Hạt trưởng kiểm lâm mất chức vì để rừng bị phá


Chủ nhật, 23/11/2014 | 12:27


(ĐSPL) - Hạt trưởng Kiểm lâm huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa bị điều chuyển công tác do để lâm tặc đốn hạ nhiều khoảnh rừng, lấy đi hàng chục m3 gỗ.

(ĐSPL) - Ông Lê Phú Vẽ, Hạt trưởng Kiểm lâm huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa bị điều chuyển công tác do để lâm tặc vào rừng phòng hộ ở xã Xuân Chinh đốn hạ nhiều khoảnh rừng, lấy đi hàng chục m3 gỗ.

Ngày 21/11, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa đã gửi báo cáo UBND tỉnh về kết quả kiểm tra, xử lý kỷ luật cán bộ công chức về vụ phá rừng trái phép xảy ra ở xã Xuân Chinh, huyện Thường Xuân hồi giữa năm 2014.

Bị đánh giá “không hoàn thành nhiệm vụ” trong công tác điều hành, phân công cán bộ thực hiện nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ rừng, ông Lê Phú Vẽ, Hạt trưởng Kiểm lâm huyện Thường Xuân bị kiểm điểm, chuyển công tác về đơn vị khác. Hạt phó kiểm lâm phụ trách địa bàn và Trạm trưởng trạm kiểm lâm Bù Đồn (đơn vị phụ trách bảo vệ rừng phòng hộ xã Xuân Chinh)… được xác định “chưa sâu sát địa bàn, để rừng bị chặt phá khai thác trái phép”. Nhóm cán bộ này bị kiểm điểm, rút kinh nghiệm nghiêm túc do “sai phạm không lớn”, “đã thành khẩn nhận trách nhiệm với thái độ cầu thị”.

An ninh - Hình sự - Hạt trưởng kiểm lâm mất chức vì để rừng bị phá

Ông Lê Phú Vẽ người bị giáng chức vì để nạn phá rừng hoành hoành ở Thường Xuân, Thanh Hóa.

Liên quan đến vụ việc, Chủ tịch xã Xuân Chinh Cầm Bá Nhang, Phó chủ tịch Cầm Bá Quân cũng bị kiểm điểm nghiêm túc do không quản lý tốt việc giao khoán đất rừng cho người dân địa phương, để xảy ra phá rừng bừa bãi, không kịp thời báo cáo cấp trên có biện pháp ngăn chặn kịp thời.

Khoảng đầu năm 2014, tại thôn Cụt Ạc, xã Xuân Chinh, huyện Thường Xuân xảy ra tình trạng phá rừng tràn lan khiến dư luận bức xúc. Nhiều khoảnh rừng bị lâm tặc đốn hạ. Dọc dòng suối Hón Ván, nhiều khúc gỗ bị chặt về tập kết ngổn ngang bên bờ suối. Đi sâu vào bên trong, nhiều cây rừng bị chặt phá chỉ còn trơ trọi gốc.

Kết quả kiểm tra của lực lượng Kiểm lâm và công an huyện Thường Xuân cho hay, đã có 43 cây gỗ tròn (nhóm 6) bị khai thác trái phép với tổng khối lượng hơn 27 m3. Trong đó có 23 cây bị khai thác từ cuối năm 2013 trở về trước, 20 cây còn lại bị đốn hạ vào khoảng tháng 7/2014. Hiện số gỗ này một phần đã bị lấy mất, số còn lại đã được cơ quan chức năng thu hồi chờ xử lý.

Theo ông Lê Như Tuấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa, nguyên nhân để xảy ra tình trạng phá rừng ở Xuân Chinh là đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, diện tích đất canh tác ít, kinh tế chủ yếu dựa vào rừng, một số hộ dân lợi dụng mùa mưa, mực nước suối lên cao lén lút vào rừng khai thác gỗ trái phép…

Ngoài ra, theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp, thời tiết mưa nhiều cũng gây khó khăn cho công tác tuần tra, kiểm soát rừng dẫn đến sai phạm kéo dài, chậm xử lý.

Tỉnh Thanh Hóa hiện còn khoảng 629.000 ha rừng, chủ yếu nằm ở 11 huyện miền núi phía tây. Trong năm 2013 và đầu năm 2014, ở tỉnh này xảy ra nhiều vụ phá rừng quy mô lớn.

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/hat-truong-kiem-lam-mat-chuc-vi-de-rung-bi-pha-a70503.html