Trung Quốc “đắc lợi” từ khủng hoảng Ukraina


Thứ 5, 22/05/2014 | 06:00


Cùng sự kiện

Trong bối cảnh Nga đang tìm cách hướng Đông nhằm làm giảm áp lực của phương Tây liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraina, Trung Quốc có thể hưởng lợi lớn.

Trong bối cảnh Nga đang tìm cách hướng Đông nhằm làm giảm áp lực của phương Tây liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraina, Trung Quốc có thể hưởng lợi lớn.
Ian Bremmer, chuyên gia phân tích địa chính trị của "Eurasia Group", cho rằng: "Trung Quốc là bên thắng lớn từ cuộc khủng hoảng Ukraine. Matxcơva  đang tăng cường hợp tác với Bắc Kinh. Tôi không chỉ nói về việc Trung Quốc và Nga đang lờ đi các lệnh trừng phạt của phương Tây, mà thực sự hai nước này đang tận dụng lợi thế của họ".
Trung Quốc “đắc lợi” từ khủng hoảng Ukraina
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Nga Putin.
Tin tức cho hay cuộc khủng hoảng Ukraina đã thuyết phục Matxcơva rằng Nga không thể dựa vào Tây Âu như là thị trường xuất khẩu chính khí đốt và nước này đã chuyển hướng sang Trung Quốc. Sau hàng thập kỷ thương lượng giữa Moskva và Bắc Kinh về một siêu hợp đồng khí đốt tự nhiên có thời hạn lâu dài, dường như cuối cùng Nga đã phải nhượng bộ một số điều khoản mà Trung Quốc lâu nay vẫn yêu cầu. Dự kiến trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của Tổng thống Nga Vladimir Putin đến Trung Quốc trong tuần này, hai bên sẽ kí kết thỏa thuận đó.
Trả lời phỏng vấn giới truyền thông Trung Quốc trước khi đến Thượng Hải, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng sự hợp tác giữa hai nước đã ở mức độ cao nhất từ trước tới nay. Năm 2013, thương mại song phương giữa hai nước đạt gần 90 tỷ USD, vượt xa so với dự kiến. Hai bên dự kiến tăng kim ngạch thương mại lên 100 tỷ USD vào năm 2015 và lên đến 200 tỷ USD vào năm 2020.
Bên cạnh đó, hai nước đã hợp tác thành công trong lĩnh vực năng lượng và đang tích cực thảo luận hướng tới thành lập một liên minh năng lượng chiến lược. Một dự án quy mô lớn trị giá hơn 60 tỷ USD đang được tiến hành để cung cấp dầu thô cho Trung Quốc thông qua các đường ống dẫn dầu Skovorodino - Mohe. Các thỏa thuận xuất khẩu khí đốt tự nhiên của Nga sang Trung Quốc sắp được hoàn thành. Nó sẽ giúp Nga đa dạng hóa các tuyến đường ống cấp khí đốt tự nhiên và đối tác Trung Quốc của có thể giảm bớt những mối quan tâm liên quan đến thâm hụt năng lượng và an ninh môi trường thông qua việc sử dụng nhiên liệu sạch.
Theo Tổng thống Nga Putin, hai bên đang làm việc tích cực để giảm sự phụ thuộc trong lĩnh vực thương mại song phương vào điều kiện thị trường bên ngoài. Nga và Trung Quốc đã lên danh sách các dự án hợp tác chung trong 40 lĩnh vực ưu tiên với tổng vốn đầu tư khoảng 20 tỷ USD. Những lĩnh vực này bao gồm ngành công nghiệp máy bay dân dụng. Một thỏa thuận đã đạt được về dự án thiết kế chung của một máy bay thân rộng tầm xa. Trong tương lai, Matxcơva và Bắc Kinh sẽ cùng phát triển một máy bay trực thăng hạng nặng, đồng thời hai bên cũng tăng cường hợp tác tài chính và tự bảo vệ từ những biến động tỷ giá hối đoái giữa các đồng tiền chủ chốt trên thế giới.
Một thỏa thuận ký vào tháng 3/2013 kêu gọi tập đoàn Gazprom của Nga cung cấp 38 tỷ m3 khí đốt trong vòng 30 năm, bắt đầu từ năm 2018, và được chuyển tới Trung Quốc thông qua một đường ống nối miền đông bắc Trung Quốc với một tuyến dẫn khí từ tây Siberia tới cảng Vladivostok của Nga ở bờ Thái Bình Dương.
Vasily Kashin, chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ tại Matxcơva nhận định, một thỏa thuận khí đốt nếu được ký sẽ có nghĩa rằng Trung Quốc sẽ là một “đồng minh trên thực tế với Nga” và đổi lại, Matxcơva có thể dỡ bỏ các hạn chế đối với đầu tư của Trung Quốc ở Nga và đối với các công nghệ quân sự xuất khẩu: “Trong một tương lai xa hơn, không thể loại trừ một liên minh quân sự đầy đủ giữa hai bên. Khi điều này đã đạt được thì cả Trung Quốc và Nga sẽ ít có nguy cơ bị tổn thương hơn trước bất cứ áp lực tiềm tàng nào của phương Tây, và dĩ nhiên, điều này sẽ tác động đến chính sách đối ngoại của cả hai nước".
Lực hấp dẫn về kinh tế từ Trung Quốc sẽ rất khó để Nga tiếp tục cưỡng lại và cuộc khủng hoảng ở Ukraine dường như đã tạo ra chất xúc tác cho sự tăng cường quan hệ giữa Moskva và Bắc Kinh. Các nhà phân tích cho rằng việc phương Tây gây sức ép có thể đẩy Nga tới mối quan hệ mạnh mẽ hơn với Trung Quốc, bao gồm cả các hợp đồng vũ khí công nghệ cao.

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/trung-quoc-dac-loi-tu-khung-hoang-ukraina-a33887.html