Hoa hậu Phương Nga bất ngờ từ chối một luật sư bào chữa


Thứ 4, 21/06/2017 | 12:06


Cùng sự kiện

Hoa hậu Trương Hồ Phương Nga đã có đơn từ chối luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Đoàn Luật sư TP.HCM) tham gia bào chữa trong phiên tòa ngày 22/6 vì lý do cá nhân.

Hoa hậu Trương Hồ Phương Nga đã có đơn từ chối luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Đoàn Luật sư TP.HCM) tham gia bào chữa trong phiên tòa ngày 22/6 vì lý do cá nhân.

Báo Vietnamnet dẫn nguồn thông tin từ Phòng An ninh điều tra - Công an TP.HCM ngày 21/6 cho hay, bị can Trương Hồ Phương Nga (31 tuổi) đã có đơn từ chối luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Đoàn Luật sư TP.HCM) tham gia bào chữa trong phiên tòa ngày 22/6 vì lý do cá nhân.

Trong đơn của bị can Trương Hồ Phương Nga ghi rõ “Hôm nay tôi làm đơn này để trình báo với Tòa án nhân dân TP.HCM (TAND.TPHCM) về việc tôi xin từ chối luật sư Nguyễn Kiều Hưng tham gia bào chữa trong vụ án của tôi với lý do cá nhân. Xin TAND TP.HCM không triệu tập luật sư Hưng trong phiên tòa lần tới”.

Đơn của Phương Nga gửi TAND - Ảnh: Công an TP HCM

Theo lịch, ngày mai (22/6) TAND.TPHCM sẽ đưa ra xét xử Trương Hồ Phương Nga và đồng phạm Nguyễn Đức Thùy Dung về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Trước đó, báo Vnexpress dẫn lời luật sư Nguyễn Văn Quynh - người bào chữa cho hoa hậu Phương Nga nói rằng vừa gặp thân chủ vài ngày trước. Phương Nga không có vấn đề về sức khoẻ, tỏ ra khá lạc quan và chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho ngày ra tòa.

"Đây là lần thứ 2 tôi tiếp xúc với Nga. Cô ấy rất tự tin, đã chuẩn bị chứng cứ để công bố trước tòa. Cô ấy nói tường tận về mối quan hệ tình cảm với ông Mỹ (bị hại trong vụ án). Thời còn mặn nồng họ từng 17 lần xuất ngoại chung và cả lý do dẫn đến mâu thuẫn của hai người" - Vnexpress dẫn lời luật sư nói và cho biết những nội dung Nga trao đổi với luật sư đều được cán bộ trại giam ghi chép và lập biên bản.

Liên quan đến vụ việc, ngày 20/6, trao đổi trên báo Công an Nhân dân trước ngày diễn ra phiên tòa xét xử, bà Hồ Mai Phương (mẹ của Hoa hậu Trương Hồ Phương Nga) cho biết bà bay vào TP Hồ Chí Minh từ sáng 19/6 để cùng với 3 luật sư tham dự phiên tòa. Bà nói rằng, chặng đường đi tìm công lý cho con đã kéo dài, rất mệt mỏi...

Điều 139. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ năm 2009):

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ  sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tái phạm nguy hiểm;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

g) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một  trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây,  thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo

(Tổng hợp)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/hoa-hau-phuong-nga-bat-ngo-tu-choi-mot-luat-su-bao-chua-a194013.html