Đi tìm sự thật về đường dây mua bán nội tạng người


Thứ 7, 01/08/2015 | 00:41


(ĐSPL) - Cứ mỗi lần thành công trong một vụ mua bán thận, Dũng lại kiếm lời bất chính hàng chục đến hàng trăm triệu đồng.

(ĐSPL) - Cứ mỗi lần thành công trong một vụ mua bán thận, Dũng lại kiếm lời bất chính hàng chục đến hàng trăm triệu đồng. Những kẻ môi giới ăn theo cũng kiếm được cho mình từ 3 - 5 triệu đồng. 

“Cặp đôi hoàn cảnh”

Theo thông tin mới nhất từ cục Cảnh sát Hình sự -  bộ Công an, tới nay, đơn vị đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Việt Dũng (32 tuổi), trú tại Hải Phòng về hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Nhưng điều đặc biệt, Dũng và đồng bọn chuyên làm giấy tờ giả không phải để bán những thứ hàng hóa bình thường mà nhằm mục đích hợp pháp hóa những phi vụ môi giới bán thậnnội tạng người, nhằm kiếm bộn tiền.

Cùng bị điều tra với Dũng còn có Lê Thị Yến (50 tuổi), trú tại TP.Nam Định, tỉnh Nam Định và một đối tượng khác. Không ai ngờ được rằng, chính Dũng cũng đã từng bán đi một quả thận của mình cách đây vài năm bởi vì quá túng quẫn về kinh tế. Còn bà Yến, cũng là mẹ của hai người con mắc bệnh liên quan đến thận.

Người con đầu đã mất, đứa con thứ cũng mắc căn bệnh này nhưng đã được ghép thận và đang nằm điều trị. Chính bởi là “người trong cuộc” nên Dũng và Yến hiểu rất rõ nhu cầu của những người cần mua bán thận. Bên cạnh đó, chúng còn biết cách làm thế nào để tìm được đối tượng mua bán nội tạng người một cách đơn giản nhất, kiếm lời nhiều nhất. Mạng internet trở thành một công cụ đắc lực cho những phi vụ làm ăn phi pháp của chúng. Những người có nhu cầu mua bán thận đều đưa thông tin lên mạng và có kèm theo số điện thoại. Trước đây, chính thị Yến cũng đã đăng những thông tin của con mình nhằm tìm người có thận phù hợp để ghép thận cho con, nhưng vì chưa kịp xóa nên ngay cả khi con đã được ghép thận, vẫn có những cuộc điện thoại gọi đến hỏi thị với mong muốn có nhu cầu bán thận.

Vì tiền, những bộ phận trên cơ thể con người bỗng chốc thành hàng hóa

Từ những cơ sở đó, các đối tượng như Dũng và Yến đã câu kết với nhau để hình thành đường dây mua bán thận cho những người có nhu cầu ghép thận ở bệnh viện Trung ương Huế. Các đối tượng phân công cụ thể “công việc” cho nhau như sau, theo đó, đối tượng Yến là người chuyên môi giới, tìm hiểu những người có nhu cầu mua thận để ghép hoặc bán, sau đó sẽ liên hệ với Dũng. Dũng thường tìm trên mạng và liên hệ tới những số điện thoại của những người có nhu cầu mua bán thận, rồi thỏa thuận giá cả với họ. Mức giá trung bình được Dũng giao dịch là 150 triệu đồng/quả thận.

Người bán thận là “con mồi” của Dũng và Yến phần lớn vì túng quẫn về kinh tế mà phải làm liều. Khi nhu cầu về tiền bạc thúc ép đến đường cùng, họ không còn cách nào khác. Bán đi một quả thận đồng nghĩa với việc mất đi một nửa sức khỏe của chính mình. Họ có thể là sinh viên, công nhân, lao động tự do... nhưng đều chung một mục đích, đó là cần tiền.

Sau khi được đồng ý bán thận, Dũng sẽ đón họ đi xét nghiệm HLA, mất khoảng 10 triệu đồng để xem các chỉ số phù hợp với người cần ghép, nuôi ăn ở và bao toàn bộ chi phí máy bay vào Huế để thực hiện các ca ghép thận. Ca ghép thận được thực hiện xong, bên mua sẽ trả cho Dũng khoảng 220 triệu đến 300 triệu đồng. Với số tiền này, Dũng trả cho người bán thận khoảng 150 triệu đồng, đối tượng Yến được hưởng 3 – 5 triệu đồng, còn Dũng kiếm được cho mình từ khoảng 25 – 30 triệu đồng.

Đường đi... của máu

Theo quy định của pháp luật, việc thực hiện ghép thận phải qua nhiều thủ tục nghiêm ngặt, đặc biệt người cho và người nhận thận phải có quan hệ anh em, họ hàng và không có mục đích mua bán, thương mại. Để lách được lưới luật pháp, Dũng và đồng bọn đã phù phép, biến hóa các giấy tờ, làm giả con dấu, giấy xác nhận của chính quyền địa phương hoặc cha mẹ người bán thận, chỉnh sửa một số chi tiết trong hộ khẩu, chứng minh nhân dân của người bán thận để thực hiện trót lọt những phi vụ mua bán thận nhằm kiếm lời bất chính.

Những giấy tờ để hoàn tất một ca ghép thận bao gồm: Giấy xác nhận của chính quyền xã, phường, xác nhận người cho thận và người bán thận có mối quan hệ anh em, họ hàng; giấy xác nhận của công an xã, phường về tư cách, hạnh kiểm của người cho thận không có tiền án, tiền sự, không vi phạm pháp luật; giấy cam kết của người đại diện gia đình người cho thận (bố, mẹ, vợ, chồng) đồng ý cho thận có xác nhận của chính quyền phường, xã.

Sau khi có được người đồng ý bán thận, Dũng hỏi tên tuổi, gia đình, anh em, quê quán để ghi lại. Việc ghi lại chỉ là làm cho có lệ, đường dây của Yến và Dũng sẽ làm lại hộ khẩu và các giấy tờ xác nhận khác. Theo nguồn tin mà chúng tôi có được, từ năm 2013 đến năm 2014, Dũng đã tự “sáng tác” ra các loại giấy cam kết này bằng cách làm giả phần xác nhận của chính quyền địa phương, làm giả con dấu của UBND các phường, xã, thị trấn trong nhiều loại giấy tờ có liên quan đến hồ sơ của người hiến (bán) thận để bệnh viện Trung ương Huế duyệt hồ sơ cho tiến hành ghép thận.

Chân dung “ông trùm” buôn thận

Thủ thuật làm giả của Dũng là dùng phương pháp in lưới hoặc in phun màu. Vì vậy, khi tiến hành kiểm tra và xác minh một số hồ sơ nghi vấn đã tiến hành ghép thận tại bệnh viện, Cơ quan điều tra phát hiện có trường hợp người cho thận được xác nhận là chồng bệnh nhân, nhưng kiểm tra thực tế, chồng bệnh nhân là một người hoàn toàn khác...

Trong quá trình tác nghiệp, PV báo ĐS&PL mới biết việc bán thận được các đối tượng môi giới phân loại rõ ràng dưới 2 hình thức: Thứ nhất, những người bán thận vì thực sự họ có hoàn cảnh gia đình khó khăn, hay nói cách khác họ đang ở bước đường cùng. Đây là trường hợp thường bị các đối tượng như Dũng, Yến dễ dụ dỗ nhất. Thứ hai là những kẻ có “tiểu sử” ăn chơi trác táng, muốn bán thận lấy tiền cho các cuộc truy hoan thâu đêm suốt sáng. Thường thì ở trường hợp thứ hai, Dũng sẽ kiếm được ít hơn, vì những trường hợp này, người bán có tí chất “chơi” trong người nên biết rõ về giá cả các loại mặt hàng, kể cả nội tạng người.

Một nguồn tin khác cũng cung cấp, trong đường dây buôn bán thận do Dũng cầm đầu còn nhiều đối tượng khác như bà H., N., D...., hiện chưa bị bắt nhưng cũng đang trong tầm ngắm của cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội. Báo ĐS&PL sẽ tiếp tục thông tin vụ việc tới bạn đọc.

Theo tìm hiểu của PV thì hiện nay, luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác cấm việc cho, ghép vì mục đích thương mại. Nhưng, pháp luật vẫn chưa có quy định xử lý hình sự đối với những đối tượng môi giới việc mua bán này. Vì vậy, trong vụ án nói trên, Dũng bị khởi tố, bắt giam về hành vi làm giả các loại giấy tờ để hợp pháp hóa việc mua, bán thận. Theo các điều tra viên, khi nhu cầu về mua - bán nội tạng đang rất cao trong xã hội, sẽ nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp liên quan đến ANTT như môi giới bán nội tạng, làm giấy tờ giả để hợp pháp hóa việc bán tạng, thậm chí có thể lừa những người cùng quẫn tiền bạc sang nước ngoài để bán tạng.

Liên quan đến vấn đề trên, trao đổi với PV báo ĐS&PL, luật sư Huy An, đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho hay, trước đây khi chưa có sự tiến bộ của y khoa, những người mắc bệnh thận coi như không còn cách cứu chữa. Nhưng nay, y học phát triển, người bệnh có quyền hy vọng kéo dài sự sống bằng cách ghép thận. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra nhiều vấn đề nghi ngại, đặc biệt là vấn đề quản lý như thế nào, nhất là với những đối tượng vì mục đích thương mại, lừa đảo, biến những người cho, hiến nội tạng thành miếng mồi ngon. Do đó, để ngăn chặn được hành vi này, ngoài việc xem xét kỹ hồ sơ của người ghép thận và người cho thận, các y bác sỹ cũng cần phải lấy đạo đức nghề nghiệp làm đầu. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng phải tăng cường chức năng giám sát tuyên truyền trước vấn nạn này.

Dương Phạm- Nguyễn Bắc

[mecloud] ProDHzUdGL[/mecloud]

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/di-tim-su-that-ve-duong-day-mua-ban-noi-tang-nguoi-a104292.html