự tiếp tay của nhà mạng trong việc các đối tượng chiếm đoạt hàng chục tỉ đồng của "thượng đế"?
Lập ba công ty, "thầu" đầu số phát tán "rác"
Qua công tác trinh sát nắm tình hình, từ cuối năm 2013, phòng 3 C50 đã xác lập chuyên án 113R, đấu tranh triệt phá tổ chức hoạt động phát tán tin nhắn lừa đảo người sử dụng điện thoại di động và chiếm đoạt phí dịch vụ tin nhắn lên đến hàng chục tỉ đồng.
Theo đó, đối tượng Lê Ngọc Tiến trú tại lô 6-M5-TT6 Bắc Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội, nhân viên công ty FPT đã bỏ tiền, tổ chức thuê người, mua sắm trang thiết bị, thành lập ba công ty: Vvas, Vcontent, Bắc Đại Dương để hoạt động phát tán tin nhắn. Ba công ty này ký hợp đồng thuê các đầu số 7x68 và 7x77 với các nhà cung cấp dịch vụ di động là: Vinaphone, Mobifone, Viettel để sử dụng. Tiến phân công các nhân viên công ty thành từng nhóm hoạt động phát tán tin nhắn rác.
Chuyên án 113R và dấu hỏi đằng sau chuyện ăn chia 30 tỉ đồng
Kẻ chủ mưu Lê Ngọc Tiến.
Nguyễn Xuân Dũng và Nguyễn Duy Đông, Giám đốc công ty Vvas và Vcontent là người trực tiếp ký kết hợp đồng thuê đầu số, thuê chỗ đặt máy chủ, ký ủy nhiệm chi, thanh toán tài khoản, trực tiếp phát tán tin nhắn, hợp thành ê-kíp để phạm tội. Theo phân công, nhóm soạn thảo nội dung tin nhắn quảng cáo và tin nhắn trả lời gồm các đối tượng Nguyễn Thị Thủy Trang, Lương Thị Toan có nhiệm vụ soạn thảo các tin nhắn có nội dung không đúng sự thật, không có căn cứ, nhằm mục đích lôi kéo người sử dụng điện thoại nhắn tin. Sau khi soạn tin, nhóm này thông qua email, skype, chat, viber gửi nội dung tin nhắn đã soạn thảo cho nhóm phát tán để soạn tin nhắn trả lời.
Nhóm phát tán tin nhắn gồm các đối tượng Nguyễn Xuân Dũng, Nguyễn Duy Đông, Trần Khắc Quỳnh và một số sinh viên được Tiến thuê làm bán thời gian. Những người này có nhiệm vụ nhận tin nhắn từ nhóm soạn thảo sau đó sử dụng thiết bị phát tin nhắn lừa đảo đến các thuê bao điện thoại di động.
Là kế toán, Lê Thị Song Hoàn có nhiệm vụ làm các thủ tục thanh toán tiền phí dịch vụ tin nhắn với nhà cung cấp dịch vụ, thanh toán cước thuê chỗ đặt máy chủ, internet, trả lương nhân viên, rút, chuyển tiền từ các tài khoản công ty rồi chuyển về cho Lê Ngọc Tiến hoặc chuyển theo sự chỉ đạo của Tiến. Để tránh sự phát hiện, xử lý của cơ quan chức năng, che giấu nhân thân và hành vi phạm tội của mình, Lê Ngọc Tiến chỉ đạo mọi hoạt động của nhân viên công ty thông qua điện thoại, email... Các vị trí khác trong công ty như giám đốc, kế toán, Tiến đều thuê người làm chứ không làm trực tiếp.
Qua điều tra ban đầu, cơ quan điều tra đã phát hiện các đối tượng soạn ra các tin không đúng sự thật, không có căn cứ để lừa đảo những "thượng đế" nhẹ dạ cả tin, cụ thể, hợp tác với công ty xổ số, nguồn tin đặc biệt từ hội đồng xổ số dành riêng cho khách hàng VIP hoặc bạn đã trúng thưởng Iphone 5S soạn tin theo cú pháp như DK, LOC... gửi đến các đầu số 7x68, 7x77. Khi người sử dụng điện thoại gửi tin đến sẽ bị trừ từ 500 đến 15.000 đồng/tin, tùy theo từng loại tin.
Được biết, mỗi ngày nhóm đối tượng này phát tán hàng trăm nghìn tin nhắn đến người sử dụng điện thoại di động và nhận được hàng nghìn tin nhắn phản hồi. Các số điện thoại di động của người sử dụng đều do Lê Ngọc Tiến cung cấp.
Vạch trần những "kẻ giấu mặt hoàn hảo"
Thực hiện kế hoạch phá án, hồi 14h40' ngày 13/6/2014, tổ công tác bắt quả tang tại nhà bà Nguyễn Thị Hoàng Mai ở phòng 119, nhà 5B, tập thể Đại học Công đoàn, phường Quang Trung, quận Đống Đa, TP.Hà Nội, các đối tượng gồm: Nguyễn Xuân Dũng, Nguyễn Duy Đông, Nguyễn Thị Thư, Nguyễn Thị Hạnh là nhân viên công ty Vvas đang phát tán tin nhắn về dự đoán kết quả xổ số, soi cầu lô đề, trúng thưởng nhằm lừa đảo người sử dụng điện thoại di động nhắn tin đến các đầu số 7x68 và 7x77 để chiếm đoạt phí dịch vụ tin nhắn.
Từ tháng 6/2012 đến tháng 6/2014, hoạt động phát tán tin nhắn lừa đảo của các công ty do Lê Ngọc Tiến làm chủ đã gây thiệt hại cho người sử dụng điện thoại di động với số tiền hơn 30 tỉ đồng.
Cùng ngày 13/6/2014, tổ công tác đã bắt quả tang tại phòng 307 nhà A2 chung cư 54 phố Hạ Đình nhóm đối tượng gồm: Nguyễn Ngọc Quyết, Trần Ngọc Toản, Trần Trung Đức, Nghiêm Thị Huyền Trang, Lê Đức Duy, Nguyễn Văn Khánh, Dương Duy Cường đang phát tán tin nhắn rác lừa đảo cho công ty Thiên Ngân tương tự như hoạt động của công ty Vvas, Vcontent nêu trên. Tang vật thu giữ là hàng chục bộ thiết bị phát tán tin nhắn rác, hàng nghìn SIM điện thoại, hàng chục máy tính và USB 3G... Các đối tượng khai nhận hoạt động phát tán tin nhắn lừa đảo người sử dụng điện thoại di động tương tự như công ty Vvas. Lê Ngọc Tiến (chủ công ty Vvas, Vcontent, Bắc Đại Dương) chính là đối tượng cung cấp SIM điện thoại và số thuê bao di động cho các đối tượng của nhóm công ty của Trần Ngọc Hùng (công ty Thiên Ngân, Thiên Hà) phát tán tin nhắn rác.
Kết quả điều tra và phân tích dữ liệu trên máy chủ cho thấy, từ 1/5 đến 13/6/2014, các đối tượng đã phát tán hàng trăm nghìn tin nhắn và nhận về gần 700.000 tin nhắn từ người sử dụng điện thoại di động tương ứng 1,044 tỉ đồng.
Nhiều chuyên gia công nghệ thông tin cho rằng, đó là những gì còn lại trên máy chủ, còn những dữ liệu mà đối tượng đã xóa thì khó có thể kiểm soát được. Câu hỏi đặt ra là trong vụ việc này có hay không sự hỗ trợ, tiếp tay của các nhà mạng?
Chuyên án 113R và dấu hỏi đằng sau chuyện ăn chia 30 tỉ đồng
Thiếu tá Nguyễn Huy Lục, Phó Trưởng phòng 3, C50.
Trao đổi với PV, Thiếu tá Nguyễn Huy Lục, Phó Trưởng phòng 3 C50 cho biết: Việc truy tìm vật chứng trong vụ án rất khó khăn bởi những thiết bị mà các đối tượng dùng làm công cụ lừa đảo khách hàng rất nhỏ, dễ ngụy trang, được để ở những nơi xa trung tâm nên khó phát hiện. Mặt khác, đối tượng cầm đầu là người am hiểu về công nghệ thông tin, biết che đậy hoàn hảo. Tuy nhiên, bằng các biện pháp nghiệp vụ cơ quan chức năng đã lập chuyên án và phá án thành công.               
Khởi tố 11 bị can, bắt tạm giam 5 đối tượng
Cơ quan CSĐT Công an quận Đống Đa đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can 11 đối tượng, trong đó có 5 đối tượng bị bắt tạm giam gồm giám đốc, kế toán, nhân viên kỹ thuật, nhân viên kinh doanh của các công ty Vvas, Vcontent và công ty Thiên Ngân về tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 226b Bộ luật Hình sự. Vụ việc đang được C50 và cơ quan CSĐT Công an quận Đống Đa mở rộng điều tra.
 

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dau-hoi-dang-sau-chuyen-an-chia-30-ti-dong-tu-tin-nhan-rac-a42911.html