+Aa-
    Zalo

    Cán bộ tòa án bị “tố” nhận tiền chạy án nhưng bất thành?!

    ĐS&PL (ĐSPL)- Chị Huyến cho biết, chính bố chị đem 100 triệu đồng giao cho thư kí N. tại phòng của cán bộ này. Tuy nhiên khi xét xử, chồng chị không được giảm án, đến khi chị dọa kiện thì vị cán bộ tòa oán mới chịu trả lại tiền.

    (ĐSPL)- Chị Huyến cho biết, chính bố chị đem 100 triệu đồng giao cho thư kí Ng. tại phòng của cán bộ này. Tuy nhiên khi xét xử, chồng chị không được giảm án, đến khi chị dọa kiện thì vị cán bộ tòa oán mới chịu trả lại tiền.

    Ngày 24/9/2014 Tòa án nhân dân TP Hà Nội mở phiên tòa sơ thẩm xét xử các bị cáo trong vụ cưa trộm gỗ sưa ở chùa Đống Ông, xã Nghĩa Hương, huyện Quốc Oai, Hà Nội.

    Một trong số các bị cáo của phiên tòa là anh Đinh Văn Thắng (SN 1981) có hộ khẩu thường trú tại Nho Quan, Ninh Bình phải chịu mức án 14 năm 6 tháng tù giam. Tuy nhiên, chỉ 6 ngày kể từ sau phiên xử, anh Thắng đã đột ngột qua đời không rõ nguyên nhân sau khi được chuyển ra cấp cứu tại bệnh viện Đa khoa Hà Đông từ Trại tạm giam số 1 của Công an TP. Hà Nội.

    Nỗi đau chồng chất nỗi đau
    Theo bản án ngày 24/9 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, nhóm trộm gỗ sưa của Đinh Văn Thắng do một người tên Chư cầm đầu, lên kế hoạch và tổ chức. Trong nhóm, ngoài Đinh Văn Thắng còn hai người khác trong đó có Đinh Văn Chiến (30 tuổi), em trai của Thắng. Sau nhiều lần lên kế hoạch bất thành, vào tối 23/6/2013, biết rằng đêm đó trời sẽ có mưa giông sấm chớp, Chư tập trung đồng bọn chuẩn bị 3 chiếc cưa sắt, một chiếc xe rùa (loại xe cầm tay kéo vật liệu xây dựng), 2 tuýp sắt… thuê Trần Văn Dũng (31 tuổi) dùng xe ôtô chở đi.
    Theo kế hoạch phân công, xe đến cách chùa Đồng ống chừng 400m, cả bọn xuống xe đi bộ để tránh bị phát hiện. Dũng ở bên ngoài đợi lệnh đánh xe vào chở gỗ quý. Rạng sáng hôm 24/6, giữa lúc mưa như trút nước, nhóm "sưa tặc" mang đồ nghề lẻn vào sân chùa. Chư phân công 3 tên làm nhiệm vụ cảnh giới xung quanh, Thắng trèo lên buộc dây vào ngọn cây cho em trai kéo để cho cây gỗ sưa đổ đúng hướng.
    Lúc đó, Chư và đồng bọn thay nhau cưa gốc cây gỗ sưa có đường kính 15cm thành 3 đoạn gỗ dài rồi dùng xe rùa và tuýp sắt vận chuyển gỗ ra bên ngoài. Biết kế hoạch của Chư thành công, Quang đánh xe Camry đi nhận số gỗ quý. Người cầm đầu đường dây bị cáo được hưởng lợi 450 triệu đồng, Thắng 350 triệu đồng.
    Tuy nhiên cả nhóm “sưa tặc” sau đó đã bị tóm gọn, bản án tại phiên tòa sơ thẩm ngày 24/9/2014 dành cho Đinh Văn Thắng là 14 năm 6 tháng tù giam. Đây là một bản án thích đáng dành cho những “sưa tặc” như Đinh Văn Thắng nhưng lại là nỗi đau vô cùng lớn đối với gia đình bị cáo bởi trong gia đình Thắng vốn là lao động chính. Cả nhà 4 miệng ăn chỉ trông vào mấy sào ruộng. Vợ Thắng ở quê không có nghề nghiệp ổn định nên cũng chỉ biết làm ruộng trong khi hai đứa con lại còn quá bé, đứa lớn còn chưa đi học cấp một, đứa bé mới chỉ hơn 1 tuổi.
    Càng đau đớn hơn khi tin Thắng mất đột ngột khiến gia đình choáng váng, bản thân Thắng còn chưa kịp kháng cáo lại quyết định của Tòa. Khi chúng tôi có mặt tại bệnh viện Đa khoa Hà Đông, rất nhiều người nhà của Đinh Văn Thắng ngồi vạ vật bên ngoài nhà xác bệnh viện chờ đợi để được biết nguyên nhân vì sao anh Thắng lại ra nông nỗi này.
    Chị Hà Thị Huyến (SN 1987), vợ phạm nhân Thắng đau xót kể lại: “Khoảng 10h40 ngày 30/9/2014, gia đình tôi nhận được thông báo anh Thắng đã tử vong sau khi được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông (Hà Nội). Khi nghe xong, tôi hoảng hốt báo với mọi người rồi bắt xe lên bệnh viện. Điều tôi mong muốn bây giờ là làm rõ được nguyên nhân vì sao chồng tôi chết, nếu quả thực anh ấy bị bệnh mà chết thì tôi cũng cam tâm, còn nếu vì một lí do nào khác tôi cũng muốn làm rõ để anh ấy yên lòng nhắm mắt…”.
    ông Đinh Văn Tám, chú ruột của Đinh Văn Thắng cho biết thêm: “Đành rằng cháu nó mất rồi, trong gia đình cũng có người không muốn khám nghiệm pháp y vì nghĩ tội nghiệp cháu nó nhưng gia đình chúng tôi rất mong muốn nhận được câu trả lời thỏa đáng từ phía cơ quan chức năng, sau đó xin cho cháu về quê để an táng. Cháu nó có tội thì phải chịu tội trước pháp luật nhưng chết như thế này thì quả thật đau đớn lắm!”.
    Vì sao phạm nhân chết đột ngột?
    Phía gia đình Đinh Văn Thắng cho biết, bình thường Thắng ở nhà từ nhỏ đến lớn đều khỏe mạnh và chưa hề có dấu hiệu bất thường gì về tình trạng bệnh lý. Hôm 24/9 khi đến dự phiên tòa, anh Thắng vẫn hoàn toàn khỏe mạnh. Chị Huyền, vợ anh Thắng cũng cung cấp thêm thông tin: Mới hôm qua (tức ngày 29/9) chị còn mang đồ ăn tiếp tế cho chồng. Trước đó chị có đề đạt nguyện vọng vào thăm anh, thông qua cán bộ trại giam, biết anh muốn ăn đồ ăn mặn và lương khô nên chị đã mua chuyển vào. “Không ngờ mới hôm qua còn nhìn thấy anh khỏe mạnh, vậy mà hôm nay đã như thế này…”, chị Huyền đau đớn kể lại.
    Trao đổi với PV, bác sĩ  Nguyễn Thị Cương, trưởng phòng kế hoạch tổng hợp bệnh viện Đa khoa Hà Đông cho biết, khoảng 9h10 ngày 30/9, bệnh viện đã tiếp nhận bệnh nhân Đinh Văn Thắng trong tình trạng hấp hối, ngừng tuần hoàn. Sau đó các bác sĩ đã cấp cứu kịp thời, bệnh nhân hồi tỉnh lại được khoảng 10 phút thì tử vong. Bệnh nhân sau đó được chuyển xuống nhà xác bệnh viện và trong chiều 30/9, cơ quan pháp y đã tiến hành khám nghiệm tử thi.
    Cũng theo người nhà bệnh nhân cho biết, nội dung kết quả khám nghiệm pháp y cho thấy hai bên mạn sườn có biểu hiện thâm tím, não có biểu hiện tụ và đông não. Tuy nhiên bản khám nghiệm không nói rõ nguyên nhân vì sao hay tình trạng bệnh lý như thế nào, họ không có chuyên môn nên vẫn chưa rõ vì sao anh Thắng lại chết.
    Để làm rõ hơn điều này, chiều ngày 01/10, PV đã có buổi làm việc với Ban giám thị Trại tạm giam số 1, Công an thành phố Hà Nội.
    Tại buổi làm việc, Thượng tá Chu Xuân Thọ - Giám thị Trại tạm giam số 1 cho biết: “Vào khoảng 10h sáng ngày 30/9, thấy phạm nhân Đinh Văn Thắng có biểu hiện mệt mỏi bất thường, chúng tôi đã cho chuyển xuống bộ phận y tế kiểm tra. Nhận thấy phạm nhân có nhiều biểu hiện nguy hiểm đến tính mạng chúng tôi đã nhanh chóng cho bệnh nhân đến cấp cứu tại bệnh viện Đa khoa Hà Đông. Sau khi phạm nhân không qua khỏi chúng tôi đã làm đúng với quy trình thủ tục dành cho phạm nhân không may qua đời và tạo điều kiện thuận lợi cho phép gia đình được đưa thi thể của phạm nhân về an táng tại quê nhà”.
    Về kết quả khám nghiệm pháp y, Thượng tá Lại Hợp Nhã, Phó giám thị Trại tạm giam số 1 cho biết thêm: “Đây rất có thể là do phạm nhân bị xuất huyết não hoặc bị tai biến, những biểu hiện tím ở sườn có thể là do bị tụ máu trong quá trình di chuyển, va chạm. Do không thuộc lĩnh vực chuyên môn nên phía Trại không thể cung cấp được một cách chính xác, nguyên nhân. Việc này sẽ được phòng cảnh sát điều tra cơ quan Công an thành phố Hà Nội làm rõ”.
    Cán bộ tòa án bị “tố” nhận tiền chạy án  nhưng bất thành?!

    Người nhà nạn nhân đang trò chuyện với PV báo ĐSPL.

    Có hay không chuyện chạy án bất thành?
    Trao đổi với PV, chị Huyến cho biết, cả nhà 4 có miệng ăn, hai cháu lại còn quá bé, nhưng trước việc chồng đối mặt với án tù dài hạn, chị đã bàn với những người trong gia đình đi vay mượn để tìm cách chạy án, “gỡ” bớt tội cho Đinh Văn Thắng và hai anh em khác cũng dính chàm trong vụ gỗ sưa này.
    Chạy vạy được 100 triệu đồng, bố chị cùng người nhà mang lên lên Hà Nội trước phiên xử hôm 22/9. Thế nhưng theo như lời chị nói vụ án lại hoãn đến 24/9 mới xử nên ngày 23/9 gia đình chị mới mang tiền lên để chạy án. Người mà gia đình chị nhờ cậy là thư kí N. của Tòa án nhân dân TP. Hà Nội. Chính bố chị đem 100 triệu đồng giao cho thư kí N. tại phòng của cán bộ này.
    Tuy nhiên khi xét xử, tất cả những người trong gia đình chị đều chịu bản án nghiêm khắc nhất, ngay cả chồng chị cũng không thuyên giảm được gì nên gia đình đã yêu cầu vị cán bộ nhận tiền phải trả lại vì không giúp gì được cho họ. Chị Huyến cho biết: “Ban đầu chị chị N. chỉ trả lại 30 triệu đồng và nói số còn lại đã chi phí rồi, thế nhưng gia đình tôi không chịu vì án của chồng tôi không được giảm chút nào nên tôi nhất quyết đòi lại. Chỉ đến khi gia đình tôi dọa kiện thì chiều 24/9 vị cán bộ này mới trả lại số tiền nói trên”.
    Trong suốt quá trình đòi lại số tiền trên, có một nhân vật “trung gian” hay gọi cho chị Huyến mà chị cho biết: Vị này tự xưng là một công an ở huyện Từ Liêm, muốn gặp chị để giải quyết chuyện tiền nong. Vị này còn nắm rõ “Thắng nhà em ở buồng 24, Thành buồng 22 còn chiến ở buồng 17…” và không quên để lại lời nhắn, “Hôm nào em lên tiếp tế anh sẽ xử lý vụ nhà em sau”.
    Để làm rõ hơn chuyện có hay không có chuyện nhận tiền chạy án bất thành ở vụ án này, sáng 02/10, chúng tôi đã tìm đến Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội để gặp vị cán bộ nhận tiền chạy án mà gia đình chị Huyến nói là thư kí N. Tuy nhiên trực ban tiếp công dân ở Khu vực làm việc dành cho thẩm phán và cán bộ công chức sau một hồi liên lạc báo lại: Sáng nay không thấy chị N. đến cơ quan và điện thoại cũng trong tình trạng không liên lạc được?!
    Vì cán bộ trực ban từ chối cung cấp số điện thoại, nên phóng viên đã nhất trí với đề xuất của vị cán bộ này là để lại số điện thoại của mình và nội dung muốn trao đổi để vị này chuyển tới chị N. và đề nghị chị N. liên lạc lại. Tuy nhiên cho đến hết ngày 3/10 vẫn không thấy thông tin phản hồi gì từ phía chị N.
    Thiết nghĩ đây cũng là một vấn đề hết sức nhạy cảm bởi nó có liên quan trực tiếp đến những người nắm giữ cán cân công lý. Để tránh dư luận có cái nhìn không tốt về chuyện gia đình chị Huyến “tố” cán bộ Tòa nhận tiền chạy án, cơ quan chức năng cần vào cuộc điều tra làm làm sáng tỏ vấn đề trên.
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/can-bo-toa-an-bi-to-nhan-tien-chay-an-nhung-bat-thanh-a53998.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    vtc.vn
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan