“Mổ xẻ” chuyện tịch thu phương tiện khi tài xế say rượu


Thứ 5, 05/03/2015 | 13:28


(ĐSPL) – “Đề xuất tịch thu phương tiện của người vi phạm nồng độ cồn là trái với quy định của Hiến pháp, Luật xử lý vi phạm hành chính và Bộ Luật Dân sự”.

(ĐSPL) – “Đề xuất tịch thu phương tiện của người vi phạm nồng độ cồn là trái với quy định của Hiến pháp, Luật xử lý vi phạm hành chính và Bộ luật Dân sự”, luật sư Phạm Hoài Nam nhận định.

Hiện nay trên nhiều trang báo cũng như các diễn đàn mạng xã hội có rất nhiều ý kiến xôn xao về việc Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đề xuất sẽ tịch thu phương tiện giao thông với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn nhất định.

Cụ thể, nếu có nồng độ cồn trên 80mg/100ml hoặc vượt quá 0,4mg/l khí thở, lái xe ôtô sẽ bị tước giấy phép 2 năm và tịch thu phương tiện, đồng thời phải thi lại Luật giao thông đường bộ trước khi cấp lại giấy phép. Hình thức xử phạt này áp dụng cho cả người vi phạm điều khiển môtô, xe gắn máy (xe máy điện) và các loại xe tương tự môtô, xe gắn máy.

Trước thông tin về sự việc này, nhiều nhà làm luật cho rằng quy định này nhiều việc tịch thu phương tiện của lái xe vi phạm nồng độ cồn là không hợp lý và xâm phạm quyền sở hữu tài sản của công dân.

Theo một số luật sư, đề xuất tịch thu phương tiện giao thông khi vi phạm nồng độ cồn là vi hiến (Ảnh minh họa).

Luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Giám đốc Hãng luật Giải Phóng, Đoàn luật sư TP HCM bày tỏ quan điểm: "Với tư cách là một người dân, tôi rất ủng hộ và hoan nghênh về sự quan tâm tích cực của Bộ GTVT trong việc đưa ra các giải pháp kéo giảm tai nạn giao thông kéo giảm tai nạn giao thông và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Đặc biệt là các giải pháp hạn chế, phòng ngừa tình trạng điều khiển phương tiện giao thông đường bộ trong tình trạng sử dụng các chất kích thích, như rượu bia… Tuy nhiên, mọi giải pháp phải đảm bảo phù hợp pháp luật, đặc biệt là phải đi vào cuộc sống.

Tôi thấy rằng kiến nghị này chưa phù hợp pháp luật và thiếu tính khả thi. Quyền sở hữu tài sản của cá nhân, tổ chức và chủ thể khác được pháp luật công nhận và bảo vệ. Không ai có thể bị hạn chế, bị tước đoạt trái pháp luật quyền sở hữu đối với tài sản của mình. Quyền này được Hiến pháp ghi nhận và cụ thể hoá trong Bộ luật Dân sự. Tuy nhiên, đó chỉ mới là kiến nghị. Hy vọng Chính phủ sẽ có cái nhìn khách quan, toàn diện trước khi có ý kiến với kiến nghị này".

Theo luật sư Phạm Hoài Nam, Giám đốc Hãng luật Bến Nghé – Sài Gòn, Đoàn luật sư TP HCM thì việc đề xuất tịch thu phương tiện của người vi phạm nồng độ cồn là trái với quy định của Hiến pháp, Luật xử lý vi phạm hành chính và Bộ luật Dân sự.

Luật sư Nam phân tích, dự thảo này của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia không phù hợp với những quy định của Bộ luật Dân sự quy định về chấm dứt quyền sở hữu. Cụ thể tại Điều 254 Bộ luật Dân sự thì trường hợp tài sản bị tịch thu khi tài sản của chủ sở hữu do phạm tội hoặc vi phạm hành chính mà bị tịch thu, sung công quỹ Nhà nước thì quyền sở hữu đối với tài sản đó chấm dứt kể từ thời điểm bản án, quyết định của Tòa án hoặc quyết định của Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khác có hiệu lực pháp luật.

Theo quy định của pháp luật hiện hành thì chỉ có Tòa án là cơ quan có thẩm quyền quyết định việc tịch thu tài sản của người vi phạm hành chính bằng bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật. Ngoài ra, chưa có Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nào khác được ra quyết định tịch thu bởi chưa có quy định về chế tài tịch thu trong Luật xử lý vi phạm hành chính như đã nêu trên.

Video: 4 trường hợp phải xét nghiệm nồng độ cồn trong máu.

Có cùng quan điểm này, Luật sư Phạm Tiến Quyển, Phó chủ nhiệm đoàn Luật sư Tỉnh Bắc Ninh, Giám đốc công ty luật Quỳnh Như cho rằng, theo quy định tại Điều 164 Bộ luật Dân sự năm 2005, thì quyền sở hữu bao gồm: quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của pháp luật - quyền chiếm hữu là quyền nắm giữ, quản lý tài sản; quyền sử dụng là quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản; quyền định đoạt là quyền chuyển giao quyền sở hữu tài sản hoặc từ bỏ quyền sở hữu đó.

Theo như dự thảo trình Chính phủ thì khả năng áp dụng biện pháp tịch thu phương tiện vi phạm về hành chính trong lĩnh vực giao thông thì chỉ áp dụng được cho trường hợp là chính chủ đứng tên tài sản, còn các trường hợp khác như cho thuê,  cho mượn, uỷ quyền  sử dụng  hợp pháp  thì không thể thể tịch thu được.

Quyền sở hữu tài sản hợp pháp là quyền hiến định vì vậy các cơ quan chức năng không thể áp dụng “cứ ai điều khiển phương tiện mà vi phạm các lỗi như đề xuất là bị tịch thu phương tiện- tài sản” .

Ví dụ như một chủ thể bị mất xe máy, kẻ trộm xe dùng xe máy đó tham gia giao thông và uống rượu có nồng độ cồn trong máu vượt quá quy định như trong dự thảo thì các cơ quan chức năng có tịch thu không hay phải trả lại cho chủ sở hữu đích thực của tài sản.

Do đó  nếu áp dụng quy định này thì phạm vi áp dụng sẽ rất hẹp và nó vướng rất nhiều quy định từ Hiến pháp cho đến quy định trong pháp luật dân sự. Như chúng ta đều biết là Hiến pháp là đạo luật gốc và không có văn bản nào có giá trị cao hơn như vậy dự thảo này không giải quyết được gốc rễ của vấn đề thì cũng chỉ dừng lại ở  mức độ “ ý tưởng”.

Ngày 4/3, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, vừa đề nghị Chính phủ tăng nặng chế tài xử phạt với một số vi phạm về giao thông đường bộ, thí điểm ngay từ 15/3.

Cụ thể, nếu điều khiển ô tô khi nồng độ cồn cơ thể đến 50 miligam/100 mililit máu hoặc đến 0,25 miligam/1 lít khí thở sẽ bị phạt tiền từ 8 triệu đồng đến 15 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe (GPLX) 6 tháng (trường hợp này đối với mô tô, xe gắn máy không quy định bị xử phạt)

Nếu nồng độ cồn từ trên 50 miligam đến 80 miligam/100 mililit máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở, người điều khiển ô tô bị phạt từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng GPLX 12 tháng. Với người điều khiển mô tô, xe gắn máy, nếu vi phạm hành vi này sẽ bị phạt 4-5 triệu đồng và tước GPLX 12 tháng.

Đặc biệt, theo đề nghị của ủy ban này, người điều khiển ô tô, mô tô và xe gắn máy bị tước quyền sử dụng GPLX 24 tháng và tịch thu phương tiện nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn trên 80 miligam/100 mililit máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Ngoài ra, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cũng đề nghị tịch thu phương tiện đối với lỗi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện và xe thô sơ đi vào cao tốc.

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/mo-xe-chuyen-tich-thu-phuong-tien-khi-tai-xe-say-ruou-a86182.html