"Khu đất vàng" 80 Lý Thường Kiệt: Vẫn "im lìm" sau gần 1 năm có kết luận thanh tra


Thứ 4, 21/06/2017 | 03:34


Cùng sự kiện

Đến thời điểm hiện tại, "khu đất vàng" tại ngã tư Lý Thường Kiệt - Phan Bội Châu vẫn không được đưa vào khai thác, sử dụng, gây lãng phí rất lớn tài sản của nhà nước.

Đã gần 1 năm sau khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ, "khu đất vàng" tại ngã tư Lý Thường Kiệt - Phan Bội Châu, TP Hà Nội, vẫn không được đưa vào khai thác, sử dụng, gây lãng phí rất lớn tài sản của nhà nước.

Cửa tòa nhà đóng im lìm, có dấu hiệu của sự hoang phế, xuống cấp; trong khuôn viên hành lang chỉ có duy nhất một nhân viên bảo vệ ngồi trông coi; ngay phía trước sảnh, một đoạn vỉa hè xuất hiện những mảng gạch nền bong lên, sồi sụt ... đó là những ghi nhận mới nhất của phóng viên về hiện trạng phía ngoài của Khách sạn Thương mại Sài Gòn (thuộc Tổng công ty du lịch Sài Gòn) tọa lạc trên hai thửa đất vàng có diện tích gần 1.000m2 nằm sát nhau tại số 80 Lý Thường Kiệt và 22 Phan Bội Châu (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Gần 1 năm sau khi có kết luận của Thanh tra chính phủ, tình trạng sử dụng "khu đất vàng" tại 80 Lý Thường Kiệt - 22 Phan Bội Châu vẫn không có tín hiệu của sự biến chuyển.

Được biết, trước đây, 2 thửa đất này được Nhà nước cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thuê và thời hạn thuê đất đã hết từ năm 1996. Tuy nhiên theo kết luận số 2222/KL-TTCP ngày 28/8/2016 của Thanh tra chính phủ, mặc dù đã hết thời hạn cho thuê đất nhưng Tổng công ty đường sắt Việt Nam vẫn góp vốn quyền sử dụng đất lô đất 80 Lý Thường Kiệt để hợp tác kinh doanh với Tổng công ty du lịch Sài Gòn. Cụ thể, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã lợi dụng thủ tục góp vốn và thực hiện trái chủ trương, quy định để hợp thức hóa việc chuyển nhượng tài sản, cơ sở kinh doanh có giá trị lớn ra ngoài doanh nghiệp không qua đấu giá, đấu thầu.

Theo đó, Thanh tra chính phủ đã đề nghị Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài nguyên Môi trường và UBND Thành phố Hà Nội rà soát, lập phương án sử dụng đất tại hai địa chỉ nêu trên; đảm bảo có hiệu quả, đúng pháp luật, không để thất thoát, lãng phí tài sản của Nhà nước và báo cáo với Chính phủ. Tuy nhiên, đã gần 1 năm trôi qua, tình trạng sử dụng "khu đất vàng" hầu như vẫn không có dấu hiệu của sự biến chuyển.

Toàn bộ khu nhà đóng cửa im lìm, ở khu vực sảnh có một nhân viên bảo vệ ngồi trông coi.

Theo chia sẻ của người dân tại địa bàn này, cách đây vài tháng, tòa nhà tọa lạc trên "khu đất vàng" vẫn được sử dụng để cho thuê. Sau đó, người thuê nhận được thông báo là phải chấm dứt hợp đồng vì tòa nhà đã xuống cấp nghiêm trọng, phải được đập bỏ để xây lại. Do vậy, các đơn vị thuê đã chuyển ra ngoài. Hiện trong tòa nhà chỉ còn lại bảo vệ trong coi.

Trước đó, nhiều sai phạm của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam về việc quản lý kinh doanh, sử dụng vốn, tài sản, đất đai đã được Thanh tra chính phủ chỉ ra. Trong đó, có sai phạm liên quan đến 2 thửa đất giáp nhau có địa chỉ tại 80 Lý Thường Kiệt và 22 Phan Bội Châu mà Tổng công ty này quản lý.

Cụ thể, về thủ tục pháp lý, thửa đất 80 Lý Thường Kiệt đang quản lý sử dụng theo nguyên trạng do hết hạn hợp đồng thuê đất từ 19 năm trước và chưa có thủ tục thuê lại, thửa đất 22 Phan Bội Châu còn thời hạn thuê 2,5 năm.

Hiện trạng phía ngoài của Khách sạn Thương mại Sài Gòn tọa lạc trên "khu đất vàng"

Sau khi hết hạn hợp đồng liên danh với Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn vào tháng 10/2012, Tổng Công ty đường sắt Việt Nam có chủ trương góp vốn bằng tài sản và giá trị thương mại quyền thuê sử dụng đất để thành lập pháp nhân mới đầu tư khách sạn.

Tháng 1/2013, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam báo cáo xin Bộ Giao thông chủ trương đầu tư và lựa chọn đối tác đầu tư là Công ty TNHH MTV Hà Thành. Bộ Giao thông thống nhất theo đề nghị và giao Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam xây dựng phương án thành lập pháp nhân mới, phương án đầu tư.

Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam sau đó không thực hiện theo chỉ đạo nêu trên của Bộ Giao thông nhưng vẫn ký biên bản thỏa thuận hợp tác đầu tư với Công ty Hà Thành, thuê thẩm định giá, đàm phán vốn góp, làm thủ tục đăng ký kinh doanh, bàn giao tài sản nhà đất.

Quá trình đàm phán góp vốn, Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã quyết định giá trị vốn góp là 47 tỉ đồng, trong khi  Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam thuê thẩm định giá có chứng thư xác định là 67,4 tỉ đồng. Sau khi đi vào hoạt động, 6 tháng cuối năm 2013 doanh nghiệp lỗ 588 triệu đồng và 9 tháng đầu năm 2014 lỗ 2,5 tỉ đồng.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về tình hình quản lý "khu đất vàng" này.

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/khu-dat-vang-80-ly-thuong-kiet-van-im-lim-sau-gan-1-nam-co-ket-luan-thanh-tra-a193948.html