Forbes: Tăng trưởng nhanh, Việt Nam sắp trở thành “con hổ” thứ 5 ở châu Á


Thứ 3, 16/01/2018 | 12:07


Cùng sự kiện

Một bài viết đăng trên tạp chí Forbes nhận định, với mức tăng trưởng kinh tế nhanh như hiện tại, Việt Nam có thể sẽ sớm trở thành con hổ lớn thứ 5 châu Á.

Một bài viết đăng trên tạp chí Forbes nhận định, với mức tăng trưởng kinh tế nhanh như hiện tại, Việt Nam có thể sẽ sớm trở thành con hổ lớn thứ 5 châu Á.

Forbes mới đây đã đăng tải bài viết có tựa đề “Việt Nam đang theo công thức tiền tệ của các con hổ châu Á để tăng trưởng kinh tế nhanh” của tác giả Salvatore Babones, một giáo sư Xã hội học thuộc Đại học Sydney, trong đó đưa ra những nhận xét và dự đoán tích cực với kinh tế Việt Nam trong tương lai.

Vào tháng 4/2016, Việt Nam đã bổ nhiệm Thống đốc trẻ nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là ông Lê Minh Hưng. Ông Hưng là một nhà kinh tế học từng học tập, nghiên cứu tại Nhật Bản, có quan hệ gần gũi với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Phát triển Châu Á. Chỉ trong một thời gian ngắn kể từ khi ông Hưng nhậm chức, kho dự trữ ngoại tệ của NHNN đã tăng từ 40 tỷ USD lên gần 55 tỷ USD vào cuối tuần trước.

Nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng nhanh. Ảnh: AP

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dường như đang tận dụng lợi thế của đồng tiền bị mất giá để mua USD trên đà hồi phục. Nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh, dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào mạnh dẫn đến việc tiền Việt Nam phải chịu áp lực tăng giá. Thống đốc Lê Minh Hưng đã đạt được thành công đáng ghi nhận trong việc cải thiện vị thế dự trữ của NHNN.

Tăng dự trữ ngoại ngối là chính sách đúng đắn đối với một nền kinh tế hướng tới xuất khẩu như Việt Nam. Nhật Bản và 4 con hổ châu Á khác là Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông và Singapore đã từng theo đuổi chiến lược tương tự trong những thời kỳ tăng tưởng kinh tế đỉnh cao của họ. Hiện nay, Trung Quốc cũng lựa chọn tương tự.

Trung Quốc để đồng tiền của mình trượt giá trong suốt 15 năm đầu tiên khi bắt đầu cải cách. Tuy nhiên, vào ngày 1/1/1994, Trung Quốc đã lần cuối thực hiện phá giá đồng nhân dân tệ mạnh để chuyển từ một đồng tiền được định giá cao sang vị thế được định giá thấp. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc sau đó đã để đồng nhân dân tệ tăng giá một cách từ từ và đều đặn, dự trữ ngoại hối đạt tới 4.000 tỷ USD, mức cao nhất trên thế giới.

Đồng tiền ổn định là tài sản tốt nhất mà một quốc gia đang phát triển có thể có. Nó thu hút các nhà đầu tư nước ngoài bằng cách cho họ sự tự tin để đổ vốn vào trong thời gian lâu dài, đảm bảo rằng họ luôn có thể thu về lợi nhuận những ngày sau đó. Nó cũng thuyết phục các nhà đầu tư địa phương giữ tiền ở trong nước thay vì gửi ra nước ngoài để được an toàn.

Tiền tệ bị định giá thấp thực chất mang lại nhiều lợi ích. Ảnh: Getty

Một loại tiền tệ ổn định nhưng liên tục bị định giá thấp còn có một tác dụng khác, đóng vai trò như một loại thuế thu nhập lũy tiến có lợi cho người nghèo. Nó nhằm vào những người giàu có, mua hàng nhập khẩu một cách không cân xứng đồng thời tiết kiệm cho người nghèo – những người tiêu dùng gần như chỉ sử dụng các sản phẩm địa phương như thực phẩm và nơi ở.

Chiến lược giữ cho đồng tiền tệ trong nước được định giá thấp để nhắm đến việc tăng trưởng theo định hướng xuất khẩu là cực kỳ dễ thực hiện, ít nhất là từ quan điểm kỹ thuật. Tất cả các thống đốc ngân hàng trung ương có kỷ luật phải làm là bán đồng nội tệ khi đồng tiền đó có xu hướng sẽ tăng giá.

Hầu hết các nước đang phát triển thất bại vì những người giàu có thích một loại tiền tệ mạnh để họ có thể mua hàng xa xỉ nhập khẩu, đi nghỉ ở nước ngoài, và lấy tiền ra khỏi đất nước với mức giá tốt nhất có thể. Điều đó khiến kinh tế tăng trưởng nhưng lại tạo ra sự bất ổn. Các quốc gia có tiền tệ quá giá trị cuối cùng sẽ phải kêu gọi IMF hỗ trợ cho vay các khoản tiền khẩn cấp khi bong bóng không ngừng nổ.

Theo tác giả bài viết, nếu Thống đốc Lê Minh Hưng và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thể duy trì đồng tiền nội địa với định giá thấp trong vòng từ 20 đến 30 năm, Việt Nam sẽ có cơ hội trở thành con hổ thứ 5 châu Á. Trung Quốc hiện đang trì trệ ở mức thu nhập trung bình, Việt Nam có thể khiến mọi người ngạc nhiên với sự chuyển mình mạnh mẽ ở giữa thế kỷ.

Đó không phải là một dự đoán mà là một khả năng hoàn toàn có thể xảy ra. Tốc độ thay đổi ở Châu Á là huyền thoại, và Việt Nam đang ngày càng có nhiều bước tiến đáng ghi nhận.

PHƯƠNG PHƯƠNG (Theo Forbes)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/forbes-tang-truong-nhanh-viet-nam-sap-tro-thanh-con-ho-thu-5-o-chau-a-a216594.html