Chuyên gia: Nước Mỹ không nên bơm thêm tiền cho quốc phòng, cần tăng cường hiện đại hóa


Thứ 2, 10/12/2018 | 03:16


Cùng sự kiện

Trong khi tình hình thế giới có nhiều biến động, Bộ Quốc phòng Mỹ được cho là đang mong đợi chính phủ sẽ chi nhiều hơn trong năm tài khóa 2020.

Trong khi tình hình thế giới có nhiều biến động, Bộ Quốc phòng Mỹ được cho là đang mong đợi chính phủ sẽ chi nhiều hơn trong năm tài khóa 2020.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn cắt giảm ngân sách quốc phòng vào năm tài khóa 2020. Ảnh minh họa: Reuters

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lãnh đạo đất nước được gần 2 năm, trong đó, Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis đã thực hiện nhiều đổi mới tại Lầu Năm Góc. Ấn tượng nhất là Chiến lược quốc phòng đầu năm 2018, ưu tiên cạnh tranh mạnh mẽ và răn đe đối với các cuộc chiến tranh kéo dài ở khu vực Trung Đông, Nam Á.

Tuy nhiên, những thay đổi của ông Mattis chưa mang đến kết quả tốt nhất, và bây giờ, chính sách của ông dường như trở nên không hoàn hảo bởi một sự thay đổi liên quan đến vấn đề ngân sách.

Tổng thống Donald Trump đã tăng ngân sách quốc phòng của Mỹ một cách đáng kể trong 2 năm đầu tiên tại nhiệm. Hiện nay, chi phí quốc phòng của Mỹ là 716 tỷ USD cho năm tài khóa 2019 (bắt đầu từ ngày 1/10/2018), vẫn thấp hơn so với những năm cao điểm 2007-2011 dưới thời cựu Tổng thống George W. Bush và Barack Obama, nhưng đã tăng khoảng 100 tỷ USD so với 2 năm trước đó.

Con số đó đã bao gồm chi phí chiến tranh và chi phí vũ khí hạt nhân của Bộ Năng lượng. Tuy nhiên, theo Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton, Tổng thống Trump có vẻ đang quan tâm đến việc giữ nguyên hoặc thậm chí giảm ngân sách quốc phòng xuống còn khoảng 700 tỷ USD cho năm tài khóa 2020. Lầu Năm Góc, trên thực tế đã mong đợi con số tăng lên 733 tỷ USD. Thật vậy, Bộ trưởng Mattis, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Joseph Dunford và gần đây nhất là Ủy ban Chiến lược Quốc phòng độc lập đều ủng hộ gia tăng kinh phí liên tục ít nhất 3% mỗi năm trong tương lai.

Ngoài ra, theo các nhà phân tích, việc đảng Dân chủ nắm quyền ở Hạ viện cũng sẽ củng cố xu hướng thắt chặt tài khóa khiêm tốn này. Ngày nay, chi tiêu quốc phòng của Mỹ chiếm khoảng 3,5% GDP, khi các chỉ tiêu trong Chiến tranh Lạnh là 5 đến 10%.

Vậy nước Mỹ phải làm thế nào để có thể cắt giảm 33 tỷ USD ngân sách quốc phòng năm 2020 theo kế hoạch?

May mắn thay, có một số điều mà các quan chức Lầu Năm Góc và Quốc hội có thể tham khảo đó là quân đội không nên gia tăng về mặt quy mô, cần ưu tiên cho sự đổi mới và hiện đại hóa lâu dài, cũng như sự sẵn sàng của từng đơn vị trong lực lượng hiện tại.

Quân đội hiện muốn tăng quy mô từ khoảng 480.000 binh sĩ lên ít nhất 500.000. Trong đó, hải quân muốn tăng quy mô đội tàu từ khoảng 285 tàu lên 355; không quân đã đưa ra một kế hoạch để tăng cơ cấu lực lượng từ 312 phi đội hoạt động lên tới 386.

Tuy nhiên, giải pháp không phải là phát triển lực lượng lớn hơn mà là một lực lượng hiện đại hơn, tinh nhuệ hơn và hoạt động hiệu quả hơn. Quốc hội cần giúp đỡ bằng cách cung cấp ngân sách đúng hạn và dự đoán xu hướng. Về phần mình, các lực lượng quân sự, với sự hỗ trợ từ các đơn vị dân sự cũng cần phải làm những điều khác biệt.

PHƯƠNG PHƯƠNG (Theo National Interest)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chuyen-gia-nuoc-my-khong-nen-bom-them-tien-cho-quoc-phong-can-tang-cuong-hien-dai-hoa-a254435.html