+Aa-
    Zalo

    Giữa “vòng kim cô trừng phạt” Bình Nhưỡng bị cáo buộc tấn công vào tiền ảo

    ĐS&PL Tuần qua, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã thông qua lệnh trừng phạt Triều Tiên nhằm đáp trả vụ thử hạt nhân lần thứ 6 của Bình Nhưỡng hồi đầu tháng.

    Sau lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc được cho là “đòn chí mạng” giáng vào Triều Tiên, tưởng rằng quốc gia này sẽ chùn tay, tuy nhiên sáng 15/9 vừa qua, Bình Nhưỡng lại gây chấn động bằng vụ thử tên lửa đầy thách thức. Không những thế, theo một thông tin mới được tiết lộ, Triều Tiên nhiều khả năng sẽ sử dụng tiền ảo bitcoin như một công cụ mới, nhằm gây quỹ và giao dịch để tránh những tác động tiêu cực sau lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc.

    Tuần qua, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã thông qua lệnh trừng phạt Triều Tiên nhằm đáp trả vụ thử hạt nhân lần thứ 6 của Bình Nhưỡng hồi đầu tháng. Theo đó, lệnh cấm vận mới không cho phép Triều Tiên xuất khẩu hàng may mặc, hạn chế nhập khẩu những sản phẩm từ dầu mỏ, khí thiên nhiên và thuê lao động Triều Tiên ở nước ngoài...

    Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

    Đáng chú ý, đối với Triều Tiên, dệt may là nguồn thu xuất khẩu lớn thứ nhì của đất nước, chỉ sau xuất khẩu than, khoáng sản. Năm 2016, công nghiệp dệt may mang lại doanh thu gần 1 tỷ USD cho Bình Nhưỡng, trong đó 80% lượng hàng được xuất khẩu sang quốc gia láng giềng Trung Quốc.

    Giới quan sát nhận định, đây là lệnh trừng phạt khắc nghiệt nhất mà Triều Tiên phải hứng chịu từ trước tới nay. Theo ước tính, Bình Nhưỡng có thể sẽ thiệt hại thêm khoảng 1,3 tỷ USD doanh thu mỗi năm. Riêng những biện pháp cấm vận trước đó đối với ngành dệt may đã khiến nước này thiệt hại khoảng 726 triệu USD mỗi năm, theo Bloomberg.

    Theo một báo cáo vừa được công bố từ công ty an ninh FireEye, những hacker của Triều Tiên đang gia tăng thực hiện tấn công các vụ giao dịch bằng tiền ảo ở Hàn Quốc và một số website liên quan. Ngoài ra, Bình Nhưỡng bị cáo buộc là có dính líu tới vụ mã độc tống tiền WannaCry, một trong những vụ tấn công mạng quy mô toàn cầu, yêu cầu nạn nhân phải nộp tiền chuộc để lấy dữ liệu trên máy tính bằng bitcoin.

    Theo Bloomberg, Triều Tiên quan tâm tới bitcoin trong bối cảnh vật giá ngày càng tăng, cùng với đó là sự phổ biến của các hoạt động giao dịch bằng tiền ảo. Nó có thể trở thành công cụ hữu ích giúp Bình Nhưỡng gây quỹ, hoặc tiến hành các hoạt động rửa tiền.

    “Chắc chắn những lệnh cấm vận sẽ là đòn bẩy lớn thúc đẩy các hoạt động (đánh cắp bitcoin) này của Bình Nhưỡng. Họ có thể coi đó như một phương thức giá rẻ để thu về tiền mặt”, Luke McNamara, một chuyên gia nghiên cứu, đồng thời là tác giả của bản báo cáo từ công ty an ninh FireEye, nhận xét.

    Theo báo cáo đó, từ đầu năm tới nay, FireEye đã xác minh ít nhất 3 vụ tấn công nhằm vào các giao dịch từ Hàn Quốc. Một vụ hồi tháng Năm có thể đã thành công. Cũng trong khoảng thời gian đó, truyền thông Hàn Quốc cho rằng sàn giao dịch Yapizon tại Seoul đã mất khoảng 3.800 bitcoin (tương đương khoảng 15 triệu USD) do bị đánh cắp, dù FireEye nói rằng không có đủ bằng chứng cho thấy Bình Nhưỡng có liên quan.

    Nhà lãnh đạo Kim Jong-un và các quan chức Triều Tiên tại một khu tổ hợp khoa học– công nghệ vào năm 2015.

    Hiện tại, bộ Viễn thông của Triều Tiên im lặng trước những email chất vấn về vấn đề này. Trong khi đó, các quan chức ngoại giao và những kênh truyền thông chính thức của Bình Nhưỡng phủ nhận mọi vai trò liên quan trong những vụ tấn công mạng, bao gồm cả vụ hack vào hệ thống của hãng Sony vào năm 2014. Những hoạt động của Triều Tiên khiến Hàn Quốc tin rằng Bình Nhưỡng đang tích cực mở rộng trọng tâm từ những hoạt động gián điệp quân sự, sang đánh cắp tài chính.

    Theo Bloomberg, Hàn Quốc dễ trở thành mục tiêu tấn công mạng của Triều Tiên bởi họ không chỉ sử dụng hệ ngôn ngữ tương đương mà còn vì Hàn Quốc là một trong những trung tâm giao dịch thương mại bận rộn nhất thế giới bằng bitcoin và tiền kỹ thuật số.

    Bithumb đặt tại Seoul là một trong những sàn giao dịch bằng ethereum (một phiên bản tiền ảo mới tương tự bitcoin). Hồi tháng Sáu, Bithumb cho hay, các hacker đã đánh cắp thông tin khách hàng từ một máy tính của nhân viên hãng và cho tới nay vẫn chưa xác định được kẻ tấn công.

    Triều Tiên được cho là sẽ tích cực tấn công vào các giao dịch tiền ảo trong thời gian tới.

    Theo FireEye, nếu hacker muốn chuyển bitcoin hay ethereum thành USD hoặc WON, họ phải chuyển chúng thành những loại tiền ảo khó tìm ra như Monero và sau đó mới chuyển thành hai loại tiền chính thức nêu trên. Một kỹ thuật tương tự đã được sử dụng để hack toàn bộ các ví bitcoin có liên quan tới phần mềm mã độc WannaCry.

    Những cuộc tấn công nhằm vào các sàn giao dịch Hàn Quốc chủ yếu được thực hiện thông qua gửi email chứa mã độc tới những mục tiêu cụ thể...

    “Càng nhiều tiền chảy vào các giao dịch ảo và càng nhiều người mua bitcoin hay ethereum thì chúng càng dễ trở thành mục tiêu tấn công của nhóm này”, McNamara cho hay. Ông này nói, tới nay vẫn chưa có bằng chứng cho thấy Triều Tiên đứng sau những vụ tấn công nhằm vào giao dịch tiền ảo ở ngoài Hàn Quốc, nhưng ông cũng không loại trừ khả năng này trong tương lai.

    Có thể nói, những lệnh trừng phạt của Mỹ và Liên Hợp Quốc đối với Triều Tiên đã thúc đẩy Bình Nhưỡng tìm ra những phương thức mới để duy trì chương trình tên lửa và hạt nhân trước những áp lực từ phía Washington và nhiều quốc gia đồng minh khác. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng, những lệnh trừng phạt mới mới chỉ là một bước nhỏ, chưa là gì so với những điều buộc sẽ phải làm trong tương lai để đối phó với Bình Nhưỡng.

    D.T

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/giua-vong-kim-co-trung-phat-binh-nhuong-bi-cao-buoc-tan-cong-vao-tien-ao-a202139.html
    Sự kiện: Thế giới 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    vtc.vn
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan