“Điều tra” Chu Vĩnh Khang: Một quyết định “đầy mạo hiểm”


Thứ 6, 01/08/2014 | 22:59


Cùng sự kiện

(ĐSPL) - Theo giới phân tích, quyết định “điều tra” Chu Vĩnh Khang là một quyết định “đầy mạo hiểm”, nhằm thúc đẩy cải cách và loại bỏ những thế lực cản đường.

(ĐSPL) - Theo giới phân tích, quyết định “điều tra” Chu Vĩnh Khang là một quyết định “đầy mạo hiểm”, nhằm thúc đẩy cải cách và loại bỏ những thế lực cản đường.
 - “Điều tra” Chu Vĩnh Khang: Một quyết định “đầy mạo hiểm”

Cựu trùm an ninh Chu Vĩnh Khang nắm trong tay rất nhiều thông tin nội bộ

Hiện chưa rõ khi nào ông Chu Vĩnh Khang đối mặt với các án phạt, nhưng giới phân tích cho rằng chắc chắn ông sẽ bị khai trừ khỏi đảng, sau đó  sẽ đối mặt với các cáo trạng hình sự. Việc này có thể mất nhiều tháng, nếu không nói là lâu hơn. Sẽ có một phiên tòa xét xử vụ này, nhưng rất có thể Chu Vĩnh Khang có thể sẽ lĩnh án nhẹ hơn, xét về thế lực và ảnh hưởng của ông trước đây.
Ông Chu Vĩnh Khang là đồng minh thân cận của “ngôi sao đang lên một thời” Bạc Hy Lai, người đã bị tuyên án tù chung thân năm ngoái. Vốn là một thành viên của Thường vụ Bộ Chính trị, quyết định điều tra ông Chu Vĩnh Khang mang tính biểu tượng rất cao.
Chu Vĩnh Khang bị cáo buộc “vi phạm kỷ luật đảng nghiêm trọng”. Việc điều tra ông Chu đã phá vỡ điều kiêng kỵ “bất thành văn” là các cựu Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCS Trung Quốc không bao giờ bị truy tố.
Quyết định “đánh hổ” mang nhiều thông điệp
Quyết định “điều tra” Chu Vĩnh Khang mang nhiều ý nghĩa đang thu hút sự chú ý đặc biệt của công luận ở Trung Quốc cũng như giới quan sát chính trị quốc tế. Theo RFI, đây là một quyết định lớn và chưa từng có ở Trung Quốc.
Ông Chu Vĩnh Khang là cựu Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, cựu Trưởng Ban Chính pháp Trung ương - cơ quan nắm toàn bộ an ninh nội chính và hệ thống tư pháp của chế độ - nắm giữ rất nhiều thông tin nội bộ và đầy quyền thế từ năm 2002 đến 2012.
Trong một bài xã luận, nhật báo China Daily viết: “Cho đến tận chiều tối Thứ Ba (29/7), rất nhiều người còn nghi ngại rằng ông Tập và các cộng sự chưa chắc đã sẵn sàng đưa ra một quyết định chính trị mạo hiểm đến như vậy”.
Đây là lần đầu tiên một cựu Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị bị lôi ra điều tra vì tham nhũng. Vì thế, cú ngã ngựa, sau khi đã rút khỏi chính trường của Chu Vĩnh Khang, lần này mang nhiều ý nghĩa dưới mắt của giới quan sát chính trị Trung Quốc.
Ông Lâm Lập Hòa (Willy Lam), chuyên gia chính trị Trung Quốc tại Đại học Hong Kong nhận định: “Quyền lực của Tập Cận Bình đang được thiết lập vững vàng, vững tới mức mà ông ta có thể phá vỡ điều kiêng kỵ trong đảng, một thứ luật bất thành văn là không bao giờ động đến các cựu Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị”.
Không ít nhà phân tích cho rằng đòn “đánh hổ” này của ông Tập là nhằm thanh lọc bè cánh để trở thành một nhân vật quyền uy nhất ở Trung Quốc.
Bà Marie Holzman, chuyên gia Pháp về Trung Quốc đương đại nhận định: “Người ta có cảm giác là Tập Cận Bình đang làm cuộc dọn dẹp lớn đối với tất cả các phe nhóm không theo ông. Nếu (…) Tập Cận Bình muốn bằng mọi giá thâu tóm quyền lực, thì rõ ràng ông ta phải loại bỏ Chu Vĩnh Khang. Đây là điều rất quan trọng”.
Bài học cho những ai cản đường Tập Cận Bình
Nhật báo Le Monde nhận định vụ “điều tra” ông trùm an ninh Chu Vĩnh Khang là một thành công cá nhân của Chủ tịch Tập Cận Bình, một bài học cho những ai tìm cách cản đường lãnh đạo tối cao của Trung Quốc.
Còn báo Le Figaro viết khi triệt hạ cựu lãnh đạo ngành an ninh Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình đang phô trương quyền lực của mình và khẳng định, quyền lực từ nay không bị phân tán, mà tập trung trong tay ông.
Ông Chu lên nắm chức lãnh đạo ngành an ninh với sự tiến cử của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tiền nhiệm Giang Trạch Dân. Đây là một chức vụ quan trọng, do ông Chu nắm trong tay các nguồn thông tin, các phương tiện trấn áp và chính điều đó đã trở thành mối đe dọa đối với Chủ tịch Tập Cận Bình. Tình hình càng nghiêm trọng hơn khi ông Chu Vĩnh Khang lại thân cận với ông Bạc Hy Lai, “hoàng tử đỏ”  đã bị hạ bệ và lĩnh án chung thân vì tội tham nhũng trong năm ngoái.
“Điều tra” Chu Vĩnh Khang: Một quyết định “đầy mạo hiểm”

Chu Vĩnh Khang thân cận với cựu Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai, người đã bị hạ bệ và lĩnh án chung thân vì tội tham nhũng trong năm ngoái.

Chu Vĩnh Khang vốn là ông chủ ngành công nghiệp dầu hỏa. Vụ triệt hạ ông Chu đưa ra một thông điệp cảnh cáo với các nhóm lợi ích rằng ngành công nghiệp này vẫn phải nằm dưới sự quản lý của nhà nước. Ông Chu Vĩnh Khang có quyền lực bao trùm, nhưng không lại phải là “hoàng tử đỏ”.
Le Figaro phân tích chiến dịch diệt trừ “cả ruồi lẫn hổ” của Chủ tịch Tập Cận Bình là một công cụ để lấy lòng dân, đồng thời làm suy yếu đối thủ tiềm tàng. Tuy nhiên, vụ hạ bệ ông Chu chỉ là một đòn cảnh cáo.
Cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn
Đài Tiếng nói nước Nga dẫn lời nhà phân tích Andrei Karneev, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Châu Á và Châu Phi thuộc Đại học Tổng hợp Quốc gia Mátxcơva cho rằng cuộc chiến chống tham nhũng ở Trung Quốc “vẫn còn tiếp diễn” sau vụ Chu Vĩnh Khang.
Theo nhà phân tích Karneev, đáng chú ý là ngày 29/7 cũng là ngày công bố việc triệu tập Hội nghị toàn thể lần thứ 4 BCH Trung ương ĐCS Trung Quốc khóa 18 vào tháng 10 năm nay. Hội nghị sẽ tập trung vào vấn đề của "quản lý đất nước trên cơ sở pháp luật". Nhiều khả năng là trước thềm hội nghị, Chu Vĩnh Khang sẽ bị khai trừ Đảng và chuyển cho cơ quan thực thi pháp luật xử lý. Điều đó sẽ là một chỉ báo quan trọng rằng ông Tập Cận Bình quả thực sẵn sàng từ bỏ những "quy tắc bất thành văn" của  quá khứ để diệt trừ tham nhũng và xây dựng một chính phủ trong sạch.
Chu Vĩnh Khang bị nghi không chỉ đơn giản là vi phạm kỷ luật, mà còn là "có sai phạm nghiêm trọng". Những ngôn từ tương tự từng được sử dụng vào thời điểm xảy ra vụ việc của cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai. Về mức độ nghiêm trọng, vụ lạm dụng quyền lực của Chu Vĩnh Khang chắc hẳn chẳng kém gì họ Bạc. Hơn thế nữa, ông ta sẽ là quan chức đảng cao cấp nhất trong lịch sử CHND Trung Hoa bị buộc tội tham nhũng.
Ông Tập Cận Bình có vẻ đã rất mạo hiểm, khi bắt đầu cuộc điều tra Chu Vĩnh Khang. Chính vì vậy, người ta đã tiến hành thu thập bằng chứng suốt một thời gian dài và rất kỹ lưỡng.
Nhà kinh tế học Trung Quốc Hồ Tinh Đẩu nhận định: “Vụ điều tra ông Chu Vĩnh Khang là một phần của cuộc đấu tranh chính trị nhưng có phần chắc nó không được dùng chỉ để khoa trương một chiến dịch chống tham nhũng. Tôi mong chờ chiến dịch chống tham nhũng này sẽ tiếp tục và tiếp theo sẽ là các quan chức cấp cao hơn”.

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dieu-tra-chu-vinh-khang-mot-quyet-dinh-day-mao-hiem-a43942.html