+Aa-
    Zalo

    Ai sẽ là ngư ông đắc lợi trong chiến tranh thương mại Trung - Mỹ?

    ĐS&PL Chiến tranh thương mại gây ra nhiều hiệu ứng trái ngược nhau, các doanh nghiệp châu Âu, Bắc Mỹ và Nhật Bản sẽ được lợi, doanh nghiệp Trung Quốc và Mỹ sẽ bất lợi.

    Chiến tranh thương mại giữa Bắc Kinh và Washington gây ra nhiều hiệu ứng trái ngược nhau, có thể đem lại lợi ích cho các doanh nghiệp châu Âu, Bắc Mỹ và Nhật Bản nhưng gây khó cho các doanh nghiệp Trung Quốc và Mỹ.

    Chiến tranh thương mại gây thiệt hại cho các doanh nghiệp Trung Quốc và Mỹ khi làm ăn ở thị trường của nhau. Ảnh: FTchinese.

    Với việc chiến tranh thương mại Trung - Mỹ không ngừng leo thang, một số quốc gia ở khu vực khác đã nhìn thấy cơ hội cho mình.

    Cuộc đối đầu này giữa Trung - Mỹ có thể sẽ làm cho các doanh nghiệp của châu Âu, Bắc Mỹ và Nhật Bản chiếm trước thời cơ, bởi vì các doanh nghiệp của hai nước Trung - Mỹ sẽ đối mặt với lực cản lớn hơn khi làm ăn ở quốc gia của nhau, tờ The Financial Times bản tiếng Trung (FTchinese) ngày 21/9 nhận định.

    Còn đối với các nền kinh tế mới nổi ở Đông Nam Á đã sớm hòa nhập sâu vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc, đây có thể là một thách thức với mức nghiêm trọng hơn nhiều.

    Phản ứng về biện pháp thuế quan mới nhất của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Cao ủy Thương mại Liên minh châu Âu (EU) Cecilia Malmstrom cho rằng: "Chiến tranh thương mại không tốt, cũng không dễ dàng phân định thắng thua". Nhưng các nhà kinh tế học và nhà đầu tư vẫn cố gắng tìm kiếm ra người chiến thắng.

    Trong tuần qua, hai nước Mỹ và Trung Quốc đã tăng thuế quan lẫn nhau với mức kỷ lục. Một nghiên cứu của Ngân hàng Deutsche Bank cho thấy việc các doanh nghiệp Trung quốc ngày càng khó làm ăn ở thị trường Mỹ có thể sẽ làm cho Mexico, Canada và khu vực đồng Euro hưởng lợi.

    Nghiên cứu của Deutsche Bank chỉ ra rằng: "Mỹ đơn phương tăng thuế quan đối với Trung Quốc chẳng khác gì một sự kiện thương mại bất ngờ và có lợi cho các khu vực khác trên thế giới. Đối với người tiêu dùng Mỹ, hàng hóa nhập khẩu từ các khu vực ngoài Trung Quốc sẽ bất ngờ trở nên rẻ hơn".

    Khi thuế quan làm tăng chi phí cho hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ, các nước khác chắc chắn sẽ được lợi.

    Cụ thể, số liệu của Ủy ban thương mại quốc tế Mỹ (USITC) cho thấy, năm 2017 Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ 147 tỷ USD sản phẩm cơ điện, một trong những loại sản phẩm bị ảnh hưởng bởi các biện pháp thuế quan mới nhất của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

    Cũng trong năm 2017, Mexico xuất siêu thương mại với Mỹ đạt 62 tỷ USD, một con số không thể coi thường, hơn nữa hoàn toàn có ưu thế để tiếp tục mở rộng.

    Sau đó còn có vấn đề làm thế nào để đi vào nền kinh tế Trung Quốc quy mô lên tới 12.000 tỷ USD, điều này chắc chắn sẽ ngày càng khó khăn đối với các doanh nghiệp Mỹ.

    Những nước được hưởng lợi nhiều nhất từ chiến tranh thương mại Trung - Mỹ có Việt Nam, nhất là trong xuất khẩu các mặt hàng như đồ nội thất và áng sáng, đồ chơi và hàng thế thao. Ảnh: FTchinese.

    Gabriel Felbermayr, lãnh đạo Trung tâm kinh tế quốc tế Ifo ở Munich, Đức kiên trì cho rằng, châu Âu có thể trở thành người chiến thắng lớn của chiến tranh thương mại Trung - Mỹ.

    Đặc biệt là các nhà chế tạo vừa và nhỏ của Đức (cường quốc xuất khẩu EU) có thể được lợi từ cuộc chiến tranh này. Nếu họ chưa có các hoạt động ở hai nước Trung Quốc và Mỹ thì có thể tránh được tác động trực tiếp từ thuế quan.

    Keith Wade, nhà kinh tế học hàng đầu của Tập đoàn Schroders cho biết thêm, các doanh nghiệp châu Âu và Nhật Bản đã giành được ưu thế trong việc giành giật thị phần Trung Quốc, họ sẽ thay thế các nhà cung ứng ô tô, máy bay và hóa chất của Mỹ.

    Những lực cản của doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc cùng với ưu thế tương đối mà các đối thủ cạnh tranh khác có được cũng có thể vượt xa phạm trù thuế quan.

    Guntram Wolff, lãnh đạo Viện nghiên cứu Bruegel có trụ sở ở Brussels cho rằng, chính phủ Trung Quốc có thể sẽ hạn chế các doanh nghiệp Mỹ đi vào Trung Quốc và cản trở các doanh nghiệp Mỹ tiến hành mua bán sáp nhập, bởi vì không gian tăng thuế quan lên nhiều hàng hóa Mỹ hơn của Trung Quốc đã sắp hết. Kim ngạch nhập khẩu hàng hoá từ Mỹ của Trung Quốc thấp hơn so với kim ngạch hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ.

    Guntram Wolff cho rằng: "Đến lúc đó có thể xuất hiện một số không gian và cơ hội, đặc biệt là khi Trung Quốc tăng cường mở cửa thị trường cho các doanh nghiệp châu Âu".

    Guntram Wolff đồng thời thừa nhận, hiệu ứng "ròng" của thuế quan là tiêu cực, bởi vì thuế quan đã làm chấn động chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhưng, các doanh nghiệp ngoài châu Âu có thể bị ảnh hưởng dễ dàng hơn từ sự hỗn loạn này.

    Theo nhà nghiên cứu Keith Wade, do giá trị gia tăng của hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ có 45% do các khu vực ngoài Trung Quốc tạo ra, vì vậy "không gian gây tổn hại tới các nền kinh tế khác là rất lớn".

    Keith Wade còn cho rằng, các nền kinh tế xuất khẩu Đông Á và Đông Nam Á như Đài Loan, Malaysia, Hàn Quốc, Singapore sẽ dễ bị tác động nhất.

    Ảnh hưởng lâu dài từ việc tăng thuế quan của Mỹ vẫn sẽ mất thời gian dài mới được giải quyết. Nhà kinh tế học Jon Harrison từ công ty tư vấn TS Lombard chỉ ra, khi EU và Mỹ tăng thuế quan trừng phạt lên tấm pin năng lượng mặt trời Trung Quốc xuất sang Mỹ vào năm 2012, các doanh nghiệp Trung Quốc dã nhanh chóng chuyển sản xuất đến Malaysia, Philippines và Việt Nam. Lần này, nếu xuất hiện sự di chuyển tương tự thì có thể sẽ làm cho các nền kinh tế Đông Nam Á được lợi.

    Sự tác động của cuộc chiến tranh thương mại này đối với nền kinh tế thế giới thực ra là có hạn, ít nhất là nhìn vào tình hình hiện nay. Mặc dù cuộc chiến "ăn miếng trả miếng" này giữa Trung - Mỹ có thể sẽ cản trở tăng trưởng toàn cầu, nhưng các biện pháp công bố cho đến nay chỉ ảnh hưởng đến 2,5% thương mại toàn cầu.

    Gabriel Sterne từ Viện nghiên cứu kinh tế Oxford cho rằng, cho dù Mỹ thực hiện tất cả những lời đe dọa cho đến nay, thì con số này cũng sẽ chỉ tăng lên 5,2%.

    Tuy nhiên, khi trả lời phỏng vấn tờ The Financial Times Anh vào tuần trước, Tổng giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), bà Christine Lagarde cảnh báo, các thị trường mới nổi có thể sẽ bị thiệt hại trên các phương diện khác.

    Căng thẳng thương mại đã bắt đầu làm gia tăng dòng chảy của các quỹ vào đồng USD để phòng hộ, đã làm tăng áp lực lên những nước vốn đã khó ngăn chặn được sự mất giá của đồng bản tệ.

    Nếu cuộc xung đột thương mại này mở rộng sự tham gia từ hai bên Trung Quốc sang nhiều bên thì những tác động kinh tế của nó sẽ to lớn hơn. Việc tìm ra người chiến thắng trong cuộc chiến thuế quan của ông Donald Trump cũng sẽ khó khăn hơn.

    ĐÔNG PHONG(Theo FTchinese)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ai-se-la-ngu-ong-dac-loi-trong-chien-tranh-thuong-mai-trung---my-a244973.html
    Sự kiện: Thế giới 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan