Cuba đưa bằng chứng khoa học bác bỏ cáo buộc "tấn công sóng âm" các nhà ngoại giao Mỹ


Thứ 5, 16/11/2017 | 14:29


Cùng sự kiện

Ngày 15/11, các nhà khoa học Cuba và nước ngoài đã đưa ra bằng chứng khoa học bác bỏ cáo buộc tấn công các nhà ngoại giao Mỹ bằng sóng âm.

Ngày 15/11, các nhà khoa học Cuba và nước ngoài đã đưa ra bằng chứng khoa học bác bỏ cáo buộc tấn công các nhà ngoại giao Mỹ bằng sóng âm.

Theo Dân trí, Bộ trưởng Ngoại giao Cuba, Bruno Rodriguez đã bác bỏ mọi cáo buộc từ phía Mỹ về việc Cuba đã tiến hành một cuộc tấn công “âm thanh” vào các nhân viên ngoại giao Mỹ, khiến 24 nhân viên nước này có các triệu chứng lạ như mất thính giác, chóng mặt, mệt mỏi và gặp một số vấn đề về nhận thức.

Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô La Habana, Cuba - Ảnh: AP.

Ông Bruno Rodriguez cho rằng, cáo buộc của Mỹ là sự “lừa dối có chủ đích” và chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang chính trị hóa vụ việc, nhằm đưa mối quan hệ 2 nước trở về thời kỳ “đối đầu”. Cũng theo ông, trong quá trình điều tra vụ việc, sự hợp tác từ phía Mỹ là “rất hạn chế”.

Tháng trước, chính phủ Mỹ đã tiến hành trục xuất 15 nhà ngoại giao đang làm việc tại Đại sứ quán Cuba ở thủ đô Washington về nước. Động thái này diễn ra sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ quyết định rút hàng loạt nhân viên ngoại giao của mình tại Cuba về nước sau cáo buộc bị tấn công, đồng thời đưa ra lời khuyên đối với công dân Mỹ không đi du lịch tới quốc đảo này.

Các nhà khoa học Cuba và quốc tế, việc tiến hành các cuộc "tấn công sóng âm" nhằm vào một số đối tượng cụ thể như giả định của phía Mỹ mà không bị phát hiện hay gây ảnh hưởng đến nhóm người quy mô lớn hơn là điều không thể. 

Giáo sư, nhà thính học Colleen LePrell thuộc Đại học Texas cho biết ông chưa từng biết về vụ tấn công bằng "sóng âm" như vậy và việc một người đột ngột mất thính lực mà nguyên nhân là do "sóng âm" là điều khác thường.

Liên quan đến 14 mẫu ghi âm âm thanh mà giới chức Mỹ cung cấp, các nhà khoa học cho rằng những mẫu âm thanh này tương tự như âm thanh do con dế hay ve sầu phát ra. Giáo sư, nhà vật lý học Carlos Barcelo thuộc Ủy ban các chuyên gia Cuba, đơn vị có nhiệm vụ điều tra vụ việc trên, cho rằng cường độ âm thanh của những mẫu này không đủ mạnh để gây mất thính lực bởi chúng chưa tới 90 decibel trong khi âm thanh phải có cường độ lớn hơn 100 decibel mới gây tác động tiêu cực.

Giáo sư Jose Manuel Villar cũng cho rằng cả 14 mẫu âm thanh này không đủ cường độ để gây tổn hại tới sức khỏe con người như phía Mỹ cáo buộc. Trong khi đó, nhà tâm lý học Andrew Oxenham thuộc Đại học Minnesota khẳng định một thiết bị sóng âm không thể gây hại bởi không đủ cường độ để tác động đến tai con người dẫn tới mất thính lực.

Hằng Thanh (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cuba-dua-bang-chung-khoa-hoc-bac-bo-cao-buoc-tan-cong-song-am-cac-nha-ngoai-giao-my-a209649.html