+Aa-
    Zalo

    Đại sứ Nga bị ám sát: Hành động đơn lẻ hay chiêu trò của thuyết âm mưu?

    ĐS&PL (ĐSPL) - Các giả thuyết bắt đầu nổi lên với thông tin, đây không phải là một vụ ám sát đơn thuần mà chắc chắn có sự nhúng tay của một thế lực nào đó.

    (ĐSPL) - Các giả thuyết bắt đầu nổi lên với thông tin, đây không phải là một vụ ám sát đơn thuần mà chắc chắn có sự nhúng tay của một thế lực nào đó.

    Ngoài phong trào Gulen, lực lượng khủng bố cực đoan, một số nhà chính trị Nga còn cho rằng, vụ ám sát này là kết quả đến từ bàn tay sắp đặt của NATO?

    Cái chết bi thảm của Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ sau vụ ám sát hôm 19/12 vừa qua đã được cảnh báo sẽ làm căng thẳng quan hệ Ankara- Moscow sau khi hai nước bình thường hóa chưa được bao lâu. Tuy nhiên ngay sau đó cả Tổng thống Nga Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đều lên tiếng khẳng định vụ việc được sắp đặt từ trước với mục đích khiêu khích hai nước quay lưng lại với nhau. Hai nhà lãnh đạo đều tuyên bố kẻ đứng đằng sau chuyện này sẽ không thể đạt được mục đích của mình.

    Moscow và Ankara cho biết, vụ ám sát Đại sứ Andrei Karlov là một hành động khủng bố với mục tiêu phá vỡ quá trình hòa giải đã bắt đầu giữa hai quốc gia và tiến tới hủy hoại sự đoàn kết Nga-Thổ trước kẻ thù chung là chủ nghĩa khủng bố và trong các nỗ lực để giải quyết xung đột Syria trong tương lai.

    Mevlut Mert Altintas - kẻ gây ra vụ việc là một kẻ chỉ mới 22 tuổi và từng phục vụ trong lực lượng cảnh sát. Ngay sau đó đã có hàng loạt giả thuyết được đặt ra về hung thủ thực sự đằng sau vụ việc được cho là phá hoại mối quan hệ Nga- Thổ này. Nhà phân tích chính trị Geogry Bovt của Nga trong cuộc phỏng vấn với RBTH đã nêu nhiều giả thuyết có thể tác động lên vụ ám sát ở Ankara.

    Phong trào Gulen

    Ở Thổ Nhĩ Kỳ đang lan truyền những tên sát nhân Mevlut Mert Altintas có liên quan đến nhà truyền giáo Fethullah Gulen - người đứng đầu phong trào Gulen đang sống lưu vong tại Mỹ. Ông Gulen là người bị Chính phủ Ankara cáo buộc xúi giục đằng sau cuộc đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng Bảy vừa qua. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cáo buộc Gulen là nhân vật kêu gọi lật đổ Chính phủ của ông và gọi nhà truyền giáo à "kẻ thù của nhân dân". Ông cũng hường xuyên gắn nhân vật này với những sự việc gây nguy hại cho Chính phủ trong những tháng gần đây.

    Phong trào Gulen là cái tên đầu tiên bị nghi ngờ có liên quan đến vụ ám sát (ảnh phải: Fethullah Gulen người đứng đầu phong trào Gulen đang sống lưu vong ở Mỹ).

    Sau cuộc đảo chính thất bại, ông Erdogan đã bắt đầu cuộc thanh trừng quy mô lớn và sa thải hàng nghìn người liên quan, trong đó có nhiều nhân viên an ninh. Tuy nhiên cuộc thanh trừng không hể triệt để 100% khi vẫn bỏ sót nhiều người có tư tưởng phản đối sự nhún nhường của Ankara với Nga và Chính phủ Tổng thống Syria Bashar Al-Assad. Hầu hết tất cả đều không thích cách mà Thổ Nhĩ Kỳ đã hành động khi để cho lực lượng quân Chính phủ do Nga hậu thuẫn kiểm soát hoàn toàn Aleppo.

    Giới quan sát nhận định, Moscow và Ankara đã có với nhau những "ranh giới ngầm" đối với vai trò của mỗi bên ở Syria. Trong đó Thổ Nhĩ Kỳ có thể giảm sự hỗ trợ đối với phiến quân đối lập ở phía đông Aleppo. Điều này đã gián tiếp đưa Tổng thống Assad gặt hái thành công bằng việc giải phóng thành phố này. Lý do Ankara không dứt bỏ hoàn toàn sự ủng hộ với phiến quân là bởi lực lượng này vẫn sẽ hữu ích cho họ trong việc thúc đẩy lợi ích ở Syria giai đoạn "hậu Assad".

    Lực lượng Hồi giáo cực đoan

    Bỏ qua hiềm khích trước đó, tiềm năng hợp tác giữa Ankara và Moscow có thể tiến đến tầm cao mới trong thời kỳ hậu chiến ở Syria. Tuy nhiên các lực lượng Hồi giáo cực đoan bao gồm cả phe nổi dậy sẽ không thích kịch bản này một chút nào. Thổ Nhĩ Kỳ vốn có một lịch sử lâu dài quan hệ với những nhóm cực đoan Hồi giáo và hậu quả của việc “chơi với lửa” là nước này phải đối mặt với những hệ lụy như tình trạng khủng bố tăng lên trong cả nước.

    Với việc gần gũi hơn với Nga, một phe nào đó trong lực lượng cực đoan Hồi giáo có thể cảm thấy "bị Ankara phản bội" và quyết định tấn công làm tổn thương Nga, phá hoại sự hòa giải Nga-Thổ. Một vài lực lượng khác cũng có thể đứng đằng sau vụ ám sát này chẳng hạn như các nhóm liên kết với Al-Nusra Front hoặc Ahrar al-Sham. Can thiệp của Nga và Iran tại Syria là điều khiến các nhóm này coi như một cái gai trong mắt. Và không phải sự trùng hợp ngẫu nhiên khi hành động khủng bố đã được tổ chức vào đêm trước cuộc họp ba bên giữa các ngoại trưởng Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran tại Moscow.

    Ngoài ra, một giả thuyết khác được đặt ra: IS là nhóm giật dây đằng sau tên sát thủ. Các nhân viên thuộc Dịch vụ an ninh đặc biệt của Thổ Nhĩ Kỳ có thể đã có nhiều cuộc gặp gỡ với thành viên tổ chức khủng bố này. Một số cảnh sát biến chất đã “đi đêm” với IS để bưng bít cho tội ác của những kẻ khủng bố hoặc đôi khi bị chính bọn chúng lôi kéo.

    Khủng bố đơn lẻ - Người Kurd trả thù?

    Có một giả thuyết đơn giản hơn đó là vụ ám sát Đại sứ chỉ là sự bộc phát đơn lẻ của một tên hoặc một nhóm nhỏ những kẻ khủng bố Hồi giáo. Về cơ bản các nhóm nhỏ có từ 1-3 người (thường đánh bom tự sát) là hình thức khủng bố phổ biến ở nhiều quốc gia gần đây.

    Tên sát thủ 22 tuổi có thể bị kích động từ các tin tức về chiến thắng của Nga và Chính phủ Assad ở phía đông Aleppo. Các phương tiện truyền thông thường dối trá về cái gọi là Nga "ném bom man rợ" vào dân thường ở phía đông Aleppo. “Dưới ảnh hưởng của truyền thông như vậy, sát thủ đã quyết định "trả thù Aleppo", chuyên gia Nga nói.

    "Thuyết âm mưu về người Kurd", trong đó cho rằng người Kurd đòi ly khai đứng sau vụ việc này, cũng là điều có thể xảy ra. Người Kurd có thể trả thù Ankara vì những gì đang xảy ra ở miền Bắc Syria trong thời gian qua. Tuy nhiên, giả thuyết này có ít cơ sở nhất. Thật khó để tưởng tượng rằng một người có liên quan đến người Kurd là một sĩ quan cảnh sát của Thổ Nhĩ Kỳ.

    NATO đứng đằng sau?

    Giả thuyết cuối cùng được coi là khá nhạy cảm. Một số chính trị gia Nga đã đưa ra những lý do rằng, vụ ám sát Đại sứ là kết quả của "một hoạt động bí mật đến từ NATO"? Nếu trong một tình huống đến từ tiểu thuyết hay những bộ phim, đây là một giả thuyết hoàn hảo. Nhưng, trên thực tế nó chỉ dừng lại ở thuyết âm mưu nhiều hơn, bởi câu hỏi được đặt ra ở đây là mục đích để làm gì và NATO có cần thiết phải mạo hiểm đến mức sử dụng một hành động dễ dẫn đến một cuộc chiến như vậy hay không?

    Thực tế là một số chính trị gia thích những lý thuyết như vậy bởi nó diễn ra trong bối cảnh quan hệ Nga và phương Tây nói chung và giữa Nga và Mỹ nói riêng đang hết sức "lạnh nhạt". “Tuy nhiên, cũng chính vì sự nhạy cảm đó mà kịch bản này không nên được phổ biến trong thời điểm hiện tại”, chuyên gia Geogry Bovt kết luận.

    MẠNH KIÊN

    (Theo Russia Beyond Headlines) 

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dai-su-nga-bi-am-sat-hanh-dong-don-le-hay-chieu-tro-cua-thuyet-am-muu-a176138.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    vtc.vn
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan