Công Phượng: Hành trình từ cậu bé còi xương đến Messi Việt Nam


Thứ 5, 18/09/2014 | 23:42


Cùng sự kiện

(ĐSPL) - Về nhà Công Phượng, nghe cha mẹ ruột tiền đạo đội trưởng U19 Việt Nam tâm sự về thời niên thiếu của "số 10" mới thấu hiểu quyết tâm và nghị lực phi thường từ cầu thủ được ví như "Messi dải chữ S".

(ĐSPL) - Về nhà Công Phượng, nghe cha mẹ ruột tiền đạo đội trưởng U19 Việt Nam tâm sự về thời niên thiếu của "số 10" mới thấu hiểu quyết tâm và nghị lực phi thường từ cầu thủ được ví như "Messi dải chữ S".
Sinh ra và lớn lên tại Mỹ Sơn, Đô Lương (Nghệ An) trong một gia đình nghèo nhất nhì xóm, Nguyễn Công Phượng (SN 1995) mơ ước trở thành cầu thủ bóng đá để đổi đời. Để có Công Phượng với những đường bóng thăng hoa, chàng trai xứ Nghệ đã phải nỗ lực hết mình và chịu khá nhiều sức ép trên con đường đến với vinh quang.
 - Công Phượng: Hành trình từ cậu bé còi xương đến Messi Việt Nam

Công Phượng đang duy trì phong độ ghi bàn đỉnh cao.

Làng Vồng Vổng xôn xao về "thần đồng" Công Phượng
Tiếp bước thế hệ đàn anh của bóng đá Thành Vinh, Công Phượng đang được khán giả hâm mộ môn thể thao vua trên cả nước quan tâm và dành những tình cảm đặc biệt. ở miền quê nghèo xã Mỹ Sơn, Công Phượng đang được xem là chủ đề nóng trong tất cả các câu chuyện của người dân địa phương. Những ngày gần đây căn nhà nhỏ của ông Nguyễn Công Bảy - bố đẻ Công Phượng luôn tấp nập người ra vào hỏi han, chia vui. Có người nghe tin mẹ Phượng chuẩn bị lên đường ra Hà Nội xem con trai mình thi đấu, đã mang cả mấy chục quả trứng gà gửi ra làm quà cho Phượng.
Chúng tôi tìm về xã Mỹ Sơn, Đô Lương giữa buổi trưa tháng Chín nóng bức. Xa xa chỉ có vài người dân đang cố gắng lật vội mẻ rơm mới phơi rồi vào nhà tránh nắng. Thế nhưng thật ngạc nhiên khi chúng tôi dừng lại hỏi thăm đường về xóm 6, xã Mỹ Sơn thì họ hồ hởi gạt mồ hôi: "Anh chị tìm nhà Công Phượng con ông Bảy thì cứ đi thẳng đến nhà văn hóa xóm 6 rẽ phải, lên ngôi nhà cao nhất trên núi là nhà cậu ấy".
Con đường dẫn vào làng Vồng Vổng ngoằn ngoèo với đầy những rơm rạ. Thật khó để chúng tôi có thể ngay lập tức tìm được nhà Phượng. May mắn thay khi chúng tôi được một nhóm các em học sinh trên đường đi học về, dù áo ướt đẫm mồ hôi vẫn hăng hái dẫn đường. Trên đoạn đường đi chung, các em thi nhau kể về Phượng và tất cả đồng thanh: "Chúng em muốn được như anh Phượng". Chưa dừng lại ở đó, chia tay các em ở ngay nhà văn hóa xóm 6, đến đầu dốc lên nhà Công Phượng, một cụ già khoảng 80 tuổi nói: "Các cháu tìm nhà cu Phượng viết bài thì cứ để xe đó mà lên, nhớ khen ngợi thằng bé siêu sao của Vồng Vổng, nó là niềm tự hào của cả làng quê này đó".
Làng Vồng Vổng giờ đây như đang trong "cơn sốt" về Nguyễn Công Phượng, em được nhắc đến với một niềm tự hào của quê hương. Công Phượng như tấm gương sáng về tinh thần cố gắng vượt khó, vươn lên bằng sự đam mê với bóng đá.
Tâm sự của người cha
"Tối hôm cu Phượng đá trận chung kết, tất cả mọi người trong gia đình không có đủ điều kiện để ra Hà Nội xem Phượng thi đấu. Tôi ở nhà nhưng hồi hộp lắm, còn tận 8 tiếng nữa con mới ra sân nhưng cứ quay ra quay vào đứng ngồi chẳng yên, chẳng làm được việc gì. Lại thêm anh em bà con trong xóm ra vào liên tục dặn lo ấm nước cho ngon để tối mọi người đến xem con thi đấu nên tôi càng hồi hộp hơn", ông Nguyễn Công Bảy nói.
Khi nói về tuổi thơ của Công Phượng, giọng người cha già trầm xuống: "Ngày đó, nhà nghèo lắm, để lo cho con có được ngày hôm nay, chúng tôi đã trải qua rất nhiều khó khăn". Ngoài làm ruộng, vợ chồng ông Bảy ai thuê gì cũng làm. Để có tiền lo cho con thì dù có phải đi bốc vác, phụ hồ hay ra thị trấn làm cửu vạn, ông bà cũng không hề ngần ngại. Dù khó khăn là vậy nhưng được nhìn thấy thành công của con hiện nay tại đội tuyển U19 Việt Nam, khuôn mặt ông Bảy không giấu được niềm vui, sự tự hào.
Dường như mọi sự mệt mỏi đều tan biến khi ông kể chuyện về con trai của mình: "Từ lúc 4 - 5 tuổi, Phượng và anh trai tên Khoa đã rất thích đá bóng. Nhớ lại hồi đó, hai đứa có khi thèm đá bóng quá mà nhà thì nghèo, chúng đành kiếm quả bưởi héo làm bóng, mảnh sân nhỏ trước nhà là nơi tập luyện, hai cái chai nước khoáng là cọc gôn. Cứ như thế anh Khoa dạy em những đường bóng đầu tiên.
Cho đến khi mẹ chúng bán mấy chục mớ rau mới đủ tiền mua cho con quả bóng nhựa thì hai anh em Khoa, Phượng càng hăng hái tập luyện hơn. Rồi đến ngày có được quả bóng đá hai anh em vui mừng đến tột độ, tập bóng cả trưa nắng, cả chiều muộn, cứ đi học về, giúp mẹ công việc xong là chúng lại ra sân. Chung niềm đam mê, độ tuổi cận kề nhau hai anh em nó hợp nhau lắm. Nhưng rồi tai nạn từ đâu ập tới lấy mất của chúng tôi thằng Khoa. Năm Phượng vào lớp 2, trong một trưa hè oi bức, khi cùng bạn bè đi tắm tại khe nước gần nhà, Khoa bị ngạt nước, vĩnh viễn ra đi từ đó...".
Nói đến đây, trên khuôn mặt khắc khổ của người cha những giọt nước mắt lăn dài. Sau khi Khoa mất, mấy tháng liền không khí gia đình ông Bảy ảm đạm, tang thương. Đặc biệt Phượng gần như trầm cảm, không nói, không cười và cũng không hề nhìn đến quả bóng nơi góc nhà. "Để động viên tinh thần con sau khi anh nó mất một thời gian, chúng tôi đã khuyến khích Phượng ra nhà văn hóa xóm đá bóng cùng các bạn mỗi buổi chiều. Dần dần nỗi buồn trong Phượng cũng nguôi ngoai, nó thể hiện mình thực sự là một người có tố chất bóng đá. Liên tục trong các cuộc thi do xã, huyện tổ chức Phượng đều là "cầu thủ nhí" có lối chơi tuyệt vời nhất. Phượng đã gây được ấn tượng tốt với các thầy tại lớp năng khiếu của trung tâm Văn hóa huyện Đô Lương", ông Bảy nói.
 - Công Phượng: Hành trình từ cậu bé còi xương đến Messi Việt Nam (Hình 2).

Ông Nguyễn Công Bảy say sưa kể về con trai.

Cơ duyên trời định
Sau khi được các thầy tại trung tâm Văn hóa huyện Đô Lương giới thiệu xuống thi tuyển vào "lò" Sông Lam Nghệ An, Phượng nhanh chóng chứng tỏ khả năng của mình, điều đó được các thầy tại đây ghi nhận. Tuy nhiên sau một tháng học tập, rèn luyện Phượng phải theo bố khoác ba lô trở về với lý do không đủ cân nặng. Chỉ tiêu ban huấn luyện đề ra lúc bấy giờ là mỗi cầu thủ phải có cân nặng 28kg, mặc dù cân đi cân lại đến hai lượt thì Phượng cũng chỉ đạt 25kg. Từ khi trở về, Phượng một lần nữa hụt hẫng tưởng chừng em sẽ không còn "mê" bóng đá nữa, nhưng ngày ngày em vẫn luyện tập không chỉ bóng đá mà cả thể lực.
Rồi như cơ duyên trời định, trong một lần theo dõi ti vi, Phượng thấy thông tin mở học viện HA.GL - Arsenal JMG và lứa tuổi của em nằm trong những đối tượng được dự tuyển. Sau khi tâm sự với bố mẹ, bước đầu mẹ Công Phượng ngăn cản vì sợ một lần nữa thất bại con mình sẽ mất hết niềm tin. Tuy nhiên, ông Bảy đã hiểu được mong ước của con, một lần nữa cha con Phượng lại "cơm đùm, cơm nắm" đi vào Pleiku thi tuyển.
Tại đây, không còn những khó khăn về cân nặng, hình thể sau bài thi năng khiếu tâng bóng, Công Phượng được một huấn luyện viên người nước ngoài hỏi han rất cụ thể về thông tin cá nhân. Chỉ vài giờ đồng hồ sau đó, cha con Phượng nhận được thông báo trúng tuyển và được bao toàn bộ chi phí trở về Nghệ An hoàn thành thủ tục để quay trở vào nhập học cho kịp thời gian. Cả gia đình dường như được tiếp thêm sức mạnh khi nhận được giấy báo và hồ sơ nhập học của CLB HA.GL gửi về địa phương cho Công Phượng.
 - Công Phượng: Hành trình từ cậu bé còi xương đến Messi Việt Nam (Hình 3).
Công Phượng những ngày đầu bước vào học tại HAGL.
Kể từ đó đến nay đã 7 năm, Công Phượng luôn thể hiện mình là một người cầu tiến, ham học hỏi. Sự cố gắng của em được chứng minh sau các trận đấu của đội tuyển U19 Việt Nam tại các giải đấu vừa qua. Thành tích của em được ghi nhận, tên em được người hâm mộ bóng đá cả nước nhắc đến như một "thần đồng".
Lần thứ ba thất bại trong một trận chung kết nhưng điều đó không quá quan trọng khi Phượng còn trẻ và mục tiêu quan trọng nhất là các kỳ SEA Games hay AFF Cup trong màu áo ĐTQG đang ở phía trước.

Quyết tâm thực hiện ước mơ

Sau khi được các thầy tư vấn, bà Nguyễn Thị Hoa (mẹ Công Phượng) mỗi tuần ba buổi chiều bỏ công việc sang một bên đạp xe 18km đưa con xuống tập luyện tại lớp năng khiếu ở thị trấn. Nhiều hôm mưa gió, trời tối chưa thấy hai mẹ con về, ông Bảy đi làm về lại phải đạp xe ngược xuống thị trấn dò đường đợi vợ con. Như hiểu được sự vất vả của cha mẹ vì mình và quyết tâm thực hiện ước mơ dang dở của người anh trai đã mất, Phượng ngày càng tiến bộ rõ rệt.

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cong-phuong-hanh-trinh-tu-cau-be-coi-xuong-den-messi-viet-nam-a51195.html