Người chồng trong Điều ước thứ 7 có phải chịu trách nhiệm hình sự?


Thứ 7, 17/01/2015 | 16:16


Cùng sự kiện

(ĐSPL) – “Người nào đã có vợ, có chồng quan hệ hôn nhân chưa chấm dứt mà tiếp tục kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác là vi phạm pháp luật”.

(ĐSPL) – “Người nào đã có vợ, có chồng quan hệ hôn nhân chưa chấm dứt mà tiếp tục kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác là vi phạm pháp luật”, luật sư Đặng Văn Cường nhận định.

Trước thông tin về những lùm xùm trong việc phát sóng chương trình Điều ước thứ 7, báo Đời sống và Pháp luật đã có cuộc trao đổi với Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội.

Luật sư Đặng Văn Cường.

Luật sư có đánh giá như thế nào về sai sót của VTV khi cho phát sóng chương trình Điều ước thứ 7 về đôi "vợ chồng" hát rong Nguyễn Như Đào - Nguyễn Nhật Thanh?

Có thể nói, đây không chỉ là những “tai nạn nghề nghiệp” mà là sai lầm đáng trách của các cá nhân những người có trách nhiệm và các bộ phận có liên quan. Việc sai phạm này thể hiện sự tắc trách trong công tác quản lý và thiếu trách nhiệm của người thực hiện chương trình.

Theo thông tin mới đây, thì đến nay Đài Truyền hình Việt Nam đã có thông cáo chính thức xác nhận: Chương trình “Điều ước thứ 7” do Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất và phát sóng trên kênh ngày 10/1/2015 có nội dung về chuyện tình và điều ước của cô gái khiếm thị Nguyễn Như Đào (quê Anh Sơn, Nghệ An) và chàng trai Nguyễn Nhật Thanh (quê Quảng Xương, Thanh Hóa) có nhiều điểm không chính xác về nhân vật.

Đài Truyền hình Việt Nam đã tiến hành xác minh lại thông tin và thấy rằng hoàn cảnh gia đình và câu chuyện của 2 nhân vật đề cập trong chương trình không đúng như nội dung chương trình đã phát. Vì vậy, Đài Truyền hình nhận trách nhiệm về việc này và gửi lời xin lỗi khán giả, xin lỗi gia đình anh Thanh, chị Đào.

Video tham khảo:

VTV công khai xin lỗi khán giả chương trình Điều ước thứ 7

Theo đó, làm việc với phóng viên Vietnamnet, đạo diễn Lại Bắc Hải Đăng cũng đã xác nhận thông tin sự việc là có sai sót và nhận trách nhiệm…

Sự thật là Thanh đã có vợ và hai con trước khi quen Đào. Thanh không phải là sinh viên Học viện Âm nhạc từng sống 7-8 năm ở Hà Nội mà chỉ học hết lớp 10, hàng ngày theo cha đi biển… Vậy mà khi thực hiện chương trình, các phóng viên và ban biên tập không phát hiện ra, không phân biệt được người có trình độ tốt nghiệp Học viện Âm nhạc với người lao động quanh năm đi biển.

Nghiêm trọng hơn là khi xác minh thông tin nhân thân một con người lại chỉ thông qua một cuộc điện thoại với một người mà mình không biết rõ là ai.

Phải nói rằng đây không phải là sai sót mà rõ ràng là sai phạm, thiếu trách nhiệm trong công việc, làm mất lòng tin của khán giả… Có lẽ lần này Đài Truyền hình Việt Nam sẽ lại nhận những án phạt như những vụ việc trước đây, đồng thời ê-kíp thực hiện chương trình và ban biên tập sẽ phải chịu trách nhiệm, thậm chí kỷ luật theo quy định.

Nhưng hơn hết, cái mất lớn nhất sau bấy nhiêu sự việc xảy là niềm tin của khán giả vào chương trình này. Niềm tin, uy tín không dễ gì có được bỗng chốc bị suy giảm nghiêm trọng, thậm chí không tránh khỏi có những khán giả sẽ quay lưng với chương trình này.

Đa phần khán giả cho rằng ê-kíp Điều ước thứ 7 bị cho là đã lừa dối khán giả khi thông tin sai lệch về chuyện tình của hai nhân vật có hoàn cảnh vô cùng đặc biệt này. Vậy trong trường hợp này ê-kíp chương trình có phải chịu trách nhiệm gì không?

Nguyễn Nhật Thanh và Nguyễn Như Đào.

Như đã nói ở trên, chắc chắn ê-kíp thực hiện chương trình phải chịu trách nhiệm đầu tiên về vụ việc. Sau bấy nhiêu thời gian tiếp xúc để làm chương trình mà người thực hiện chương trình không mảy may nghi ngờ, không phân biệt được một người học chưa hết phổ thông làm nghề đi biển với một sinh viên tốt nghiệp Học viện Âm nhạc, từng sống 7-8 năm ở Hà Nội.

Khi tìm hiểu hoàn cảnh, thân thế một con người mà không liên hệ với chính quyền địa phương, không căn cứ vào hồ sơ, lí lịch. Đến khi Thanh thú thực vụ việc không phải như chương trình đã làm và tổng đạo diễn yêu cầu xác minh lý lịch thì chỉ xác minh qua một số điện thoại mà chị Đào cung cấp.

Chính vì vậy, có khán giả nghi ngờ ê-kíp thực hiện chương trình lừa dối khán giả là có cơ sở. Để quy trách nhiệm pháp lý thì trước tiên là trách nhiệm của Đài Truyền hình Việt Nam, sau tới trưởng những bộ phận có liên quan, ban biên tập, cuối cùng là những người thực hiện chương trình. 

Về phần người chồng (anh Thanh) và cả chị Đào trong chương trình thì hành vi của 2 người này có vi phạm pháp luật hay không? Nếu có thì sẽ bị xử lý trách nhiệm như thế nào?

Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình ở nước ta từ trước tới nay (Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959, năm 1986, năm 2000 và nay là Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014), thì pháp luật hôn nhân và gia đình quy định nguyên tắc là hôn nhân tự nguyện, tiến bộ một vợ, một chồng.

Người nào đã có vợ, có chồng quan hệ hôn nhân chưa chấm dứt mà tiếp tục kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác là vi phạm pháp luật. Hành vi vi phạm này sẽ bị xử lý buộc chấm dứt hôn nhân bất hợp pháp, đồng thời có thể bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự theo điều Điều 147 Bộ luật Hình sự.

Theo thông tin vụ việc thì hành vi của Thanh là có dấu hiệu vi phạm quan hệ hôn nhân một vợ một chồng.

Nếu quan hệ giữa Thanh và Đào đã bị gia đình phát hiện, khuyên răn, giáo dục mà Thanh vẫn cố tình duy trì quan hệ hôn nhân trái pháp luật đó. Đồng thời gây hậu quả nghiêm trọng như : “Làm cho gia đình của một hoặc cả hai bên tan vỡ dẫn đến ly hôn, vợ hoặc chồng, con vì thế mà tự sát,...” thì có thể xử lý Thanh về tội vi phạm hôn nhân một vợ một chồng theo quy định tại Điều 147 Bộ luật Hình sự.

Nếu hành vi vi phạm chưa thỏa mãn các dấu hiệu tội phạm (chưa gây hậu quả nghiêm trọng) thì hành vi của Thanh vẫn có thể bị xử lý hành chính. Ngoài ra, cũng cần làm rõ mục đích của Thanh đến với Đào là xuất phát từ tình cảm hay chỉ là sự lợi dụng Đào để làm công cụ kiếm tiền, từ đó có những biện pháp xử lý tiếp theo, đồng thời để dư luận lên án hành vi vi phạm đạo đức xã hội đó.

Điều 147 Bộ luật Hình sự hiện hành quy định:

1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.

2. Phạm tội trong trường hợp đã có quyết định của Toà án tiêu huỷ việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nguoi-chong-trong-dieu-uoc-thu-7-co-phai-chiu-trach-nhiem-hinh-su-a79697.html