Tình hình Biển Đông: Công luận quốc tế ủng hộ Việt Nam


Thứ 4, 11/06/2014 | 02:00


Cùng sự kiện

(ĐSPL) – Theo đánh giá của một học giả Mỹ, đây chính là lợi thế của Việt Nam trong cuộc đấu tranh với Trung Quốc về chủ quyền biển, đảo trên Biển Đông.

(ĐSPL) – Theo đánh giá của một học giả Mỹ, đây chính là lợi thế của Việt Nam trong cuộc đấu tranh với Trung Quốc về chủ quyền biển, đảo trên Biển Đông.
Tin tức từ TTXVN cho hay, tiến sĩ Edward Miller, một giảng viên về lịch sử quan hệ đối ngoại của Mỹ và lịch sử Việt Nam tại trường Đại học Dartmouth (Mỹ) nhận định, trong việc đối phó với hành động hạ đặt giàn khoan dầu Hải Dương 981 trái phép của Trung Quốc trong vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, lợi thế của Việt Nam chính là sự ủng hộ của công luận quốc tế.
"Trong lĩnh vực công luận quốc tế, tôi cho rằng cảm tình đang thiên về phía Việt Nam. Nhiều người nhìn vào các hành động của Trung Quốc, không chỉ tại Biển Đông mà còn tại Biển Hoa Đông, và họ nhận thấy rằng, Bắc Kinh đang theo đuổi mô hình bành trướng trên biển. Đây là điều khiến nhiều người rất trong cộng đồng quốc tế nghi ngờ Trung Quốc. Đó là lợi thế của Việt Nam trong việc huy động sự ủng hộ của quốc tế đối với cuộc khủng hoảng hiện nay", ông Edward Miller nói.
Theo tiến sỹ Edward Miller, Việt Nam cần tập trung hơn nữa vào sự ủng hộ của công luận quốc tế, đồng thời Hà Nội cũng có thể sử dụng các thể chế pháp lý quốc tế. 
 - Tình hình Biển Đông: Công luận quốc tế ủng hộ Việt Nam

Tàu Trung Quốc dùng vòi rồng tấn công vào tàu thực thi pháp luật của Việt Nam

Hành vi ngang ngược của Trung Quốc, từ việc hạ đặt trái phép cho tới tấn công tàu Việt Nam, trên Biển Đông tiếp tục bị thế giới lên án. Theo thông tin từ VTV, ngày 10/6, dư luận thế giới tiếp tục lên tiếng phản đối hành động của Bắc Kinh hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam, vi phạm chủ quyền của Việt Nam.
“Quan điểm của tôi là hành động của Trung Quốc đã vi phạm những nguyên tắc đã được thừa nhận chung  của cộng đồng quốc tế. Điều đó cũng là một dấu hiệu thể hiện chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc”, cựu Thượng nghị sĩ Tom Hayden, giám đốc Trung tâm tư liệu Hòa bình và Công lý bang California (Mỹ) nêu quan điểm.
Việc Trung Quốc quyết định kéo giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là một hành động thách thức chủ quyền đối với Việt Nam”, ý kiến của ông Jonathan London, Đại học thành thị Hong Kong.
Ngoài chỉ trích Trung Quốc, dư luận quốc tế đã lên tiếng bênh vực và ca ngợi Việt Nam.
“Người dân Philippines khâm phục lập trường của người dân Việt Nam trong việc bảo vệ những gì thuộc về họ. Các bạn có một truyền thống khiến chúng tôi phải kính nể. Tôi nghĩ người dân Việt Nam sẽ luôn đồng lòng vì các bạn có những nhà lãnh đạo tốt” , nhà báo Philippines Antonio Araneta chia sẻ ý kiến.
Thông tin trên báo Vietnamnet cho biết, ngày 10/6, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Russel kêu gọi Bắc Kinh rút giàn khoan dầu Hải Dương 981 - tâm điểm cuộc khủng hoảng hiện tại trên biển. Ông Russel cho rằng các bên cần làm dịu căng thẳng, thể hiện sự kiềm chế và đảm bảo sự an toàn cho ngư dân và tàu bè hoạt động ở Biển Đông.
"Tôi nhấn mạnh trong các cuộc gặp, quan điểm của chúng tôi là các bên cần làm dịu căng thẳng, thể hiện sự kiềm chế và đảm bảo sự an toàn cho ngư dân và tàu bè hoạt động”, trợ lý Ngoại trưởng nói.
 - Tình hình Biển Đông: Công luận quốc tế ủng hộ Việt Nam (Hình 2).

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Russel

Trước đó, theo VOV, Trung Quốc đang có những hành động ngày càng trơ trẽn hơn khi “vu vạ” Việt Nam tại Liên Hợp Quốc.
Ngày 9/6, phó Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Wang Min đã gửi một bản tuyên cáo đề cập đến hoạt động của giàn khoan Hải Dương 981 lên Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon, đồng thời, Bắc Kinh yêu cầu cơ quan này cho lưu hành bản tuyên cáo tới 193 thành viên của Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc.
Trong văn bản, Trung Quốc ngang nhiên cho rằng Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) đã tiến hành các hoạt động địa chấn, khảo sát địa chất trong khu vực này suốt 10 năm qua và hoạt động khoan dầu lần này là “sự nối tiếp quá trình thăm dò bình thường trong vùng biển thuộc chủ quyền của Trung Quốc”. Thậm chí, Trung Quốc còn vu cáo Việt Nam sử dụng “các biện pháp bất hợp pháp và gây hấn”, bao gồm cả việc điều các tàu vũ trang sẵn sàng đâm, va, gây cản trở hoạt động của giàn khoan Hải Dương 981.
“Việt Nam đã điều người nhái đến khu vực trên và thả nhiều vật cản như lưới và các vật trôi nổi xuống biển nhằm cản trở hoạt động bình thường của tàu thuyền Trung Quốc”, bản tuyên cáo trắng trợn vu cáo Việt Nam.

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tinh-hinh-bien-dong-cong-luan-quoc-te-ung-ho-viet-nam-a36402.html