+Aa-
    Zalo

    Sao Hỏa có ảnh hưởng bất ngờ đến Trái Đất dù cách xa hơn 225 triệu km

    (ĐS&PL) - Một nghiên cứu mới cho hay, sao Hỏa có thể nằm cách Trái Đất khoảng 140 triệu dặm (khoảng hơn 225 triệu km) nhưng lại đang ảnh hưởng đến đại dương sâu thẳm trên Trái Đất bằng cách tạo ra những “xoáy nước khổng lồ”.

    Theo CNN, các nhà khoa học đã phân tích trầm tích được khoan từ hàng trăm địa điểm dưới biển sâu trong 50 năm qua để tìm hiểu về Trái Đất hàng chục triệu năm trước, qua đó biết rõ hơn về sức mạnh của dòng hải lưu sâu.

    Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Communications hôm 12/3, trầm tích được thu thập cho thấy các dòng hải lưu dưới biển sâu đã trải qua các giai đoạn suy yếu và mạnh lên trong chu kỳ khí hậu 2,4 triệu năm.

    Nhà nghiên cứu trầm tích Adriana Dutkiewicz ở Đại học Sydney (Australia) - đồng tác giả nghiên cứu chia sẻ, các nhà khoa học không kỳ vọng sẽ khám phá được những chu kỳ này. “Chúng có liên quan đến các chu kỳ trong sự tương tác của sao Hỏa và Trái Đất trong quỹ đạo quanh Mặt Trời”, bà Dutkiewicz nói.

    Hai hành tinh ảnh hưởng lẫn nhau thông qua một hiện tượng gọi là “cộng hưởng”. Đó là khi hai vật thể quay theo quỹ đạo tác dụng lực đẩy và lực hấp dẫn lên nhau, đôi khi được mô tả là một kiểu hòa hợp giữa các hành tinh xa xôi. Sự tương tác này làm thay đổi hình dạng quỹ đạo của hành tinh, ảnh hưởng đến độ tròn và khoảng cách của chúng đến Mặt Trời.

    Đối với Trái Đất, sự tượng tác như vậy với sao Hỏa chuyển thành các giai đoạn năng lượng Mặt Trời tăng lên, nghĩa là khí hậu ấm hơn. Theo báo cáo, những chu kỳ ấm hơn tương quan với các dòng hải lưu mạnh hơn.

    sao hoa co anh huong bat ngo den trai dat du cach xa hon 225 trieu km1
    Hình ảnh Trái Đất nhìn từ sao Hỏa. Ảnh: Space.com

    Giáo sư Vật lý Dietmar Müller tại Đại học Sydney - đồng tác giả nghiên cứu chia sẻ, các chu kỳ kéo dài 2,4 triệu năm này ảnh hưởng đến sự nóng lên và các dòng hải lưu trên Trái Đất. Tuy nhiên, đó là các chu kỳ khí hậu tự nhiên, không liên quan đến tình trạng nóng lên nhanh chóng mà thế giới đang trải qua hiện tại, khi con người tiếp tục đốt nhiên liệu hóa thạch.

    Các tác giả mô tả những dòng chảy hay xoáy nước này là những “xoáy nước khổng lồ” có thể chạm tới đáy biển sâu, làm xói mòn đáy biển và gây ra sự tích tụ trầm tích lớn, giống như những đống tuyết.

    Các nhà khoa học có thể lập lản đồ các dòng xoáy mạnh này thông qua những điểm đứt gãy trong lõi trầm tích mà họ phân tích. Trầm tích biển sâu hình thành thành các lớp liên tục trong điều kiện biển tĩnh lặng, không nổi sóng nhưng dòng hải lưu mạnh đã phá vỡ điều này, để lại dấu ấn rõ ràng về sự tồn tại của chúng.

    Trao đổi với CNN, giáo sư Dietmar Müller nói dữ liệu vệ tinh có thể lập bản đồ rõ ràng những thay đổi trong dòng chảy đại dương chỉ mới có trong vài thập kỷ, lõi trầm tích, vốn giúp tạo nên bức tranh về quá khứ cách đây hàng triệu năm, rất hữu ích để hiểu những thay đổi hoàn lưu trong khí hậu ấm hơn.

    Theo vị giáo sư này, nếu hiện tượng nóng lên do con người gây ra tiếp tục diễn ra theo quỹ đạo hiện tại, “tác động nói trên sẽ làm giảm tất cả các qua trình khác trong một thời gian dài sắp tới. Tuy nhiên, hồ sơ địa chất vẫn cung cấp những hiểu biết có giá trị về cách các đại dương hoạt động trong một thế giới ấm hơn”.

    Các tác giả nghiên cứu cho rằng, các dòng xoáy này thâm chí có thể giúp giảm bớt một số ảnh hưởng từ sự sụp đổ tiềm ẩn của Vòng tuần hoàn Kinh tuyến Đại Tây Dương (AMOC). Đây là một vòng tuần hoàn quan trọng của đại dương hoạt động giống như một băng chuyền khổng lồ vận chuyển nước ấm từ vùng nhiệt đới đến Bắc Đại Tây Dương xa xôi.

    Các nhà khoa học ngày càng gióng lên hồi chuông cảnh báo về hệ thống dòng chảy quan trọng này. Có những lo ngại rằng, AMOC thậm chí có thể cho thấy những dấu hiệu sớm rằng vòng tuần hoàn đang trên đà sụp đổ, khi sự nóng lên toàn cầu làm nóng các đại dương, khiến băng tan chảy, phá vỡ sự cân băng mong manh giữa nhiệt độ và muối vốn là yếu tố quyết định độ vững chắc của AMOC.

    Sự sụp đổ của AMOC sẽ dẫn đến những hậu quả thảm khốc về khí hậu, trong đó có việc nhiệt độ giảm nhanh ở một số nơi trong khi tăng lên tại một số khu vực khác.

    “Nghiên cứu của chúng tôi không nói lên điều gì về những gì có thể xảy ra hoặc không xảy ra với AMOC. Quan điểm của chúng tôi là ngay cả khi AMOC dừng lại, vẫn có những quá trình khác gây xáo trộn đại dương, dù tác động của chúng sẽ khá khác nhau”, giáo sư Dietmar Müller cho biết.

    sao hoa co anh huong bat ngo den trai dat du cach xa hon 225 trieu km
    Hình ảnh sao Hỏa. Ảnh: NASA/ CNN

    CNN đưa tin, có những lo ngại rằng việc AMOC dừng lại đồng nghĩa với việc vùng nước bề mặt giàu oxy sẽ không còn hòa trộn với vùng nước sâu hơn, dẫn đến một đại dương ứ đọng phần lớn không có sự sống.

    Về vấn đề nói trên, giáo sư Dietmar Müller chia sẻ: “Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy các xoáy nước dưới biển sâu mãnh liệt hơn trong điều kiện ấm hơn và việc này có thể ngăn tình trạng ứ đọng đó”.

    Theo ông Joel Hirschi - Phó giám đốc mô hình hệ thống biển tại Trung tâm Hải dương học Quốc gia ở Anh, phát hiện của nghiên cứu về sự tồn tại của chu kỳ 2,4 triệu năm trong trầm tích biển là rất đáng chú ý. Phương pháp luận này logic và có khả năng có mối liên hệ với Sao Hỏa.

    Tuy nhiên, ông nói với CNN rằng, “mối liên hệ với hoàn lưu đại dương chỉ mang tính chất suy đoán và bằng chứng cho thấy hoàn lưu dưới đại dương sâu liên quan đến các dòng xoáy mạnh hơn trong điều kiện khí hậu ấm áp là mong manh”.

    Theo các tác giả của nghiên cứu, hiện tại vẫn chưa rõ chính xác các quá trinh khác nhau ảnh hưởng ra sao đến dòng chảy dưới đại dương sâu và sinh vật biển trong tương lai. Thế nhưng, họ hy vọng nghiên cứu mới sẽ giúp xây dựng mô hình tốt hơn về kết quả khí hậu trong tương lai.

    Đinh Kim(Theo CNN)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/sao-hoa-co-anh-huong-bat-ngo-den-trai-dat-du-cach-xa-hon-225-trieu-km-a614399.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan