Điều gì sẽ xảy ra nếu Donald Trump hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran?


Thứ 3, 17/10/2017 | 08:27


Cùng sự kiện

Theo các chuyên gia, nếu Tổng thống Donald Trump thực sự hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran, đây sẽ là hành động gây tổn hại đến uy tín của Mỹ trên trường quốc tế.

Theo các chuyên gia, nếu Tổng thống Donald Trump thực sự hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran, đây sẽ là hành động gây tổn hại đến uy tín của Mỹ trên trường quốc tế.

Hôm 13/10, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thông báo rằng ông muốn loại bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran vì theo ông, Tehran đã không tuân thủ đầy đủ Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA). Như vậy, Quốc hội Mỹ sẽ có 90 ngày xem xét khả năng có tái áp đặt lệnh cấm vận với Iran hay không. Washington đã xác nhận rằng JCPOA thuộc về lợi ích quốc gia của Mỹ và do đó mọi quyết định đều phải cân nhắc kỹ lưỡng.

Trên thực tế, kể từ khi nhậm chức hồi tháng 1/2017, ông Trump đã xem xét hủy bỏ thỏa thuận 2 lần, nhưng lần này ông mới tuyên bố rằng Iran đã đi ngược lại tinh thần của thỏa thuận.

Tổng thống Trump muốn hủy bỏ chương trình hạt nhân với Iran. Ảnh: CNBC

Thỏa thuận Iran vẫn có thể tiếp tục mà không cần Mỹ

Theo luật pháp Mỹ, thỏa thuận của Iran không phải là một hiệp ước chính thức hay một thỏa thuận hành pháp mà là một "cam kết chính trị không ràng buộc". Như vậy, thỏa thuận vẫn sẽ không bị hủy bỏ nếu chính quyền của ông Trump nói rằng nó không còn thuận lợi hoặc không muốn cam kết nữa.

Mỹ chỉ là một trong 8 quốc gia ký kết thỏa thuận này - cùng với Nga, Trung Quốc, Anh, Đức, Pháp, Liên minh châu Âu (EU) và tất nhiên là Iran. Bảy nước đã ký còn lại vẫn ủng hộ thoả thuận này thì thỏa thuận có thể tiếp tục mà không cần sự tham gia của Mỹ.

Bản thân ông Trump có thể hủy bỏ được thỏa thuận?

Về cơ bản, thỏa thuận hạt nhân Iran là một thỏa thuận mà thông qua đó, cộng đồng quốc tế có thể không áp đặt các biện pháp chế tài đối với Iran để đổi lấy cam kết của Iran trong việc áp đặt một số giới hạn về nghiên cứu và phát triển hạt nhân. Nếu Mỹ quyết định áp dụng các biện pháp trừng phạt hạt nhân lên Iran thì sẽ vi phạm JCPOA nhưng điều đó không có nghĩa là kết thúc thỏa thuận.

Tuy nhiên, vấn đề lớn ở đây là trước đó, Iran đã khẳng định họ sẽ rút khỏi thỏa thuận nếu phía Mỹ áp đặt các lệnh cấm vận. Hành động này của ông Trump cũng sẽ khiến Mỹ đối mặt với nhiều rủi ro.

Iran khẳng định rút khỏi thỏa thuận nếu Mỹ áp đặt lệnh cấm vận mới. Ảnh: Wall Street Journal

Hậu quả nếu ông Trump hủy bỏ JCPOA

Sau khi chính quyền Obama ký thỏa thuận hạt nhân Iran vào năm 2015, ông Trump, khi đó còn là ứng viên tranh cử tổng thống Mỹ, đã gọi đây là "thỏa thuận tệ nhất" và tuyên bố sẽ đàm phán lại khi ông lên nắm quyền. Trên thực tế, thỏa thuận đột phá này là kết quả của sự đồng thuận hiếm hoi. Sau nhiều năm trì hoãn, Trung Quốc và Nga đã cùng với các thành viên thường trực khác của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) ủng hộ Mỹ gây sức ép buộc Iran thay đổi chính sách.

Theo thỏa thuận, Iran đã đồng ý đóng cửa các cơ sở hạt nhân và cho phép quan sát viên Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) tới đây thanh tra để đổi lại việc Mỹ và các quốc gia khác dỡ bỏ lệnh cấm vận. Trên thực tế, sau khi ký kết JCPOA, Iran đã thực sự đóng cửa các cơ sở làm dầu uranium.

Mặc dù sau hơn 1 năm ký kết JCPOA, Iran không thực sự ngừng hoàn toàn chương trình nghiên cứu, phát triển vũ khí hạt nhân khiến Mỹ và các quốc gia phương Tây liên tục đề phòng, quan sát xong không thể phủ nhận thỏa thuận này có ý nghĩa quen trọng với an ninh quốc tế.

Vậy nên, nếu Washington thực sự xem xét hủy bỏ JCPOA, ngay lập tức, Tehran có thể đi trước một bước bằng cách hủy bỏ thỏa thuận, trục xuất các thanh tra và tăng tốc phát triển chương trình hạt nhân - bình luận viên Evan Osnos đưa ra kịch bản tiềm ẩn dự báo hậu quả.

Chính quyền Donald Trump sẽ khó tập trung lực lượng vì phải đối phó với các mối đe dọa khác như khủng bố IS ở Syria, Iraq và nguy cơ chiến tranh hạt nhân với Triều Tiên. Ảnh: Daily Mail

Để ngăn chặn, Mỹ hoặc Israel sau đó sẽ phải đánh phủ đầu nhắm vào các cơ sở hạt nhân Iran để ngăn ngừa nước này sở hữu vũ khí hạt nhân. Hành động như vậy có thể dẫn đến hậu quả đặc biệt nguy hiểm vì hiện tại Mỹ cũng đang đối diện nguy cơ chiến tranh hạt nhân với Triều Tiên.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, một quốc gia đồng minh của Mỹ và láng giềng với Iran từng ám chỉ khả năng sử dụng hành động quân sự để ngăn chặn chương trình hạt nhân Iran vào năm 2012 vì cho rằng người hàng xóm sắp vượt qua "lằn ranh đỏ" trong việc sở hữu vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, nhiều quan chức Mỹ thời điểm đó đã lên tiếng cảnh báo Israel về ý định này.

Các chỉ huy quân sự Mỹ cho rằng bất cứ hành động quân sự nào nhắm vào Iran sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng hành động của các lực lượng Mỹ ở khu vực, khi tuyến tiếp tế trọng yếu với các đồng minh Mỹ ở vùng Vịnh dễ dàng bị Iran cắt đứt. Hải quân, không quân và lực lượng bộ binh Mỹ phụ thuộc rất lớn vào nguồn nhiên liệu và tiếp tế từ các căn cứ quân sự ở vùng Vịnh.

Ngoài ra, khi tham gia JCPOA, chính quyền ông Obama và những người ủng hộ khác đã xem đây là một bước đột phá lớn nhằm giảm thiểu căng thẳng, nguy hiểm tại khu vực Trung Đông – nơi mà bạo lực, chiến tranh, khủng bố ở khắp Syria, Iraq và Yemen. Nếu thỏa thuận bị phá vỡ ngay trong tình hình hiện tại, khi cục diện hỗn loạn ở Trung Đông chưa thực sự chấm dứt, chắc chắn Mỹ cùng các lực lượng liên quân sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

(Theo Haazetz)
 

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dieu-gi-se-xay-ra-neu-donald-trump-huy-bo-thoa-thuan-hat-nhan-iran-a205453.html