+Aa-
    Zalo

    Tại sao bến xe tạm Yên Sở được Hà Nội cấp phép tới 50 năm?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Bến xe Yên Sở (nằm trên đường vành đai 3, thuộc địa bàn phường Yên Sở, quận Hoàng Mai) là một bến xe trung hạn nhưng lại được cấp phép đến 50 năm, lại nằm trong nội đô.

    TP Hà Nội có chủ trương xây dựng bến xe Yên Sở (nằm trên đường vành đai 3, thuộc địa bàn phường Yên Sở, quận Hoàng Mai) là một bến xe trung hạn nhưng lại được cấp phép đến 50 năm và cách bến xe nước ngầm chỉ 1km khiến nhiều người băn khoăn.

    Khu đất xây dựng bến xe Yên Sở. Ảnh: Vietnamnet

    Như tin tức đã đưa, UBNDTP Hà Nội đã có chủ trương đầu tư Bến xe khách Yên Sở, cách nút giao Pháp Vân - vành đai 3 khoảng 1km, cách Bến xe Nước Ngầm 1,6km. Hiện nút giao Pháp Vân - vành đai 3 đang là điểm tắc nghẽn giao thông lớn của Hà Nội.

    Theo đó, Bến xe Yên Sở được quy hoạch là bến xe khách liên tỉnh trung hạn, với chức năng hỗ trợ, giảm tải cho 3 bến xe: Giáp Bát, Nước Ngầm, Gia Lâm. Thế nhưng, điều khiến nhiều người thắc mắc là tại sao một bến xe trung hạn lại được cấp phép đến 50 năm, trong khi các bến xe khác sẽ phải chuyển ra ngoài vành đai 4 vào năm 2030.

    Trao đổi với PV, ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết: “Bến xe Yên Sở được quy hoạch trong đồ án quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội. Hiện tại có nhà đầu tư quan tâm và đầu tư vào dự án, Sở rất ủng hộ chủ trương đầu tư theo quy hoạch. Còn việc cấp phép 50 năm là cấp cho cả dự án. Và công năng của dự án này không chỉ là mỗi bến xe liên tỉnh mà còn có cả bến, bãi đỗ xe”.

    Trước mắt, sau khi đầu tư xong Bến xe Yên Sở sẽ tổ chức điều chuyển các tuyến xe khách liên tỉnh tại Bến xe Giáp Bát về Bến xe Yên Sở để giảm tải áp lực giao thông cho tuyến QL1. Bến xe Giáp Bát sẽ chuyển đổi chức năng thành đầu mối trung chuyển vận tải hành khách công cộng kết hợp bãi đỗ xe. Còn về lâu dài, sau khi đầu tư hoàn thành Bến xe khách phía Nam (khu vực Ngọc Hồi – Vành đai 4) thì bến xe Yến Sở và Nước Ngầm sẽ chuyển thành đầu mối trung chuyển vận tải hành khách công cộng kết hợp bãi đỗ xe, ông Viện giải thích.

    Trước đó, nhiều ý kiến không đồng tình với việc xây dựng bến xe Yên Sở không đáp ứng được nhu cầu giảm tải cho bến xe Giáp Bát và Nước Ngầm; đối lập với chủ trương di chuyển bến xe ra khu vực đường vành đai 4 của Hà Nội.

    Theo ông Bùi Danh Liên - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, dù đã có trong quy hoạch song thành phố có thể điều chỉnh. Vì, trước đây cũng từng có quy hoạch bến xe Lương Yên song lại điều chỉnh để xây nhà cao tầng. Hà Nội cấp phép cho bến xe Yên Sở hoạt động đến 50 năm là vô lý vì bến xe này nằm trong nội đô.

    Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cũng nhận định, bến xe Yên Sở dù có trong quy hoạch nhưng có nhiều điểm bất hợp lý. Nếu có bến xe Yên Sở thì sẽ không có ai mặn mà đầu tư vào bến xe phía Nam ngoài vành đai 4. Do vậy, thành phố cần phải nói rõ thời gian bến xe Yên Sở chuyển ra ngoài vành đai 3, phải công khai minh bạch việc này.

    Còn theo TS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội, nguyên KTS Trưởng TP Hà Nội cho biết, chúng ta sẵn sàng điều chỉnh quy hoạch nhưng phải nhìn nhận xa. Trong các quy hoạch, kể cả chuyên ngành, quy hoạch chung, luật đều cho phép sửa đổi quy hoạch nếu có lý do thích hợp thì điều chỉnh.

    "Với bến xe hiện nay, đừng nên gây thêm áp lực lên khu vực nội đô. Đang xây dựng vành đai 4 thì đưa hết ra đó, đầu tư vận tải công cộng, không nên làm bến xe liên tỉnh ở khu vực vành đai 3 nữa", ông Nghiêm góp ý.

    Xuân Đoàn

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tai-sao-ben-xe-tam-yen-so-duoc-ha-noi-cap-phep-toi-50-nam-a236239.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan