Nghi vấn cơ trưởng Vietnam Airlines buôn lậu nước hoa: Từ những “vết đen” lộ cơ chế kiểm soát lỏng lẻo?


Chủ nhật, 20/01/2019 | 07:14


Cùng sự kiện

Những năm qua, hãng Hàng không Vietnam Airlines đã để xảy ra nhiều vụ buôn bán hàng không rõ nguồn gốc, hàng lậu do chính phi công và tiếp viên thực hiện.

Những năm qua, hãng Hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) đã để xảy ra nhiều vụ buôn bán hàng không rõ nguồn gốc, hàng lậu do chính phi công và tiếp viên thực hiện. Dư luận đặt câu hỏi, phải chăng do cách điều hành và quản lý lỏng lẻo của Vietnam Airlines khiến nhân viên hư hỏng?

Đường “đi thẳng” của những lô hàng

Ngày 11/1/2019, cơ trưởng của Vietnam Airlines đang giao 120 chai nước hoa mang các nhãn hiệu nổi tiếng như: Bleu De Channel Paris, Allure Home Sport, Channel Chance và 3 điện thoại di động cho Nguyễn Văn Dũng (SN 1960, ngụ quận Gò Vấp) thì bị lực lượng thuộc đồn Công an Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất bắt giữ. Lô hàng ước tính có giá trị vào khoảng 4.300 Euro.

Tại cơ quan điều tra, cơ trưởng khai về đường “đi thẳng” của lô hàng lậu từ khu vực miễn thuế sân bay Paris Chales De Gaulle (Pháp). Cơ trưởng của Vietnam Airlines đã mang về trên chuyến bay VN19 đáp xuống tại ga Nội Bài (Hà Nội). Sau đó, lô hàng tiếp tục “bay” vào sân bay Tân Sơn Nhất trên chuyến bay VN225 với tư cách nhân viên tổ bay.

Vụ việc chỉ bị phát hiện bởi lực lượng công an Đồn Công an Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Đường đi của lô hàng phải qua 2 chặng bay và qua nhiều khâu kiểm soát nhưng đều trót lọt. Sự việc khiến dư luận đặt dấu hỏi do kiểm tra, kiểm soát lỏng lẻo hay còn có lý do nào khác?
Sau vụ việc, đại diện Vietnam Airlines xác nhận với báo chí, cơ trưởng của hãng này có trao đổi một lượng hàng hóa tại sân bay, khi công an kiểm tra thì người này không chứng minh được nguồn gốc hàng hóa.

Cơ trưởng hãng Hàng không VNA bị điều tra về nghi vấn buôn lậu nước hoa hàng hiệu từ Pháp về Việt Nam.

"Tuy nhiên không có chuyện phi công này thực hiện hành vi trên trong lúc đang làm nhiệm vụ, cũng không có chuyện bị công an bắt giữ. Hiện chúng tôi cho người này tạm nghỉ để làm việc với cơ quan công an", đại diện Vietnam Airlines cho biết.

Trước thông tin số hàng hóa bị thu giữ trị giá hơn 100 triệu đồng, đại diện Vietnam Airlines cho biết cơ trưởng khẳng định giá trị số hàng chỉ vài chục triệu.

Đây không phải vụ việc hi hữu, những “vết đen” về các vụ buôn lậu của tiếp viên, phi công hãng Hàng không Vietnam Airlines từng nhiều lần xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Trước đó, ngày 27/7/2015, vợ chồng nữ tiếp viên hàng không bị bắt khi giấu 80 lượng vàng đưa sang Hàn Quốc. Năm 2014, cơ trưởng và tiếp viên trên chuyến bay Hà Nội - Pusan cũng mang trong người 6kg vàng nhưng không khai báo, đã bị hải quan tạm giữ tại sân bay Gimhae (Pusan, Hàn Quốc). Một trường hợp khác cũng được báo chí phản ánh, ngày 22/9/2013, một tiếp viên phó của hãng Hàng không Vietnam Airlines đã bị lực lượng an ninh sân bay Nội Bài phát hiện mang trái phép 50 chiếc iPhone 5S còn "nguyên đai nguyên kiện" khi bay từ Paris (Pháp) về sân bay quốc tế Nội Bài. Giữa tháng 11/2009, khi chuyến bay hành trình Seoul (Hàn Quốc) - Hà Nội chuẩn bị cất cánh, lực lượng hải quan sân bay Incheon phát hiện trong hành lý xách tay của 3 tiếp viên có 20 lượng vàng.

Năm 2002, từng có hàng chục tiếp viên Vietnam Airlines tham gia vào đường dây buôn lậu điện thoại di động của Công ty Đông Nam với số tiền khoảng 10 USD/chiếc. Số lượng điện thoại nhập lậu của công ty Đông Nam đã lên đến gần 40.000 chiếc, được nhập lậu về Việt Nam bằng nhiều con đường, trong đó có "xách tay" qua đường hàng không.

Do quản lý lỏng lẻo?

Từ những vụ việc trên, trao đổi với báo chí, PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi, Trưởng khoa Kinh tế, đại học Nông lâm TP.HCM cho rằng, mặc dù tình trạng buôn lậu này không lạ nhưng cũng tùy người, không phải tiếp viên hàng không nào cũng có tư tưởng mua hàng nước khác về nước mình tiêu thụ để trốn thuế. "Tôi nghĩ trong đội ngũ ngành hàng không bây giờ là tốt nhưng lâu lâu cũng có "con sâu làm rầu nồi canh". Tuy nhiên, tình trạng này cũng không phải vấn đề lớn, bán hàng xách tay để kiếm lời cũng không đáng kể mà chủ yếu mua về dùng là chính. Không chỉ giới phi công hay phi hành đoàn mà ngay cả sinh viên đi du học khi về nước cũng mua cái này cái kia", PGS.TS Ngãi cho biết thêm.

Khi nói về việc vẫn còn tình trạng tiếp viên hàng không hay phi công buôn lậu, PGS.TS Ngãi cho rằng, đây là do vấn đề kiểm tra hàng hóa và lực lượng an ninh chưa nghiêm. Nếu cơ quan chuyên môn có chính sách quản lý hợp lý thì tình trạng buôn lậu sẽ càng ngày càng ít xảy ra.

Một chuyên gia nhận định, tiếp viên hàng không là nghề có thu nhập cao so với mặt bằng chung nhưng lại làm việc trong môi trường rất nhiều cám dỗ và dễ bị cám dỗ. Tiếp viên trên các chuyến bay đi từ nước này qua nước khác khiến họ dễ dàng kiếm thêm thu nhập bằng con đường khác, giống như làm thêm. Môi trường làm việc có cơ hội để kiếm thêm thu nhập chứ không hẳn do thiếu tiền và tiếp viên không chống lại được các cám dỗ đó thì rất dễ vi phạm.

Khi xảy ra những việc như trên, theo vị chuyên gia này đặt câu hỏi: “Vì sao Vietnam Airlines mang thương hiệu quốc gia lại giáo dục, quản lý nhân viên lỏng lẻo đến vậy, tới mức để liên tiếp xảy ra những hành vi làm xấu hình ảnh của hãng?”.

“Vấn đề đặt ra là phải chấn chỉnh, kiểm soát chặt khâu tuyển dụng nhưng không dễ ngăn ngừa. Về mặt tiêu chuẩn, cục Hàng không cần giám sát chặt chẽ hơn đối với nhân viên hàng không nhưng các hãng hàng không, doanh nghiệp mới là đơn vị tuyển dụng”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.

Theo tìm hiểu của PV, do nhu cầu chuộng hàng xách tay của một bộ phận người tiêu dùng nên một số tiếp viên cũng tranh thủ kiếm thêm. Nguồn hàng tiếp viên hàng không mang về rất đa dạng, nước hoa, mỹ phẩm chủ yếu từ Pháp, Singapore, Thái Lan, Hồng Kông. Đồ quần áo cũng có nhiều nguồn, tuy nhiên đồ châu Âu rất được ưa chuộng, thương hiệu càng nổi tiếng dễ kiếm tiền.

ĐS&PL từng có bài phản ánh về chiêu thức phân phối hàng của tiếp viên hàng không. Tiếp viên giao hàng trực tiếp cho chủ cửa hàng, nguyên tắc ăn chia được thực hiện nhìn chung theo hướng: Hàng có giá trị càng cao, thương hiệu càng xịn tiếp viên sẽ được ăn chia càng nhiều, tỉ lệ ăn chia không cố định. Ví dụ, với một lọ nước hoa khi mang về đến nơi (mối sẽ xem hóa đơn tiếp viên mua bên nước ngoài) có giá khoảng 2 triệu đồng, tiếp viên được chia khoảng 200- 300 nghìn. Tỷ lệ ăn chia sẽ cao hơn với hàng có giá trị cao hơn. Trường hợp thấp nhất với nước hoa rẻ hơn, tỉ lệ ăn chia tính theo đơn vị khoảng 100 nghìn/mặt hàng.

Nhóm PV

Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật tháng số 11

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nghi-van-co-truong-vietnam-airlines-buon-lau-nuoc-hoa-tu-nhung-vet-den-lo-co-che-kiem-soat-long-leo-a260063.html