+Aa-
    Zalo

    Đề nghị áp dụng một mức thuế suất đối xi măng xuất khẩu

    ĐS&PL Đó là kiến nghị của Tổng công ty công nghiệp xi măng Việt Nam về việc áp thuế xuất khẩu mặt hàng xi măng sau khi nhận được văn bản của UB Tài chính - Ngân sách QH

    Đó là phản hồi của Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) về việc áp thuế xuất khẩu mặt hàng xi măng nói riêng, các mặt hàng xuất khẩu khác nói chung sau khi nhận được văn bản của Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc về mức thuế suất 5% đối với mặt hàng xi măng.

    Từ thực tế sản xuất, Vicem cho biết, cùng làm một loại sản phẩm để xuất khẩu, có đơn vị bị áp thuế xuất khẩu và cũng có đơn vị không. Nguyên nhân của việc này, chủ yếu là do cùng một loại sản phẩm, sản xuất ở các nhà máy khác nhau, nên sản phẩm của nhà máy này có giá trị tài nguyên khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên, nhưng nhà máy khác tỷ lệ này có thể thấp hơn 51%. Yếu tố đầu vào của sản phẩm là giá trị tài nguyên khoáng sản, chi phí năng lượng tại mỗi nhà máy sản xuất là tương đối khác nhau do khác về nguồn cung, địa bàn, công nghệ,…

    Cụ thể, đối với nguyên liệu đầu vào là tài nguyên khoáng sản, có trường hợp các đơn vị cùng khai thác một loại tài nguyên nhưng mỗi đơn vị lại tính giá tính thuế tài nguyên khác nhau do phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: chi phí đầu tư, cách thức quản lý… và đặc biệt sẽ phụ thuộc rất nhiều vào quan điểm của doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước khi thanh kiểm tra. Điều này dẫn tới giá trị chi phí nguyên liệu đầu vào là khoáng sản cũng có sự khác biệt, không cùng một mặt bằng giá.

    Theo đó, Vicem cho rằng, để tránh gây bất lợi cho một số đơn vị sản xuất xi măng trong ngành, đặc biệt các đơn vị thực hiện theo dõi, quản lý và kê khai nghiêm túc các chi phí đầu tư liên quan đến chi phí khoáng sản và chi phí năng lượng, đề nghị các cơ quan quản lý nên xem xét việc áp dụng một mức thuế suất đối với cùng một loại hàng hóa xuất khẩu.

    Liên quan đến Công văn số 504/UBTCNS14 của Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội, Vicem đồng ý với Ủy ban này, cho rằng việc Cơ quan Hải quan yêu cầu doanh nghiệp phải nộp thêm Bản cam kết về giá trị tài nguyên khoáng sản cộng với chi phí năng lượng của xi măng là không phù hợp. Vicem cũng nhận định: xi măng là sản phẩm cuối cùng trong quá trình sản xuất của các nhà máy của VICEM, không phải là vật tư, nguyên liệu, bán thành phẩm. Vicem cũng cho rằng, việc áp dụng thuế xuất khẩu từ 5-20% đối với hàng hóa xuất khẩu mà có giá trị tài nguyên khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên là không có cơ sở để quản lý và khó có khả thi trong thực tế.

    Trước đó, ngày 16/5 vừa qua, sau buổi làm việc với các doanh nghiệp, Luật sư và các bên có liên quan tại trụ sở Báo Đời sống & Pháp luật, Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội ban hành Công văn số 504/UBTCNSQH14 đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng Cục Hải quan ngừng yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu xi măng nộp các bản cam kết tỷ lệ tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng của mặt hàng xi măng dưới 51% đồng thời yêu cầu Bộ Tài chính sớm báo cáo Chính phủ, trình Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội để xem xét sửa quy định của pháp luật gây khó khăn trong quá trình áp thuế đối với xi măng xuất khẩu.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/de-nghi-ap-dung-mot-muc-thue-suat-doi-xi-mang-xuat-khau-a192258.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    vtc.vn
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan