+Aa-
    Zalo

    Thay đổi mã vùng điện thoại cố định: "Không thể chậm trễ hơn"

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) – Việc thay đổi mã vùng điện thoại cố định là cần thiết và "không thể chậm trễ hơn nữa", đại diện Cục Viễn thông khẳng định.

    (ĐSPL) – Việc thay đổi mã vùng điện thoại cố định là cần thiết và "không thể chậm trễ hơn nữa", vì càng triển khai chậm thì mức độ ảnh hưởng sẽ càng lớn, đại diện Cục Viễn thông khẳng định.

    Ảnh minh họa.

    Theo quy hoạch kho số viễn thông do Bộ Thông tin & Truyền thông (Bộ TT&TT) ban hành, việc thay đổi mã vùng số điện thoại cố định trên 59/63 tỉnh, thành trên cả nước sẽ có hiệu lực từ ngày 1/3/2015.

    Tuy nhiên, được dẫn lời trên báo Người lao động, đại diện Cục Viễn thông của Bộ TT&TT cho biết, ngày 1/3 tới là thời điểm mà Thông tư 22 quy hoạch kho số viễn thông có hiệu lực. Tuy nhiên, sau thời điểm đó, Cục Viễn thông mới làm việc với các doanh nghiệp viễn thông về việc chuyển đổi mã vùng cố định…

    Trên cơ sở đó, Cục Viễn thông mới xây dựng kế hoạch và trình Bộ trưởng phê duyệt, tổ chức triển khai thực hiện. Thời điểm bắt đầu triển khai chuyển đổi mã vùng hiện trên thực tế vẫn chưa được ấn định. Sau khi thống nhất được thời điểm này, Cục Viễn thông và các doanh nghiệp sẽ công bố trên các phương tiện truyền thông đại chúng trước 60 ngày để người dân kịp chuẩn bị cho việc chuyển đổi.

    Và việc chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định sẽ không áp dụng đồng loạt cho 59 tỉnh, thành mà thực hiện theo lộ trình.

    Dự kiến, lộ trình triển khai như sau: Đầu tiên là chuyển mã vùng điện thoại cố định. Khi các mã vùng được thay đổi xong sẽ tiến tới chuyển đầu số di động, từ thuê bao 11 số chuyển thành 10 số.

    Kế hoạch triển khai sẽ chia thành nhiều giai đoạn nhỏ, mỗi giai đoạn kéo dài khoảng 3-6 tháng, áp dụng cho một số tỉnh, thành gần nhau về mặt địa lý.

    Khi được hỏi về lý do tại sao phải thay đổi mã vùng điện thoại cố định, ông Trần Mạnh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ TT&TT cho biết trên báo Đại Đoàn kết: Việt Nam cũng như các nước khác trên thế giới, mạng viễn thông cố định ra đời trước, sau đó mới có mạng di động.

    Bởi vậy, đầu số cho di động không ai tính đến mà chỉ tính tới đầu mã sử dụng cho mã vùng mạng cố định, vì vậy đã sử dụng gần hết kho số. Sau này, mạng di động ra đời, kho số còn lại bị hạn chế nên đầu mã dùng cho mạng di động ít.

    Thêm vào đó, tại Việt Nam lại có quá trình tách, nhập các tỉnh thành cho nên đầu mã cố định không như lúc ban đầu, độ dài của mã vùng các tỉnh khác nhau (có tỉnh mã cố định có độ dài 2, hoặc 3 chữ số).

    Thời gian vừa qua, sự bùng nổ của mạng di động đã nảy sinh vấn đề thiếu đầu mã dành cho loại hình này. Trong khi đó, người sử dụng, số điện thoại cố định lại liên tục sụt giảm, kho số cố định ngày càng dôi dư ra nên cần có sự xem xét quy hoạch lại.

    Hơn nữa, cùng với sự phát triển mới của khoa học công nghệ nên không dừng lại ở thuê bao giữa người với người mà còn giao diện giữa máy với máy nên phải có cả tài nguyên dành sẵn cho loại hình mới này nữa nên sẽ thiếu đầu số cho cả điện thoại di động lẫn các loại hình dịch vụ mới.

    Vì vậy, phải mở rộng kho số cho di động và các loại hình dịch vụ khác. Mở rộng có hai cách hoặc là thu hẹp đầu số cố định, bổ sung đầu mã cho di động hoặc kéo dài số thuê bao cho di động.

    Bộ TT&TT cũng nhấn mạnh rằng, quy hoạch kho số mới được ban hành sau khi đã xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng thông lệ quốc tế và tình hình thực tế tại Việt nam, nhằm đảm bảo quy hoạch được sử dụng lâu dài, kho số được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, công bằng, minh bạch, thúc đẩy thị trường phát triển bền vững.

    Mặt khác, quy hoạch cũng nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng không tích cực có thể phát sinh đối với doanh nghiệp và người dùng, hạn chế tối đa việc sử dụng các mã, số không đúng mục đích làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và an toàn xã hội.

    Do đó, đại diện Cục Viễn thông khẳng định, việc ban hành quy hoạch mới là cần thiết và "không thể chậm trễ hơn nữa", vì càng triển khai chậm thì mức độ ảnh hưởng sẽ càng lớn, tin tức trên báo Vietnamnet cho hay.

    Theo Thông tư 22/2014/TT-BTTTT Quy hoạch kho số viễn thông do Bộ Thông tin và Truyền thông vừa ban hành, mã vùng điện thoại cố định các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ thay đổi.

    Cụ thể: Thành phố Hà Nội đổi từ 4 thành 24; Thành phố Hồ Chí Minh đổi từ 8 thành 28; Thành phố Đà Nẵng đổi từ 511 thành 236; Thành phố Hải Phòng đổi từ 31 thành 225; Thành phố Cần Thơ đổi từ 710 thành 292; Thừa Thiên – Huế từ 54 thành 234; Quảng Ninh từ 33 thành 203; Thanh Hóa từ 37 thành 237; Khánh Hòa từ 58 thành 258; Lâm Đồng từ 63 thành 263; Cao Bằng từ 26 thành 206; Cà Mau từ 780 thành 290…

    Bốn địa phương có mã vùng không đổi là Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình và Hà Giang, vẫn giữ nguyên mã vùng lần lượt là 210, 211, 218 và 219.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thay-doi-ma-vung-dien-thoai-co-dinh-khong-the-cham-tre-hon-a78648.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan