Chủ tịch xã lái ôtô tông chết hai người: Luật sư phân tích dưới góc độ pháp lý


Thứ 6, 11/11/2016 | 23:25


Cùng sự kiện

(ĐSPL) - Liên quan đến vụ Chủ tịch xã Thọ Hợp, Nghệ An lái ôtô tông chết 2 người, luật sư cho rằng để xử lý cần xem xét trên các khía cạnh của pháp luật hình sự ...

(ĐSPL) - Liên quan đến vụ Chủ tịch xã Thọ Hợp, Nghệ An lái ôtô tông chết 2 người, luật sư cho rằng để xử lý cần xem xét trên các khía cạnh của pháp luật hình sự đối với hành vi bị coi là tội phạm được pháp luật quy định và pháp luật dân sự đối với việc bồi thường thiệt hại do xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của người khác.

Theo thông tin trên báo chí, mới đây, Công an huyện Quỳ Hợp, Nghệ An cho biết, đơn vị này đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can Nguyễn Văn Trung, chủ tịch UBND xã Thọ Hợp để điều tra hành vi vi phạm điều khiển phương tiện giao thông gây hậu quả nghiêm trọng.

Sau khi lái ôtô tông chết hai thiếu niên đi xe máy, ông Nguyễn Văn Trung còn đâm vào một chiếc xe máy khác.

Liên quan đến vấn đề nêu trên, trao đổi với PV, luật sư Dương Quốc Huy, Công ty Luật Vinabiz nhận định, khi xem xét xử lý hành vi gây tai nạn chết người đối với ông Trung, cần xem xét trên các khía cạnh của pháp luật hình sự đối với hành vi bị coi là tội phạm được pháp luật quy định và pháp luật dân sự đối với việc bồi thường thiệt hại do xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của người khác.

Về trách nhiệm dân sự luật sư Huy dẫn khoản 1 Điều 604 Bộ luật dân sự 2005 quy định: “1. Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.”.

Hện trường vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng

"Xem xét các sự kiện pháp lý nêu trên, ông Trung đã có các hành vi: xâm phậm tính mạng (làm chết 2 thiếu niên); xâm phạm sức khỏe (người đi trên xe máy sau đó) và tài sản (các xe máy bị đâm) và do vậy, ông Trung có trách nhiệm bồi thường các thiệt hại gây ra đối với những hành vi này.

Pháp luật dân sự cũng quy định về việc căn cứ, cách thức, những tiêu chí xác định các thiệt hại như: tài sản bị mất hoặc bị hư hỏng; chi phí hợp lý để khắc phục, hạn chế thiệt hại; chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút, bù đắp về tinh thần…, cũng như thời hạn hưởng bồi thường thiệt hại", luật sư Huy phân tích.

Về trách nhiệm hình sự, luật sư Huy cho biết, trong trường hợp đủ căn cứ khẳng định, tại thời điểm gây tai nạn, Chủ tịch UBND xã Thọ Hợp có lỗi và có nồng độ cồn trong máu vượt mức quy định và căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 202 Bộ luật hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” như sau:

“2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:

a) Không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định;

b) Trong khi say rượu hoặc say do dùng các chất kích thích mạnh khác;

...

đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng”

Luật sư Dương Quốc Huy - Công ty luật Vinabiz

Ngoài ra, quy định tại Điều 2 Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC ngày 28/8/2013 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao (gọi tắt Thông tư liên tịch 09/2013/TTLT) hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIX của BLHS về các tội xâm phạm trật tự, an toàn giao thông, thì “gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại rất nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng quy định tại khoản 2 Điều 202 BLHS là thuộc một trong trường hợp sau đây:

“a) Làm chết hai người;

b) Làm chết một người và còn gây hậu quả thuộc một trong các trường hợp hướng dẫn tại các điểm b, c, d, đ và e khoản 1 Điều này;

c) Gây tổn hại cho sức khỏe của ba đến bốn người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên;

d) Gây tổn hại cho sức khỏe của từ hai người trở lên với tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này là từ trên 100% đến 200%;

đ) Gây tổn hại cho sức khỏe của một hoặc hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên và còn gây hậu quả thuộc một trong các trường hợp hướng dẫn tại các điểm c, d, đ và e khoản 1 Điều này;

e) Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng đến dưới một tỷ năm trăm triệu đồng.”

“Như vậy, đối chiếu với các quy định pháp luật nêu trên, ông Trung - với hành vi có lỗi và có nồng độ cồn trong máu vượt mức quy định, có thể bị xem xét và truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 2 Điều 202 Bộ luật hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) với mức hình phạt cao nhất đến 10 năm tù” - luật sư Huy nhấn mạnh.

Trước đó, như tin tức đã đưa, khoảng 22h30 ngày 27/10, ông Trung đi ôtô bán tải lưu thông trên Quốc lộ 48 theo hướng huyện Quỳ Hợp - TP Vinh.

Khi xe đến địa phận xã Tam Hợp (huyện Quỳ Hợp) thì xe ông Trung va chạm với xe máy của hai thiếu niên Vũ Văn Sáng (15 tuổi) và Nguyễn Văn Hiếu (16 tuổi), hất văng xe của hai em ra xa 30m khiến hai nạn nhân tử vong sau khi được đi cấp cứu.

Tiếp đó, xe của ông Trung còn đâm vào một chiếc xe máy đi cùng chiều khiến một người bị thương nặng rồi mới chịu dừng lại. Vụ tai nạn làm chiếc xe bán tải của ông Trung bị hư hỏng nặng phần đầu.

Được biết, trước khi xảy ra vụ tai nạn, ông Trung đi đánh bóng chuyền giao lưu ăn uống rồi tự lái ôtô về nhà. 

Điều 610 Bộ luật Dân sự 2005 quy định:

“Điều 610. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm

1. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:

a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc người bị thiệt hại trước khi chết;

b) Chi phí hợp lý cho việc mai táng;

c) Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng.

2. Người xâm phạm tính mạng của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá sáu mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định”.

Tiểu Phương (ghi)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chu-tich-xa-lai-oto-tong-chet-hai-nguoi-luat-su-phan-tich-duoi-goc-do-phap-ly-a169984.html