+Aa-
    Zalo

    Tăng thuế môi trường với xăng: Người dân sẽ phải "cõng giá"

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Nếu dự thảo thông qua thì từ ngày 1/7/2018, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dự kiến tăng thêm 1.000 đồng/lít, dầu diesel tăng lên 500 đồng/lít .

    Mỗi lít xăng đã phải gánh tới 3.000 đồng tiền thuế bảo vệ môi trường, song Bộ Tài chính vẫn tiếp tục lấy ý kiến dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tăng thuế mặt hàng này. Nếu dự thảo này được thông qua thì từ ngày 1/7/2018, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dự kiến tăng thêm 1.000 đồng/lít, dầu diesel tăng lên 500 đồng/lít .

    Những "luận điểm" về lý do tăng thuế của Bộ Tài chính

    Chưa đầy 1 năm, đã có tới 3 lần Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung các Luật thuế theo hướng tăng mức thuế của nhiều sắc thuế như thuế bảo vệ môi trường (BVMT) với xăng, dầu; thuế GTGT (VAT) với nhiều mặt hàng. Đồng thời, áp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với nhiều loại hàng hóa.

    Bộ Tài chính từng đưa ra quan điểm "Tăng khung thuế môi trường xăng dầu để bảo vệ lợi ích quốc gia". Theo thông tin do ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cung cấp, Bộ Tài chính không chỉ đề xuất sửa đổi khung thuế suất BVMT đối với mặt hàng xăng dầu mà còn với cả nilon, dung dịch HCFC... những loại hàng hóa gây tác động xấu đến tầng ozon.

    Mới đây nhất, Bộ Tài chính tiếp tục đưa ra dự thảo trình Chính phủ dự án Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường (BVMT). Trong đó, Bộ Tài chính đề xuất tăng mức thuế  BVMT đối với xăng từ 3.000 đồng/lít lên mức trần 4.000 đồng/lít; dầu diesel tăng từ 1.500 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít; dầu mazut, dầu nhờn tăng từ 900 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít; mỡ nhờn tăng từ 900 đồng/kg lên mức trần 2.000 đồng/kg từ ngày 1/7/2018.

    Đại diện Bộ Tài chính cho biết, Việt Nam đang thực hiện các FTA và thuế nhập khẩu đang giảm rất nhanh. Nguồn thu từ thuế BVMT với xăng dầu là 1 nguồn để bù đắp lại nguồn thu ngân sách.

    ... thiếu thuyêt phục

    Nhiều ý kiến của người dân lẫn doanh nghiệp, chuyên gia đều cho rằng những lý do mà Bộ Tài chính đưa ra là không hợp lý. Bởi lẽ, hiện nay chi phí vận chuyển tại Việt Nam cao nhất khu vực ASEAN, thậm chí cao hơn nhiều nước trên thế giới. Thế nên nếu tiếp tục tăng thuế BVMT sẽ khiến giá xăng tăng, đồng nghĩa với chi phí của doanh nghiệp tiếp tục bị đội lên. Mặc dù người nghèo không phải là đối tượng chính sách bị thu thuế nhưng lại là đối tượng chịu ảnh hưởng lớn.

    Chúng ta không thể vì thất thu thuế từ thực hiện các hiệp định thương mại mà tìm cách tăng thu thuế nội địa, tăng mọi loại thuế trong nước vốn đã phải chịu quá nhiều thuế, phí. Hiện một lít xăng đang phải gánh trên mình hàng chục loại thuế, phí như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế BVMT, chi phí định mức, lợi nhuận định mức, chi quỹ bình ổn. So với các mặt hàng khác, thuế BVMT với xăng, dầu vẫn chiếm đa số trong tổng thu ngân sách từ thuế bảo vệ môi trường (khoảng 93%).

    Gánh nặng thuế, phí nếu tăng thuế BVMT với xăng lên 8.000 đồng (Ảnh: VnExpress)

    Tiến sĩ Bùi Trinh (chuyên gia kinh tế) cho rằng, đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng dầu lên kịch khung là điều vô tình và vô lý. Theo TS Bùi Trinh, người dân vô tình sẽ phải "cõng" trên lưng rất nhiều loại thuế gián tiếp sắp sửa tăng đều.

    TS Bùi Trinh cũng đặt ra thắc mắc: “Kinh tế Việt Nam năm 2017 được báo cáo là các chỉ số tăng trưởng kỳ tích, năm kinh tế thắng lợi, vậy thì lẽ ra người dân phải được hưởng lợi hơn chứ sao phải phải chịu thêm gánh nặng về thuế. Đây là nghịch lý cần phải giải quyết?".

    Nhiều chuyên gia cho rằng kiến nghị này là vô lý. (Ảnh minh họa)

    Đồng quan điểm, Tiến sĩ Ngô Trí Long - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng: “Trong bối cảnh mỗi lít xăng đang phải “cõng” nhiều loại thuế phí thì việc tăng thuế bảo vệ môi trường lên mức kịch khung để tăng thu ngân sách là điều không hợp lý.

    Lý giải khi đề xuất tăng thuế của Bộ Tài chính là do thuế nhập khẩu xăng dầu giảm và giá xăng dầu của Việt Nam thấp hơn các nước trong khu vực là thiếu thuyết phục. Vấn đề khiến người dân bức xúc hiện nay là lợi ích doanh nghiệp, người tiêu dùng và nhà nước chưa hợp lý, đặc biệt thuế bảo vệ môi trường”.

    Hiệu ứng tiêu cực lên giá cước vận tải

    Trước thông tin về kiến nghị tăng thuế BVMT đối với mặt hàng xăng dầu, nhiều doanh nghiệp vận tải tỏ ra lo lắng. Ông Đỗ Anh Bằng - Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát cho biết, hiện chi cho nhiên liệu của doanh nghiệp chiếm khoảng 40% chi phí hàng ngày.

    “Mỗi ngày, chúng tôi tiêu thụ khoảng 3.000 lít xăng dầu. Nếu giá dầu tăng theo thuế bảo vệ môi trường, mỗi ngày chúng tôi có thể mất thêm khoảng 3 triệu đồng, mỗi tháng khoảng 100 triệu đồng", ông Bằng chia sẻ.

    Nhiều doanh nghiệp vận tải nhận định người dân sẽ chịu thiệt nếu tăng thuế BVMT đối với mặt hàng xăng dầu. (Ảnh minh họa)

    Đồng quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội Nguyễn Công Hùng khẳng định, tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu sẽ gây ra một chuỗi hiệu ứng tiêu cực đối với xã hội. Việc xăng tăng, giá cước taxi tăng và người dân sẽ là người phải chi trả cho khoản tăng đó.

    Chưa dừng lại, nhiều chuyên gia nhận định không nên xem việc tăng 500 - 1.000 đồng tiền thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu là nhỏ; nó có thể tạo nên cả một dây chuyền phản ứng tiêu cực đối với nền kinh tế và an sinh xã hội.

    Hoàng Giang (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tang-thue-moi-truong-voi-xang-nguoi-dan-se-phai-cong-gia-a221038.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan