Ủy ban Tư pháp không tán thành buộc ghi âm, ghi hình khi hỏi cung


Thứ 5, 21/05/2015 | 04:12


(ĐSPL) - Uỷ ban Tư Pháp không tán thành với việc dự thảo quy định “Bắt buộc phải ghi âm hoặc ghi hình hoạt động hỏi cung bị can”.

(ĐSPL) - Uỷ ban Tư Pháp không tán thành với việc dự thảo quy định “Bắt buộc phải ghi âm hoặc ghi hình hoạt động hỏi cung bị can”.
Theo tin tức trên Báo Đầu tư, tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, sáng nay (21/5), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Văn Hiện đã báo cáo thẩm tra dự án Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi).
Trong 14 điểm quan trọng mà Ủy ban Tư pháp Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo Luật xem xét thêm, vấn đề được các đại biểu và cử tri đặc biệt quan tâm là vấn đề quyền tài sản trong tố tụng hình sự.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Văn Hiện, trong quá trình thẩm tra, Ủy ban Tư pháp nhận thấy, dự thảo Luật chưa quan tâm thỏa đáng đến việc bảo vệ quyền sở hữu hợp pháp về tài sản của cá nhân được quy định tại Điều 32 Hiến pháp năm 2013. Trên thực tế, việc kê biên, thu giữ tài sản, vật chứng và đồ vật còn có những trường hợp không chính xác; việc xử lý còn để kéo dài dẫn đến tài sản bị hư hỏng, gây lãng phí; đề nghị quy định chặt chẽ, hợp lý hơn các điều kiện, thời hạn, thủ tục thu giữ và xử lý các loại tài sản để bảo đảm lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp, thu hồi tài sản tham nhũng; tránh tùy tiện, kéo dài, gây lãng phí.

Viện trưởng Viện KSNDTC Nguyễn Hòa Bình.

Các vấn đề khác được Ủy ban Tư pháp Quốc hội góp ý là:
Người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo không đưa ra lời khai chống lại chính mình
Theo VOV, quyền của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội (các điều 40, 41,42,43).
Theo Viện trưởng Viện KSNDTC Nguyễn Hòa Bình, dự thảo thể hiện bị can, bị cáo: “Tự do trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội”.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho biết, cơ quan thẩm tra tán thành với việc dự thảo quy định “người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền tự do trình bày lời khai, trình bày ý kiến”, nhưng không tán thành với việc quy định những người này “không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội” vì tạo ra nhận thức khác nhau và chưa nêu bật được mục đích, yêu cầu chống bức cung, dùng nhục hình.
Cơ quan này đề nghị quy định theo hướng: “không bị ép buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình, không bị ép buộc phải nhận mình có tội”.
Đại biểu Trần Du Lịch - đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh đánh giá, Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) thể hiện được hướng cải cách, đổi mới nhằm bảo đảm quyền con người, quyền công dân.
Liên quan đến quyền của bị cán, bị cáo, đại biểu nêu quan điểm: “Một nguyên tắc khi anh nói tôi có tội thì anh phải chứng minh, dĩ nhiên tôi có quyền chứng minh tôi ngoại phạm. Cái này nên phải tuân thủ, nếu không ta khó tránh việc ép cung”.
Cũng theo đại biểu, người phạm tội thường tìm cách chứng minh mình ngoại phạm, bào chữa nhưng việc bắt người ta khai ra để chống lại chính họ là vô lý.
“Ta tính toán làm sao trong điều kiện Việt Nam quy định quyền đó không trở thành công cụ, cơ hội cho tội phạm bảo vệ họ nhưng việc quy định theo hướng này cũng góp phần nâng trình độ điều tra. Qua giám sát tình hình oan sai vừa rồi cho thấy ta còn tôn trọng lời khai hơn là vật chứng dẫn đến khi ra tòa người ta nói ngược lại đã thấy lúng túng. Sửa bộ luật phải thay đổi theo hướng đó”, đại biểu đề nghị.
Bắt buộc ghi âm khi hỏi cung với loại trọng tội
Cơ quan thẩm tra dự án luật là Ủy ban Tư pháp của Quốc hội không tán thành với việc dự thảo quy định “Bắt buộc phải ghi âm hoặc ghi hình hoạt động hỏi cung bị can” vì thực tiễn cho thấy trong trường phạm tội quả tang, các vụ án chứng cứ đơn giản, rõ ràng và bị can đã nhận tội thì quy định hiện hành về hoạt động hỏi cung không có vướng mắc gì.
Còn việc bức cung, nhục hình, nếu có thường xảy ra trước khi khởi tố bị can (khi lấy lời khai người bị bắt, bị tạm giữ) hoặc trong trường hợp phạm tội không quả tang hoặc trong những vụ án phức tạp mà bị can không nhận tội hoặc đổ lỗi cho nhau.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho biết, để tăng cường hiệu quả chống bức cung, dùng nhục hình, bảo đảm phù hợp với thực tiễn, tránh phát sinh thêm thủ tục rườm rà không cần thiết, Ủy ban Tư pháp đề nghị quy định theo hướng: “Trong trường hợp phạm tội mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt chung thân, tử hình hoặc trong trường hợp cần thiết khác thì cùng với việc lập biên bản phải ghi âm hoặc ghi hình khi hỏi cung bị can”.
Đề cập quy định này, đại biểu Trần Du Lịch cho rằng, nếu làm được sẽ rất tốt. Nhưng trong điều kiện nước ta hiện nay cũng cần nghiên cứu quy định áp dụng tùy mức độ tội.
“Nhưng mà chúng ta phải hướng tới, đặc biệt là những trọng tội thì phải làm kỹ việc đó”, đại biểu nhấn mạnh.
Về thời hạn tạm giam
Cũng theo Báo Đầu tư, Về thời hạn tạm giam (Điều 163), đa số ý kiến thành viên Ủy ban Tư pháp tán thành với việc dự thảo quy định rút ngắn thời hạn tạm giam đối với bị can, bị cáo về tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng; tuy nhiên đề nghị cân nhắc để quy định hợp lý thời hạn tạm giam đối với bị can, bị cáo về tội đặc biệt nghiêm trọng trong trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp (như giết người, cướp tài sản; ma túy, kinh tế, tham nhũng lớn) mà không thể cho bị can, bị cáo ở ngoài xã hội khi chưa kết thúc điều tra, truy tố, xét xử.
KIM THÀNH (Tổng hợp)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/uy-ban-tu-phap-khong-tan-thanh-buoc-ghi-am-ghi-hinh-khi-hoi-cung-a95265.html