Nhái nhãn hiệu mỹ phẩm, có thể bị xử lý hình sự


Thứ 2, 06/07/2015 | 02:09


(ĐSPL) - Cảnh báo mỹ phẩm kém chất lượng núp bóng các thương hiệu uy tín, không chỉ gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

(ĐSPL) - Sản phẩm Mủ trôm nhái thương hiệu Sắc Ngọc Khang vừa bị Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) ra văn bản đình chỉ lưu hành và thu hồi trên toàn quốc. Vụ việc đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về mỹ phẩm kém chất lượng núp bóng các thương hiệu uy tín, không chỉ gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp bị giả mạo mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Nhiều lần vi phạm

Theo Cục Quản lý dược, thời gian gần đây, tình hình gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái và hàng kém chất lượng trong lĩnh vực mỹ phẩm diễn biến phức tạp. Thực tế, chuyên khoa da liễu của nhiều bệnh viện đã tiếp nhận không ít trường hợp da bị hư hại, nhiễm trùng do dùng mỹ phẩm giả, không rõ nguồn gốc.

Mới đây, ông Nguyễn Tấn Đạt – Phó cục trưởng Cục quản lý dược (Bộ Y tế) cho biết, Cục này vừa ra công văn yêu cầu Sở Y tế TP. HCM giám sát theo dõi việc thu hổi và tiêu hủy 56 sản phẩm mỹ phẩm do Công ty TNHH sản xuất thương mại XNK Tân Đại Dương (Công ty Tân Đại Dương) sản xuất và phân phối vì không an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.

Đa phần đó là các sản phẩm có chứa mủ trôm như: sữa rửa mặt, kem trị nám làm trắng da, kem trị mụn, kem và bột tắm trắng ngọc trai, ngừa tàn nhang – đồi mồi, kem tẩy tế bào chết…
Theo Cục quản lý dược, các sản phẩm kể trên bị thu hồi và tiêu hủy do không đáp ứng nguyên tắc, tiêu chuẩn “Thực hành tốt sản xuất mỹ phẩm” của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (CGMP – ASEAN).

Tất cả những sản phẩm thu hồi và tiêu hủy, Công ty Tân Đại Dương và Sở Y tế các tỉnh, thành phố thông báo thu hồi, sau đó báo cáo lên Cục Quản lý dược vào tháng 6-2015.

Trong số các nhãn hàng bị thu hồi do vi phạm của Công ty Tân Đại Dương có sản phẩm mủ trôm Sắc Ngọc Khang. Đây là sản phẩm mà công ty Tân Đại Dương cố tình vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm Sắc Ngọc Khang đã được Công ty cổ phần Dược phẩm Hoa Thiên Phú (Công ty Hoa Thiên Phú) đăng ký bảo hộ.

Sản phẩm "Mủ trôm Sắc Ngọc Khang" nhái của Công ty Tân Đại Dương

Điều đáng nói, công ty Tân Đại Dương liên tục vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Cụ thể, tháng 5-2014, thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ tiến hành kiểm tra và quyết định xử phạt (văn bản số 67/QĐ – XPVPHC) đối với công ty Tân Đại Dương vì có hành vi cạnh tranh không lành mạnh, sản xuất sản phẩm xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu Sắc Ngọc Khang đã được bảo hộ. Công ty Tân Đại Dương bị phạt 20 triệu đồng, buộc phải chấm dứt sản xuất cũng như thu hồi toàn bộ sản phẩm vi phạm.

Tuy nhiên, công ty Tân Đại Dương vẫn không thu hồi hết sản phẩm vi phạm, nhãn hàng Mủ trôm Sắc Ngọc Khang được ngang nhiên bày bán ở các chợ cũng như cửa hàng tạp hóa.
Tháng 8-2014, Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục xử phạt Công ty Tân Đại Dương lần thứ hai về hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu Sắc Ngọc Khang chính hiệu của Công ty Hoa Thiên Phú.

Sản phẩm Mủ trôm Sắc Ngọc Khang nhái được bày bán tràn lan trên thị trường

Chánh thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, ông Trần Minh Dũng cho biết, Công ty Tân Đại Dương đã sản xuất mỹ phẩm gắn dấu hiệu “MỦ TRÔM SẮC NGỌC KHANG”, sử dụng hình thức trình bày tương tự nhãn hiệu “Sắc Ngọc Khang”, “Sắc Ngọc” của Công ty Hoa Thiên Phú. Đây là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu theo quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ.

Ngoài ra, Công ty Tân Đại Dương còn sử dụng kiểu dáng bao bì, tài liệu hướng dẫn sử dụng, quảng cáo (tờ rơi) tương tự với chỉ dẫn thương mại là nhãn hiệu, kiểu dáng bao bì, slogan của sản phẩm Sắc Ngọc Khang do công ty Hoa Thiên Phú phân phối. Cũng theo Chánh thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, đây là hành vi cạnh tranh không lành mạnh về sở hữu công nghiệp, vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp. Tính đến nay, Công ty Tân Đại Dương đã ba lần bị cơ quan quản lý xử phạt.

Thực trạng nhức nhối

Trước thực trạng sản phẩm giả nhãn hiệu, kém chất lượng đang ngày càng gia tăng, mới đây, Bộ Y tế đề nghị các cơ quan chức năng đang đẩy mạnh kiểm tra, giám sát các mặt hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng giả lưu hành trên thị trường gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Theo đó, các đơn vị có liên quan phải tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để khuyến khích các cá nhân, tổ chức chủ động, tích cực tố giác các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái và hàng kém chất lượng nói chung và đặc biệt đối với các mặt hàng trong lĩnh vực y tế nói riêng.

Trên thực tế, cơ quan chức năng liên tục phát hiện nhiều vụ sản xuất sản phẩm mỹ phẩm giả nhãn hiệu, trong khi đơn vị vi phạm chẳng mấy “suy chuyển” sau nhiều lần bị xử phạt, vì sao?
Bà Nguyễn Như Trang – Phó giám đốc Công ty TNHH Thiên Dược nêu, các đơn vị có hành vi gian lận, nhái nhãn hiệu, không hề đầu tư gì đáng kể, tung ra sản phẩm kém chất lượng, thu lợi bất chính. Cơ quan chức năng cần có biện pháp chấn chỉnh, nhằm bảo vệ các doanh nghiệp làm ăn chân chính và đặc biệt là người tiêu dùng tránh thiệt hại về người và sức khỏe.

Luật sư Nguyễn Thành Công – Công ty Đông Dương Luật, Đoàn Luật sư TP. HCM nhận định, vấn đề vi phạm quyền về nhãn hiệu cũng như các vi phạm về bao bì hàng hóa, phương tiện dịch vụ, nguồn gốc thương mại, tính năng hàng hóa… là thực trạng nhức nhối. Người tiêu dùng mua nhầm sản phẩm kém chất lượng sẽ chuốc lấy thiệt thòi, chưa kể chịu nhiều tác hại đến sức khỏe. Trong khi đó, doanh nghiệp bị xâm hại bị ảnh hưởng to lớn đến hiệu quả kinh doanh, uy tín của thương hiệu mà họ đã dày công xây dựng. Vì vậy, luật đã dự liệu chế tài phạt vi phạm như Nghị định 99/2013 trên.

Tuy nhiên, mức xử phạt có sức tác động hạn chế. Cụ thể, khoản 3, điều 11 Nghị định 99/2013 quy định mức phạt từ 4 đến 8 triệu đồng hay khoản 13 Điều 14 Nghị định 99/2013 phạt bằng một – hai lần mức tiền phạt quy định với các vi phạm từ khoản 1 đến 12 của hàng giả, nhái là chưa tương xứng với sự nguy hại của hành vi.

Giả mạo nhãn hiệu có thể bị xử lý hình sự

Sự việc công ty Tân Đại Dương nhái nhãn hiệu Sắc Ngọc Khang nêu trên, đại diện công ty Hoa Thiên Phú cho biết, những ngày qua, công ty nhận được nhiều cuộc gọi từ khách hàng nhằm xác minh thông tin về sản phẩm Sắc Ngọc Khang. “Hoa Thiên Phú đã đăng ký bảo hộ thương hiệu “Sắc Ngọc Khang” cũng như “Sắc Ngọc”. Hiện nay, Hoa Thiên Phú chỉ bao gồm ba dòng sản phẩm: Viên uống Sắc Ngọc Khang, kem Sắc Ngọc Khang và viên uống Sắc Ngọc Khang++. Tất cả những nhãn hàng có tên gọi gần giống tên ba dòng sản phẩm trên đều là hàng nhái”, đại diện công ty Hoa Thiên Phú khẳng định.

“Hậu quả của việc giả, nhái nhãn hiệu là tác động rất lớn đến chủ sở hữu thực sự của nhãn hiệu khi họ tốn rất nhiều công sức xây dựng và gìn giữ nhãn hiệu đó về chất lượng, giá trị sản phẩm. Thậm chí, một nhãn hiệu có thể bị tẩy chay khi người tiêu dùng nhầm tưởng sản phẩm nhái là của chủ sở hữu.

Ngoài ra chủ sở hữu nhãn hiệu còn phải bỏ ra khoản chi phí đáng kể khi cải chính thông tin xác định được số sản phẩm kia là giả, nhái. Đây chính là thiệt hại oan ức của chủ sở hữu. Trong khi đó, phía làm giả, nhái nhãn hiệu chỉ bị phạt một khoản nhỏ do quy định pháp luật căn cứ vào giá trị hàng phạm pháp để định mức chế tài. Thực tế đó, các cơ sở làm hàng nhái dễ dàng tái phạm, gây nhiều thiệt thòi cho doanh nghiệp làm ăn chân chính” – Luật sư Nguyễn Thành Công phân tích.

Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP. HCM, hành vi sản xuất hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ nói chung và giả mạo nhãn hiệu nói riêng là hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích của chủ sở hữu nhãn hiệu và cần phải được xử lý nghiêm. Tùy theo mức độ xâm phạm mà người có hành vi vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự.

ĐÔNG HƯỜNG

Xem thêm video:


Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhai-nhan-hieu-my-pham-co-the-bi-xu-ly-hinh-su-a100996.html