Nam nhân viên bảo vệ bị đâm nhưng vẫn dũng cảm quật ngã tên cướp


Thứ 6, 26/05/2017 | 04:35


Cùng sự kiện

Khi đang khống chế tên cầm lái thì bị tên cướp còn lại rút dao đâm. Bị thương nhưng nam bảo vệ vẫn cố quật ngã tên cướp.

Khi đang khống chế tên cầm lái thì bị tên cướp còn lại rút dao đâm. Bị thương nhưng nam bảo vệ vẫn cố quật ngã tên cướp.

Báo Vnexpress đưa tin, ngày 26/5, Công an quận 7 TP HCM) tạm giữ hình sự Phạm Tiến Hưng (25 tuổi) và Hồ Ngọc Cẩm (20 tuổi) để điều tra hành vi Cướp giật tài sản.

Theo đó, chiều 25/5, 2 đối tượng đèo nhau trên xe máy lượn nhiều tuyến đường để tìm "con mồi". Khi đến khu dân cư Him Lam (quận 7), chúng áp sát giật phăng chiếc điện thoại của người đàn ông đi bộ rồi tháo chạy.

Nghe tiếng tri hô, anh Trần Văn Khang (25 tuổi), nhân viên bảo vệ một ngôi trường gần đó lao ra đạp xe bọn cướp khiến chúng va vào ôtô ngã xuống đường.

Hai đối tượng tại cơ quan Công an và tang vật bị thu giữ - Ảnh: Sài Gòn giải phóng

Anh Khang xông vào khống chế tên cầm lái thì bị kẻ còn lại rút dao đâm. Bị thương nhưng nam bảo vệ vẫn cố quật ngã tên cướp. Cùng lúc, nhiều người dân gần đó đã hỗ trợ vây bắt cả hai nghi can. Nam nhân viên bảo vệ được đưa đi cấp cứu với vết thương ở lưng.

Liên quan đến vụ việc, thông tin thêm trên báo Công an TP HCM, tại cơ quan công an, cả 2 đối tượng đã khai nhận hành vi phạm tội của mình.

Riêng Hưng cho biết từng có 1 tiền án về tội cướp giật tài sản và mới ra tù hồi đầu năm nay.

Để động viên, khích lệ tinh thần dũng cảm của nam nhân viên bảo vệ, ngay trong tối cùng ngày, đích thân Bí thư Đảng ủy P. Tân Hưng cùng lãnh đạo công an Phường đã đến tặng quà thăm hỏi, động viên anh Khang.

Trước mắt, chính quyền địa phương sẽ phối hợp cùng bệnh viện đa khoa Tân Hưng miễn phí toàn bộ chi phí chữa trị cho anh Khang, đồng thời lập hồ sơ đề nghị cơ quan chức năng khen thưởng xứng đáng cho thành tích dũng cảm của nam nhân viên bảo vệ trẻ tuổi này.

Điều 136. Tội cướp giật tài sản (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009:

1. Người nào cướp giật tài sản của người khác, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười  năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tái phạm nguy hiểm;

d) Dùng thủ đoạn nguy hiểm;

đ) Hành hung để tẩu  thoát;

e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương  tật từ 11% đến 30%;

g) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

h) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến  mười lăm năm:

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%;

b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

c)  Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4.  Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc làm  chết người;

b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng.

Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo

Tổng hợp

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nam-nhan-vien-bao-ve-bi-dam-nhung-van-dung-cam-quat-nga-ten-cuop-a191411.html