3 loại vũ khí hạng nặng được Trung Quốc viện trợ và bán cho châu Phi


Thứ 3, 17/07/2018 | 13:25


Dự đoán của nhiều chuyên gia cho rằng Trung Quốc sẽ thay Nga trở thành nhà thầu vũ khí chính của châu Phi đang dần trở thành sự thực.

Dự đoán của nhiều chuyên gia cho rằng Trung Quốc sẽ thay Nga trở thành nhà thầu vũ khí chính của châu Phi đang dần trở thành sự thực.

Ngày 3/7, khi các quan chức quốc phòng Trung Quốc và các nước châu Phi kết thúc một diễn đàn an ninh cấp cao, cả hai bên đều hy vọng sẽ tăng cường quan hệ quốc phòng, thúc đẩy mối quan hệ giữa hai bên và tăng số lượng vũ khí Trung Quốc chuyển sang châu Phi.

Trung Quốc hiện nay đang tham gia vào các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại châu Phi và thành lập một căn cứ quân sự ở Djibouti, trên vùng Sừng Châu Phi. Từ đầu những năm 2000, quốc gia này đã tăng cường các mối quan hệ quốc phòng dựa trên nền tảng viện trợ kinh tế ngày càng mạnh mẽ giữa Trung Quốc và châu Phi.

Khoảng một triệu công dân Trung Quốc hiện đang sinh sống ở châu Phi trong khi có khoảng 200.000 người châu Phi đang làm việc tại Trung Quốc.

Theo Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm, trong 5 năm 2013 - 2017, kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc sang châu Phi đã tăng 55% so với giai đoạn 5 năm trước đó (2008 – 2012). Trong khi nhập khẩu vũ khí chung của châu Phi giảm 22% so với cùng kỳ, thì tổng số lượng vũ khí nhập khẩu vào châu Phi từ Trung Quốc đã tăng từ 8,6% lên 17%. Ngược lại, xuất khẩu vũ khí của Nga sang châu Phi đã giảm 32%, chiếm 39% tổng nhập khẩu trong khu vực. Mỹ chỉ chiếm 11% xuất khẩu vũ khí sang châu Phi.

Trong bối cảnh an ninh quân sự và kinh tế thế giới phức tạp như hiện nay, đây là một dấu hiệu mới về tầm ảnh hưởng cũng như mục tiêu mới của siêu cường châu Á. Trung Quốc đã chuyển giao nhiều loại vũ khí hạng nặng quan trọng cho châu Phi.

Xe tăng chiến đấu/ Xe bọc thép

Trung Quốc đã xuất khẩu 24 xe tăng chiến đấu cho Tanzania và 30 xe cho Chad vào năm 2013, theo số liệu mới nhất có sẵn từ United Nation Register of Arms (UNROCA).

Trung Quốc cũng sản xuất một số mẫu xe tăng chiến đấu riêng để xuất khẩu. Mẫu xe tăng chiến đấu VT4 là thế hệ thứ ba được tập đoàn vũ khí quốc gia Norinco thuộc Trung Quốc nghiên cứu, thiết kế và sản xuất. VT4 được trang bị một khẩu pháo 125 mm có khả năng bắn tên lửa dẫn đường và một tháp pháo gắn súng máy hạng nặng bắn đạn 12,7mm.

Năm 2017, Norinco mở rộng dòng xe tăng cho thị trường nước ngoài bằng cách phát triển xe bọc thép GL-5. Hệ thống GL-5 bao gồm bốn máy dò ra-đa và các bệ phóng cố định gắn liền với tháp pháo tăng cho tầm nhìn bao quát 360 độ.

Mẫu xe tăng ST1 8x8 do Trung Quốc sản xuất - Ảnh: SCMP

Xe chiến đấu bọc thép cũng là một trong những loại vũ khí hàng đầu của Trung Quốc xuất khẩu sang các nước châu Phi. Pháo chống tăng hạng nhẹ ST1 8x8 là một trong những loại xe bọc thép xuất khẩu hàng đầu của Trung Quốc với một khẩu súng nòng 105mm theo tiêu chuẩn NATO.

Máy bay chiến đấu

Máy bay chiến đấu và máy bay không người lái cũng nằm trong số các mặt hàng xuất khẩu vũ khí chính của Trung Quốc.

Nigeria, Tanzania, Zambia, Bolivia, Namibia, Zimbabwe và Ghana đều là những khách hàng thường xuyên mua máy bay chiến đấu, máy bay chiến đấu không người lái hoặc máy bay không người lái điều khiển từ xa do Trung Quốc chế tạo, theo số liệu mới nhất của UNROCA.

JF-17 Thunder là máy bay phản lực chính của Trung Quốc trên thị trường xuất khẩu. Máy bay phản lực động cơ đơn này được phát triển chung bởi Tổ hợp Hàng không Pakistan và Tập đoàn Máy bay Thành Đô của Trung Quốc. Nó có thể triển khai các tên lửa không đối không, được hỗ trợ bởi một máy khoan dù sau WS-13 hoặc Klimov RD-93.

Máy bay phản lực JF-17 Thunder - Ảnh: SCMP

Trong khi đó, Trung Quốc đã cấm xuất khẩu máy bay chiến đấu tàng hình J-20 của mình ra thị trường toàn cầu.

Hiện nay chưa có số liệu chính thức về lượng máy bay không người lái do Trung Quốc xuất khẩu nhưng chắc chắn quốc gia này đang muốn thống trị thị trường.

Do chính sách xuất khẩu máy bay không người lái của Mỹ yêu cầu tất cả các thiết bị phải trải qua quy trình phê duyệt nghiêm ngặt của chính phủ, nên Saudi Arabia và Jordan đã chuyển sang đối tác Trung Quốc để thành lập các hạm đội bay không người lái phục vụ quốc phòng.

Hệ thống tên lửa

Morocco, Sudan và Yemen đã nhập khẩu tên lửa và tên lửa phóng từ Trung Quốc từ năm 2009, theo UNROCA.

Vũ khí Trung Quốc đã xuất hiện trong các cuộc xung đột ở Congo và Sudan. Vào tháng 7/2014, Norinco đã vận chuyển 100 hệ thống tên lửa dẫn đường đến Nam Sudan.

Hệ thống tên lửa chống tăng Red Arrow 9 và các hệ thống vũ khí pháo binh haze GP6 155mm là những mặt hàng xuất khẩu chính của tập đoàn Norinco.

Hệ thống tên lửa chống tăng Red Arrow - Ảnh: SCMP

Red Arrow là một hệ thống tên lửa chống tăng thế hệ thứ ba tiên tiến được triển khai bởi Quân đội Trung Quốc. Nó có tầm bắn tối đa 5.5km với độ xuyên giáp 1.200mm. Hệ thống vũ khí pháo binh laze GP6 được thiết kế để trang bị cho các xe tăng và sử dụng trong chiến đấu bộ binh.

Red Arrow có khả năng phá hủy các mục tiêu trong phạm vi từ 6 đến 25 km. Congo, Ghana, Sudan, Cameroon, Tanzania, Niger và Rwanda đã nhập khẩu các hệ thống pháo binh hạng nặng từ Trung Quốc.

Thu Phương (Theo SCMP)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/3-loai-vu-khi-hang-nang-duoc-trung-quoc-vien-tro-va-ban-cho-chau-phi-a236717.html