Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang, ảnh hưởng đến kinh tế khu vực ra sao?


Thứ 5, 20/09/2018 | 02:56


Cùng sự kiện

Đợt đánh thuế quan mới nhằm vào nhau giữa Mỹ - Trung đã tiếp tục làm cho chiến tranh thương mại Trung - Mỹ leo thang, gây ảnh hưởng lớn đến khu vực, tác động đến cách xử

Đợt đánh thuế quan mới giữa Mỹ và Trung Quốc đã tiếp tục làm cho chiến tranh thương mại hai nước leo thang, gây ảnh hưởng lớn đến khu vực, tác động đến cách xử lý của Bắc Kinh sắp tới.

Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết tâm thắng chiến tranh thương mại với Trung Quốc. Ảnh: DW.

Ngày 18/9, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố tăng thuế quan 10% lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, đồng thời cho biết cuối năm 2018 sẽ nâng thuế suất lên 25%.

Ông Donald Trump khẳng định, nếu Trung Quốc có hành động phản ứng thì Mỹ sẽ tiếp tục khởi động cuộc chiến thuế quan đối với 267 tỷ USD. Tổng thống Trump nhấn mạnh, chiến tranh thương mại Trung - Mỹ “mới chỉ bắt đầu”.

Mặc dù Mỹ thể hiện thái độ cứng rắn, nhưng đến tối ngày 18/9, Trung Quốc lập tức tuyên bố biện pháp đáp trả, tiến hành tăng thuế quan 5 - 10% đối với hàng hóa trị giá 60 tỷ USD của Mỹ, dự tính sau đó Washington sẽ tuyên bố kế hoạch tăng thuế đối với 267 tỷ USD hàng hóa Bắc Kinh.

Đánh giá về động thái mới này của Mỹ và Trung Quốc, trang tin kinh tế Caixin ngày 19/9 cho rằng tình hình căng thẳng thương mại hai nước này sẽ không thể giảm đi trong ngắn hạn, nhất là khi ông Trump đe dọa có thể tiếp tục tăng thuế quan lên 267 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu Trung Quốc.

Tờ Caixin cho rằng, trừ phi toàn bộ yêu cầu của Mỹ được đáp ứng, nếu không Washington hầu như sẽ không vội vàng tiến hành đàm phán và đạt được đồng thuận với Bắc Kinh.

Trong khi đó, Trung Quốc sẽ không thể chấp nhận mọi điều kiện của Mỹ, nhất là những yêu cầu của Washington về hạn chế Bắc Kinh thực hiện chiến lược quốc gia nhằm nâng cấp chuỗi cung ứng (chính sách ngành nghề), làm giảm vai trò của doanh nghiệp nhà nước hoặc giảm sự can thiệp của chính phủ.

Theo dự đoán của tờ báo này, tháng 1/2019 mức tăng thuế quan của Mỹ đối với 200 tỷ hàng hóa Trung Quốc có thể sẽ từ 10% tăng lên 25%; đồng thời rủi ro Mỹ tăng thuế quan lên toàn bộ hàng hóa xuất khẩu của Bắc Kinh vào năm 2019 sẽ gia tăng.

Ảnh hưởng lớn tới kinh tế khu vực

Như vậy, chiến tranh thương mại Trung - Mỹ đã tiếp tục leo thang. Đây cũng là xu hướng được nhiều người dự đoán. Đáng chú ý, ngày 18/9, Chủ tịch Tập đoàn Alibaba Trung Quốc, ông Jack Ma cảnh báo, chiến tranh thương mại Trung - Mỹ có thể sẽ kéo dài 20 năm. Theo Jack Ma, thực chất đây là cuộc “cạnh tranh” giữa hai nước.

Theo Jack Ma, chiến tranh thương mại sẽ không có người chiến thắng, sẽ gây ảnh hưởng đến cả Trung Quốc và Mỹ. Tập đoàn Alibaba của ông cũng không thể tránh khỏi bị ảnh hưởng, nhưng Jack Ma tin rằng Alibaba sẽ vượt qua.

Tỷ phú Jack Ma của Tập đoàn Alibaba, Trung Quốc. Ảnh: FTchinese.

Nói về ảnh hưởng tiêu cực của chiến tranh thương mại Trung - Mỹ, ngày 18/9, Cục phát triển thương mại Hồng Kông cho biết tăng trưởng xuất khẩu cả năm 2018 của Hồng Kông dự tính sẽ giảm một nửa đến 3%, tình hình năm tới (2019) sẽ nghiêm trọng hơn.

Theo cơ quan này, chỉ số xuất khẩu quý ba của Hồng Kông giảm mạnh đến 35,8, mức giảm mạnh nhất kể từ quý 2 năm 2006. Các nhà xuất khẩu Hồng Kông ngày càng lo ngại về xung đột thương mại Trung - Mỹ, tăng trưởng xuất khẩu của Hồng Kông ít nhất có thể mất đi một số động lực trong ngắn hạn.

Quan Gia Minh, lãnh đạo Cục phát triển kinh tế thương mại Hồng Kông cho biết, do nhân tố bất định gây ra bởi chiến tranh thương mại Trung - Mỹ tăng lên, cơ quan này sẽ hạ thấp tăng trưởng xuất khẩu của Hồng Kông năm nay từ 6% xuống 3%.

Ông chỉ ra, tuần tới, Mỹ bắt đầu tăng thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD cộng với các biện pháp đáp trả của Trung Quốc, với mỗi năm Hồng Kông có kim ngạch thương mại 9% liên quan đến tái xuất Trung - Mỹ, có thể dự đoán, 4,5% kim ngạch thương mại của Hồng Kông sẽ bị ảnh hưởng.

Quan Gia Minh cho rằng, chu kỳ tăng trưởng xuất khẩu của Hồng Kông đã lên đỉnh trong năm 2018, biểu hiện vài tháng tới không chỉ thấp, “hơn nữa còn thấp hơn tưởng tượng trước đó”, “điều quan trọng hơn là năm tới có thể sẽ nghiêm trọng hơn so với tình hình nhìn thấy hiện nay”.

Cục trưởng Cục tài chính Hồng Kông Trần Mậu Ba dự đoán, ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Trung - Mỹ đối với kinh tế năm nay của Hồng Kông là “có thể kiểm soát”, năm tới sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực 0,2 - 0,4% đối với tăng trưởng kinh tế của Hồng Kông.

Trần Mậu Ba còn cho biết, thị trường bất động sản Hồng Kông trong hai tuần qua đã xuất hiện giảm nhiệt. Nếu nói đây là bước chuyển ngoặt của thị trường bất động sản thì còn quá sớm. Tuy nhiên, sau khi Mỹ tăng lãi suất, lãi suất ở Hồng Kông cũng có thể tăng lên, rủi ro đi xuống của thị trường bất động sản Hồng Kông đang gia tăng.

Cục trưởng Cục tài chính Hồng Kông Trần Mậu Ba. Ảnh: Sina.

Không chỉ Hồng Kông, nhiều nền kinh tế khác trong khu vực cũng bị tác động. Cơ quan chủ quản kinh tế Đài Loan cho biết, ảnh hưởng trực tiếp của chiến tranh thương mại Trung - Mỹ đối với Đài Loan không lớn, nhưng có thể ảnh hưởng gián tiếp tới xuất khẩu của Đài Loan.

Do Mỹ tăng thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc chứ không phải hàng hóa Đài Loan, vì vậy sẽ không có ảnh hưởng trực tiếp lớn đến các ngành nghề của Đài Loan. Chỉ có một bộ phận thương nhân Đài Loan tại Trung Quốc bị ảnh hưởng, tình hình ảnh hưởng còn chờ quan sát.

Triển vọng đàm phán và cách ứng phó

Về khả năng đàm phán và đạt được thỏa thuận giữa Trung - Mỹ trong thời gian tới, tờ Caixin cho rằng, do đợt đánh thuế quan mới của Bắc Kinh sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực rõ rệt lên kinh tế Bắc Kinh.

Trung Quốc có thể sẽ sẵn sàng đưa ra một số nhượng bộ, bao gồm tăng nhập khẩu từ Mỹ, hạn chế xuất khẩu sang nước này, tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, tiếp tục giảm thuế quan nhập khẩu (trước đó đã giảm thuế quan nhập khẩu ô tô), tăng cường mở cửa thị trường trong nước và chấm dứt chuyển giao công nghệ một cách ép buộc.

Trong tình hình này, nếu chính phủ Mỹ muốn đạt được thỏa thuận thì có thể tuyên bố thắng lợi. Theo đó, xung đột thương mại hy vọng kết thúc, hai bên có thể rút một phần biện pháp thuế quan đã thực hiện. Tuy nhiên, nếu Mỹ kiên trì yêu cầu Trung Quốc từ bỏ chính sách ngành nghề hoặc làm giảm vai trò của doanh nghiệp nhà nước và sự can thiệp của chính phủ đối với hoạt động kinh tế thì khả năng hai bên đạt được thỏa thuận là rất thấp.

Caixin cho rằng, trong vài tháng tới, nhất là tháng 12/2018 khi tổ chức Hội nghị công tác kinh tế Trung ương, chính phủ Trung Quốc có thể sẽ công bố nhiều biện pháp chính sách hơn, đồng thời bắt đầu thực hiện từ quý 1/2019.

Theo Caixin, Trung Quốc sẽ không tiến hành trừng phạt công ty Mỹ làm ăn kinh doanh tại Trung Quốc hoặc cấm hàng hóa nước này. Bắc Kinh cũng có thể sẽ không lập hàng rào phi thuế quan đối với doanh nghiệp Mỹ, sẽ không bán tháo trái phiếu chính phủ Mỹ. Bởi chính phủ Trung Quốc cho rằng các biện pháp trên “được không bằng mất”, vừa gây thiệt hại có hạn cho kinh tế Mỹ, vừa khó có thể làm thay đổi lập trường của Washington trong xung đột thương mại, đồng thời sẽ gây sức ép cho việc làm của Trung Quốc và đầu tư nước ngoài.

Trong khi đó, tờ Nhân Dân nhật báo Trung Quốc ngày 19/9 cho biết, đứng trước sức ép thuế quan của Mỹ, Trung Quốc có thể nhanh chóng triển khai hành động, mở rộng thị trường ở các khu vực ngoài Mỹ.

Cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Chu Tiểu Xuyên. Ảnh: AP.

Bài viết dẫn lời cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Chu Tiểu Xuyên cho rằng: “Trường hợp tồi tệ nhất là Trung Quốc không tiếp tục xuất khẩu hàng hóa trị giá 500 tỷ USD sang thị trường Mỹ, trái lại sẽ xuất khẩu số hàng hóa này sang các nước khác với tốc độ nhanh nhất”.

Nhân Dân nhật báo Trung Quốc tự tin rằng các “biện pháp cực đoan” của Mỹ nhằm vào Trung Quốc không chỉ sẽ không dọa được Bắc Kinh, hơn nữa sẽ khiến cho việc cung ứng cho thị trường Mỹ bị cắt đứt với quy mô lớn.

Hiện nay, xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ vượt 1/5 tổng xuất khẩu đối ngoại của Trung Quốc, hơn nữa xuất siêu thương mại của Trung Quốc đối với Mỹ chiếm 60% tổng xuất siêu đối ngoại, vì vậy xuất khẩu của Trung Quốc vẫn lệ thuộc lớn vào thị trường Mỹ.

Hôm 18/9, Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên Twitter rằng Trung Quốc từ lâu được lợi từ Mỹ về thương mại, và ông hiểu được làm thế nào để ngăn chặn hành vi của Trung Quốc.

Theo báo chí Đài Loan, đến nay, chiến tranh thương mại leo thang, biện pháp đáp trả của Trung Quốc vừa qua là không ngang cấp. Có một điểm đáng chú ý là, xuất khẩu một năm của Mỹ sang Trung Quốc chỉ có 130 tỷ USD, do đó về chiến tranh thuế quan, Bắc Kinh có lẽ không còn không gian hành động. Vậy thì Trung Quốc còn con bài gì để chống Mỹ?

Hiện nay có thông tin cho rằng Trung Quốc có thể hủy bỏ đàm phán thương mại với Mỹ để phản đối chính quyền ông Donald Trump.

Tháng 4/2018, nhà kinh tế hàng đầu Jan Hatzius của Goldman Sachs cho rằng, Trung Quốc có thể sử dụng hai con “át chủ bài” để đáp trả Mỹ, đó là: giảm giá đồng Nhân dân tệ, có thể ngăn chặn phần nào tác động của việc Mỹ tăng thuế quan; hoặc hạn chế nhập khẩu ngành dịch vụ Mỹ, làm cho xuất siêu dịch vụ của nước này sang Trung Quốc giảm đi.

Hơn nữa, Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất của Mỹ, cũng là khách hàng dầu thô lớn thứ hai của Washington. Trong tương lai, Trung Quốc có thể hạn chế số lượng nhập khẩu dầu khí để đáp trả Mỹ.

Ngoài ra, tờ Nhật báo kinh tế Hồng Kông dẫn lời cựu Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lâu Kế Vĩ cho rằng, ngoài tăng thuế quan lên hàng hóa nhập khẩu Mỹ, Bắc Kinh có thể hạn chế xuất khẩu các linh kiện, vật liệu trung gian và thiết bị có thể gây ảnh hưởng đến ngành chế tạo Mỹ để báo thù.

Nếu kiến nghị của Lâu Kế Vĩ là thật, hãng Apple có phần lớn chuỗi cung ứng đến từ Trung Quốc sẽ trở thành vật tế thần. Nhưng, có chuyên gia cho rằng, nếu Bắc Kinh làm như vậy thì chắc chắn sẽ bị Mỹ đáp trả, Washington cũng từng nghiên cứu phương án hạn chế xuất khẩu hàng hóa khoa học công nghệ tới Trung Quốc.

Cựu Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lâu Kế Vĩ. Ảnh: The Wall Street Journal.

Trước những tác động ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại Trung - Mỹ, Quan Gia Minh, lãnh đạo Cục phát triển thương mại Hồng Kông đề xuất các thương nhân Hồng Kông cần phát triển nghiệp vụ đa dạng hóa, mở ra các thị trường mới như các nước ASEAN. Quan

Gia Minh cho cho rằng: “GDP của ASEAN năm 2017 đạt 2.760 tỷ USD, là nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới, dự tính tăng trưởng bình quân hàng năm thời gian tới là 5%, đến năm 2030 sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới”.

Nhà kinh tế Viên Thục Nghiên của Cục phát triển thương mại Hồng Kông kiến nghị, ngoài các kênh tiêu thụ truyền thống, các doanh nhân Hồng Kông có thể xem xét thông qua thương mại điện tử (internet, trang cá nhân) mở rộng thị trường ASEAN.

Theo bà, xây dựng cơ sở hạ tầng ở các nước như Malaysia, Thái Lan tương đối hoàn thiện, có lợi cho phát triển nghiệp vụ bán hàng qua mạng; trong khi đó thị trường tiêu thụ trung lưu và giới trẻ ở Indonesia là rộng lớn, về lâu dài, thương mại điện tử rất có tiềm năng.

ĐÔNG PHONG (Theo Caixin, People, Takungpao, Chinatimes, Zaobao, Dwnews)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chien-tranh-thuong-mai-my---trung-leo-thang-anh-huong-den-kinh-te-khu-vuc-ra-sao-a244681.html