+Aa-
    Zalo

    Thái Nguyên: Sau thời gian dài "đắp chiếu" dù thu cả trăm tỷ tiền đấu giá, chủ đầu tư cam kết đẩy nhanh tiến độ dự án

    (ĐS&PL) - Lý giải về nguyên nhân dự án rơi vào cảnh “đắp chiếu” trong thời gian vừa qua, ông Tô Xuân Mạnh, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Thái Nguyên (Chủ đầu tư) cho biết, do cơ chế, chính sách thay đổi nên việc giải ngân nguồn vốn thực hiện dự án gặp vướng mắc nên phải tạm dừng thi công từ tháng 4/2023 đến nay. Hiện vướng mắc đã được tháo gỡ, Chủ đầu tư cam kết chỉ đạo đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm hoàn thành dự án.

    Ngày 5/7, Tạp chí ĐS&PL đăng tải bài viết Thái Nguyên: Nhiều hộ dân “ngồi trên đống lửa” vì dự án chậm tiến độ phản ánh về tình trạng Chủ đầu tư Dự án Khu đô thị số 5, thị trấn Hương Sơn, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên là Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Thái Nguyên (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên) “bỏ mặc” hạ tầng, chậm bàn giao mặt bằng khiến các hộ dân bức xúc.

    Theo Quyết định phê duyệt của UBND huyện Phú Bình, dự án có tổng diện tích quy hoạch là 6,6 ha. Ngày 3/6/2022, Dự án được đưa ra đấu giá. Đơn vị tổ chức đấu giá là Công ty đấu giá hợp danh Việt Bắc. Dự án được khởi công ngày 22/3/2021, dự kiến hoàn thành 15/6/2022.

    Đến nay, đã hơn 1 năm trôi qua, hạ tầng dự án vẫn giữ nguyên trạng như thời điểm đưa ra đấu giá. Việc thiếu đường giao thông, các công trình phụ trợ, điện, nước khiến người dân không thể xây dựng nhà cửa, phát triển kinh tế.

    tempimaget11hjz
    Bà Nguyễn Thị Kiều, tổ 4, thị trấn Hương Sơn, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên chi sẻ với PV

    Trao đổi với PV ĐS&PL, các hộ dân đã trúng đấu giá ở đây cho biết người dân đã nhiều lần liên hệ với Chủ đầu tư để hỏ về tiến độ của dự án cũng như nguyên nhân dừng thi công nhưng chủ đầu tư đều “làm ngơ”.

    “Nếu Chủ đầu tư có câu trả lời thích đáng về tiến độ dự án thì người dân chúng tôi sẵn sàng chia sẻ khó khăn cùng Chủ đầu tư. Thế nhưng đằng này Chủ đầu tư lại không có bất kỳ ý kiến phản hồi cho người dân khiến chúng tôi vô cùng bức xúc”, bà Nguyễn Thị Kiều, tổ 4, thị trấn Hương Sơn, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên bức xúc nói.

    Trao đổi với PV về vấn đề này, ông Tô Xuân Mạnh, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Thái Nguyên (Chủ đầu tư dự án) cho biết, đơn vị đã có báo cáo gửi UBND tỉnh về tình hình triển khai và những khó khăn, vướng mắc của dự án để kịp thời có giải pháp tháo gỡ.

    Theo báo cáo của chủ đầu tư, Dự án KĐT số 5 được khởi công xây dựng từ tháng 3/2021. Đến tháng 6/2022, Chủ đầu tư tổ chức đấu giá quyền sử dụng đối với 130 lô đất tại các vị trí đã cơ bản có hạ tầng của dự án. Kết quả có 87 lô đất đã được các cá nhân trúng đấu giá và nộp đầy đủ tiền sử dụng đất vào ngân sách Nhà nước, với tổng số tiền gần 125 tỷ đồng. Hiện nay, dự án còn 110 lô đất chưa đấu giá quyền sử dụng.

    Về tiến độ triển khai dự án, ông Mạnh cho biết nhà thầu đã thi công đạt khoảng 60% khối lượng. Tuy nhiên, do gặp những khó khăn, vướng mắc liên quan đến nguồn vốn và mặt bằng nên dự án phải tạm dừng thi công từ tháng 4/2023 đến nay.

    a1
    Công nhân thi công Dự án Khu đô thị số 5, thị trấn Hương Sơn

    “Do cơ chế, chính sách thay đổi nên việc giải ngân nguồn vốn thực hiện dự án gặp vướng mắc. Cụ thể, theo quy định tại thời điểm dự án được phê duyệt (năm 2018), sau khi tiến hành đấu giá quyền sử dụng đất, chủ đầu tư sẽ dùng số tiền thu được để chi trả cho nhà thầu và trả gốc, lãi đối với đơn vị cho vay, còn lại nộp vào ngân sách Nhà nước.

    Tuy nhiên, đến khi dự án được đấu giá quyền sử dụng đất thì cơ chế, chính sách có sự thay đổi. Lúc này, đối với toàn bộ số tiền gần 125 tỷ đồng thu được từ đấu giá quyền sử dụng 87 lô đất của dự án, Chủ đầu tư phải nộp vào ngân sách Nhà nước. Trong khi đó, Dự án KĐT số 5 được phê duyệt là dự án đầu tư ngoài ngân sách (không có cơ cấu nguồn vốn ngân sách Nhà nước) nên tiền đấu giá quyền sử dụng đất đã nộp vào ngân sách không thể quay đầu để hoàn thiện dự án”, ông Mạnh lý giải.

    Mặt khác, khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng cũng là nguyên nhân quan trọng khiến cho dự án bị chậm tiến độ. Hiện nay, diện tích giải phóng mặt bằng thực hiện dự án đạt khoảng 95%, vẫn còn 12 hộ dân chưa đồng ý nhận tiền bồi thường nên Chủ đầu tư chưa thể bàn giao mặt bằng sạch cho đơn vị thi công.

    Để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tại Dự án KĐT số 5, UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành liên quan phối hợp với Chủ đầu tư nghiên cứu tìm giải pháp. Sau nhiều cuộc làm việc, mới đây, các sở, ngành đã thống nhất tham mưu trình UBND tỉnh phương án xử lý theo hướng điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn (bổ sung nguồn vốn ngân sách tỉnh) và gia hạn thời gian thực hiện dự án.

    Ngày 16/7 vừa qua, nhà thầu là Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại Minh Dũng đã đưa máy móc, nhân công quay trở lại thi công để sớm hoàn thành dự án, đáp ứng mong mỏi của người dân.

    “Thời gian tới, Chủ đầu tư sẽ yêu cầu nhà thầu tập trung thi công hoàn thiện các hạng mục còn lại của dự án như trạm biến áp điện, trạm xử lý nước thải và hạ tầng cấp thoát nước…, đảm bảo hạ tầng thiết yếu để người dân có thể chuyển đến đây sinh sống”, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh.

    Có thể khởi kiện đòi quyền lợi của nhà đầu tư

    ls kien
    Luật sư Phạm Hồng Kiên – Giám đốc công ty Luật Cán Cân Việt, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội

    Trao đổi về vấn đề này, luật sư Phạm Hồng Kiên – Giám đốc công ty Luật Cán Cân Việt, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho biết, theo Điều 58, Điều 22 Luật Kinh doanh bất động sản 2014, chủ đầu tư có nghĩa vụ cung cấp thông tin về tiến độ đầu tư xây dựng, việc sử dụng tiền ứng trước và tạo điều kiện để bên mua, bên thuê mua kiểm tra thực tế tại công trình.

    Giao nhà, công trình xây dựng cho bên mua theo đúng thời hạn, chất lượng và các điều kiện khác đã thỏa thuận trong hợp đồng; giao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và hồ sơ có liên quan theo thỏa thuận trong hợp đồng. Bồi thường thiệt hại do lỗi của mình gây ra.

    Bên chậm bàn giao phải bồi thường toàn bộ thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ hợp đồng gây ra theo thỏa thuận trong hợp đồng. Thiệt hại được xác định bao gồm cả thiệt hại vật chất và thiệt hại tinh thần theo quy định tại Điều 360, Điều 361, Điều 419 Bộ luật Dân sự 2015.

    Bên chậm bàn giao nhà đất còn phải chịu chế tài phạt vi phạm theo hợp đồng đã ký kết. Mức phạt vi phạm do các bên thỏa thuận trong Hợp đồng theo Điều 418 BLDS 2015. Ngoài ra, chủ đầu tư còn phải chịu khoản tiền phạt theo quy định tại Nghị định 139/2017/NĐ-CP.

    “Trong trường hợp chủ đầu tư từ chối hoặc không giải quyết yêu cầu bồi thường thì người dân có thể khởi kiện lên tòa án cấp có thẩm quyền để yêu cầu giải quyết”, luật sư Kiên nhấn mạnh.

    Nguyễn Lâm

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thai-nguyen-sau-thoi-gian-dai-dap-chieu-du-thu-ca-tram-ty-tien-dau-gia-chu-dau-tu-cam-ket-day-nhanh-tien-do-du-an-a584261.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan