+Aa-
    Zalo

    Sự mất tích bí ẩn của bức tượng bà đá trong đêm mưa gió sấm sét

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Trước đây tượng từng xuất hiện rồi biến mất, nay chỉ còn là một am nhỏ. Nhưng người dân nơi đây vẫn xem đó là nơi linh thiêng và có nhiều điều kỳ bí chưa thể lý giải.

    (ĐSPL) - Người dân làng Châu Lâu, xã Điện Thọ, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam thường gọi nơi ấy là tượng bà đá hay thần đá. Trước đây tượng từng xuất hiện rồi biến mất, nay chỉ còn là một am nhỏ. Nhưng người dân nơi đây vẫn xem đó là nơi linh thiêng và có nhiều điều kỳ bí chưa thể lý giải.

    (BGIAY)Sự mất tích bí ẩn của bức tượng bà đá trong đêm mưa gió sấ

    Nơi bức tượng bà đá từng tồn tại.

    Đi tìm huyền tích và dấu vết còn lại

    Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm đến một am nhỏ nằm bên cạnh gốc cây sum suê, rậm rạp, tọa lạc trên con đường mòn nối hai thôn Châu Lâu và thôn Tây, xã Điện Thọ. Phía sau gốc cây, trong am có một bát hương lớn, còn nhiều que hương cháy dở mà người dân nơi đây đã thắp.

    Nơi đây tồn tại nhiều giai thoại về sự xuất hiện của bức tượng bà đá. Tương truyền, bức tượng ấy có từ xa xưa. Thời ấy, ông Dương Thông vốn là một người giàu có bậc nhất trong vùng. Vì muốn phô trương thân thế của gia tộc, ông lặn lội ra Đà Nẵng với một ý tưởng là đúc một bức tượng đá trăm tay nghìn mắt, về đặt trong nhà thờ tộc mình.

    Khi thợ làm xong, ông cùng người hầu khiêng bức tượng đi qua một cánh đồng thôn Châu Lâu. Thuở ấy, con đường chưa có nên việc đi lại gặp nhiều khó khăn, muốn đi qua nhà mình, họ phải băng qua một cánh đồng hoang rộng lớn, giữa các thôn. Trong đêm, đoàn người khiêng tượng đi đến cánh đồng, bất ngờ một cơn gió nổi lên, bức tượng bỗng trở nên nặng một cách kỳ lạ. Những người khiêng không thể nào đi nổi, đành để xuống nghỉ ngơi. Thanh niên trai tráng trong làng được huy động để phụ giúp nhưng bức tượng vẫn không mảy may dịch chuyển. Dù trời đã gần sáng, cố gắng bao nhiêu đều vô ích, họ đành bỏ cuộc. Thấy sự kỳ lạ, như điềm báo linh thiêng về vị trí mà bức tượng muốn chọn để dừng chân, nên ông Dương Thông bèn sai người mua hương khấn vái, để bức tượng ở đó rồi cùng đoàn người trở về.

    Cũng có một giai thoại khác về nguồn gốc của bức tượng bà đá. Ngày ấy, khi đất nước còn chiến tranh loạn lạc, làng mạc bị phá hủy. Trên địa bàn thôn Châu Lâu bấy giờ có một đơn vị đóng quân. Trong một chiến dịch, khi quân ta bị thua trận. Có một người lính tên là Trung, băng qua cánh đồng để làm nhiệm vụ tiêu diệt địch. Bất ngờ anh nghe tiếng của một cô gái, gọi tên mình “Anh Trung, anh Trung!”. Lúc đầu, anh Trung thoáng qua, nghĩ trong đêm tối chắc mình nghe nhầm. Anh vẫn tiếp tục đi, nhưng tiếng gọi càng trở nên rõ hơn và gấp gáp.

    Anh Trung đứng lại, ngoảnh mặt nhìn sang, thấy một cô gái với mái tóc dài buông xõa và dáng người trẻ trung trong đêm tối gọi tên mình. Bất ngờ từ đằng trước, cách anh một khoảng khá xa có tiếng nổ “bùm”. Đó là tiếng quả bom mà bọn địch đã cài. Chưa kịp định thần, anh nhìn lại nơi phát ra tiếng gọi, nhưng người con gái đã không còn ở đó. Sau này lại thấy một bức tượng đá. Sau một lúc anh mới hiểu ra, mình đã được cô gái cứu sống. Từ đó, anh đem câu chuyện này kể với mọi người. Mỗi lần đi ngang qua, anh đều thắp một nén hương như để tỏ lòng biết ơn người cứu mạng mình.

    Đến nay cũng không ai biết rõ thực hư bức tượng bà đá xuất hiện như thế nào, chỉ biết những người già trong vùng từng thấy bức tượng tọa lạc ở đó. Rồi câu chuyện đồn thổi khắp nơi, mọi người ai cũng tò mò tới xem. Tuy nhiên, cách đây khoảng hai mươi năm về trước, trong một buổi sáng mọi người đi làm đồng, họ kinh ngạc khi không thấy bức tượng đá đâu nữa. Sự biến mất kỳ lạ của nó khiến nhiều người nghĩ rằng do những tên trộm từ đâu tới lấy mất. Cũng có ý kiến ly kỳ về sự “mất tích” bí hiểm này, song không ai biết rõ. Chỉ biết trong đêm ấy, mưa tầm tã không dứt cùng với tiếng sét dữ dội vang trời.

    Và những chuyện lưu truyền trong dân gian

    Sự xuất hiện của bức tượng bà đá đến nay cũng không ai biết rõ, chỉ biết nó có mặt ở vị trí am thờ ngày nay một thời gian dài, trước khi biến mất. Nhiều người trong vùng đồn thổi về sự linh thiêng kỳ bí tại nơi xuất hiện bức tượng. Để hiểu rõ hơn, chúng tôi lân la vào địa bàn các thôn lân cận nhằm tìm hiểu thực hư.

    Trao đổi với chúng tôi, bà An (75 tuổi) cho biết, cụ sống ở đây đã nhiều năm, cũng đã chứng kiến rất nhiều câu chuyện liên quan đến bức tượng bà đá. Từ nhỏ, bà đã được nghe nhiều người kể về bức tượng bà đá, cùng với đó là những câu chuyện linh thiêng. Ngày ấy, con đường chỉ là lối mòn đầy bùn đất, những người trong vùng muốn đi chợ phải băng qua khu vực bức tượng đá vì sự linh thiêng của nó. Nhưng điều bà biết là mọi người chưa ai dám đi trước mặt bức tượng, mà chỉ chọn con đường vòng phía sau.

    (BGIAY)Sự mất tích bí ẩn của bức tượng bà đá trong đêm mưa gió sấ

    Một cụ già trong làng trao đổi cùng PV.

    Có lần, một nhóm thanh niên trong làng, vì không tin nên khi đi qua mới buông lời nhạo báng. Nhưng không ai ngờ, chỉ mấy ngày sau, cũng trên đoạn đường ấy, họ bị tai nạn. Được mọi người đưa đi cấp cứu nhưng không thoát chết, còn có người thì bị bệnh rồi mất. Cái chết của những thanh niên ấy càng khiến mọi người tin vào điều kỳ bí quanh bức tượng.

    Sự kỳ bí về nơi bức tượng từng tọa lạc càng khiến nhiều người đi qua sởn gai ốc. Chị L., một người trong thôn kể lại, trong một lần đi làm về trời nhá nhem tối, trên đoạn đường ấy, chị gặp một người phụ nữ mặc đồ đen, tóc xõa đi ngang qua xe. Chị nhìn thấy nhưng không để ý, đi được một khoảng khá xa, chị ngạc nhiên thấy người lúc nãy cũng đang đi trước xe mình. Bấy giờ có một chiếc xe ngược chiều đi tới, bỗng người phụ nữ mặc đồ đen biến mất, chị không thấy đâu nữa.

    Theo lời của bà Hương (50 tuổi), từ khi bà về làm dâu ở làng Châu Lâu thì bức tượng đá vẫn còn. Câu chuyện về bức tượng được lưu lại như một sự tích. Khi chúng tôi ra về và có ý muốn ghé thăm nơi bức tượng từng được đặt một lần nữa, bà không quên nhắc: “Các cháu muốn đến xem hay đi qua đó thì phải cẩn thận, đừng ăn nói lung tung. Có tới thì mua hương thắp, khi đi đường xa mà cầu xin thì sẽ thuận lợi hơn”. Cứ đến ngày rằm hay dịp lễ tết hằng năm, tuy bức tượng không còn nhưng tại vị trí ấy, người dân trong vùng vẫn tới thắp hương và cầu khấn, nhiều người gặp chuyện không may đều tới khấn vái, để xin điều tốt đẹp.

    Tín ngưỡng văn hóa của người dân

    Trao đổi với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Lân, cán bộ văn hóa xã Điện Thọ cho biết: Chuyện về bức tượng được lưu truyền từ lâu. Người dân nơi đây luôn tin vào những điều kỳ bí. Chúng tôi cũng là thế hệ trẻ, nghe kể lại, không dám khẳng định những chuyện linh thiêng khó hiểu ở đó. Chỉ biết bức tượng từng tồn tại. Đó không phải là mê tín, mà là đức tin của con người, nên vẫn để mọi người tín ngưỡng, vấn đề là không để sự mê tín lấn át là được.

    Đinh Hiền - Ý Nhi
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/su-mat-tich-bi-an-cua-buc-tuong-ba-da-trong-dem-mua-gio-sam-set-a72315.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan