+Aa-
    Zalo

    Thầy giáo tí hon và nghị lực sống phi thường

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Năm lên 6 tuổi, anh Vũ Phong Kỳ bị những cơn đau nhức xương khớp hành hạ liên miên. Theo thời gian, chân tay không phát triển, sau vài lần gãy xương, anh buộc phải ngồi xe lăn. Không đầu hàng trước số phận, bằng nghị lực và tài năng của mình, anh đã khiến nhiều người phải ngả mũ thán phục.

    Đến với Trung tâm Nghị lực sống nằm trên đường Hoàng Liệt, Quận Hoàng Mai (Hà Nội) vào dịp cuối năm, không khó để chúng tôi nhận ra anh Vũ Phong Kỳ. Với dáng người nhỏ bé, anh Kỳ ngồi lọt thỏm trong chiếc xe lăn, đang ân cần, chỉ dạy cho từng học viên về những kĩ thuật chỉnh sửa ảnh trong môn đồ hoạ.

    thay ky dspl

    Chia sẻ với PV Đời sống và Pháp luật, anh Kỳ bồi hồi chia sẻ: “Tôi học hết lớp 9, sau đó nghỉ học một quãng thời gian dài. Trải qua nhiều biến cố, đặc biệt là khó khăn trong quá khứ, nó như một nốt trầm của cuộc đời tôi”.

    Với một cơ thể không được lành lặn, buộc phải nghỉ học sớm dẫn đến tự ti, việc mất phương hướng đối với chàng trai ở độ tuổi đôi mươi là điều không thể tránh khỏi. “Cái sự phân biệt hoặc kì thị thì ở đâu cũng có, đặc biệt là ở những vùng quê. Khi tôi cùng chiếc xe lăn đi ra ngoài, có rất nhiều ánh mắt đi theo, để ý, bàn tán, nhiều khi không phải mọi người ghét tôi mà đơn giản chỉ là tò mò và nhìn với ánh mắt lạ lẫm”, anh tâm sự.

    thay ky dspl4
    Anh Vũ Phong Kỳ hiện đang giảng dạy tại Trung tâm Nghị lực sống.

    Đến năm 2014, anh Kỳ may mắn được một người quen giới thiệu tới Trung tâm Nghị lực sống để theo học khóa học về công nghệ thông tin. Chỉ sau 2 tháng, anh đã đỗ kỳ thi tuyển của một công ty nước ngoài và trở thành nhân viên đồ hoạ, chỉnh ảnh.

    thay ky dspl2
    Các học viên chăm chú theo dõi bài giảng về đồ họa của anh Kỳ.

    Với anh Kỳ, niềm vui trong cuộc sống là hàng ngày được đi làm trên con đường quen thuộc, là trao đi kiến thức và nghị lực sống tới mọi người xung quanh. Sau gần 5 năm làm việc tại hai công ty lớn, năm 2019, anh Kỳ được bà Nguyễn Thị Vân, Giám đốc Trung tâm Nghị lực sống mời về làm giáo viên.

    “Tôi chưa bao giờ xưng mình là thầy, tôi chỉ muốn bản thân là người chia sẻ. Vì ở ngoài kia còn có rất nhiều người tốt và giỏi hơn tôi. Tôi rất thích từ là thấu cảm, bởi ngoài việc dạy kiến thức thông thường thì mỗi giáo viên như chúng tôi ở trung tâm phải đặt bản thân vào hoàn cảnh của các học viên, vì nơi này có rất nhiều bạn khuyết tật, tình trạng bệnh, vùng miền khác nhau nên việc thấu hiểu và thông cảm đặc biệt rất quan trọng”, anh Kỳ tâm sự.

    thay ky dspl1
    Với anh Kỳ, niềm vui trong cuộc sống là hàng ngày được đi làm trên con đường quen thuộc, là trao đi kiến thức và nghị lực sống tới mọi người xung quanh.

    Chia sẻ với PV Đời sống và Pháp Luật, chị Lê Thị Huyền (phụ huynh học viên) cho biết: “Con tôi học ở đây từ năm 2019, tôi rất biết ơn và nhớ về trung tâm. Cứ đến dịp 20/11 hàng năm, tôi đều dẫn con tới tri ân thầy Kỳ và các thầy cô ở nơi đây".

    Có những người khi sinh ra hoặc lớn lên cơ thể không may bị khuyết tật. Tuy nhiên, họ không chịu đầu hàng số phận, từ bi thương vươn lên thành những con người có ích cho xã hội. Trong đó, anh Vũ Phong Kỳ là một tấm gương điển hình. Bằng nghị lực và tài năng của mình, anh đã khiến nhiều người phải ngả mũ thán phục.

    Nông Thảo Ly

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thay-giao-ti-hon-va-nghi-luc-song-phi-thuong-a560453.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan