Hiệu ứng Bilbao và cuộc tranh cãi bất tận về các công trình nghệ thuật "nghìn tỷ"


Thứ 4, 17/10/2018 | 03:49


Nhìn lại nguồn gốc “cơn sốt Bilbao” từ 2 thập kỷ trước để thấy sức mạnh của một công trình nghệ thuật đối với kinh tế một thành phố cũng như những thách thức về xã hội.

Nhìn lại nguồn gốc “cơn sốt Bilbao” từ 2 thập kỷ trước để thấy sức mạnh của một công trình nghệ thuật đối với kinh tế một thành phố cũng như những thách thức về xã hội, an ninh.

Bảo tàng Guggenheim của kiến trúc sư Gehry ở Basque, Tây Ban Nha - Ảnh: Getty

Nguồn gốc của bảo tàng kỳ diệu

Bảo tàng Guggenheim lần đầu tiên được chính nhà vua Juan Carlos I và hoàng hậu Tây Ban Nha đề nghị xây dựng vào năm 1991 bị giới chuyên gia kinh tế coi là một “cú mạo hiểm”. Chi phí hàng triệu đô la để thi công và mời kiến trúc sư nổi tiếng Gehry ở thời điểm đó là vấn đề lớn với thành phố công nghiệp Basque đang gánh chịu hậu quả nặng nề từ suy thoái kinh tế.

Tuy nhiên, 2 thập kỷ sau ngày khánh thành, công trình đã trở thành tòa nhà có ảnh hưởng nhất lịch sử hiện đại. Thành tích của bảo tàng thể hiện bằng số lượng khách du lịch và dòng vốn đầu tư đổ về, được công nhận trên phạm vi toàn cầu và nhận cơn mưa lời khen từ truyền thông quốc tế. Những bức ảnh chụp tại bảo tàng đăng tải trên Instagram đều có những cụm từ như “tuyệt vời”, “nghệ thuật” và “phi thường”. Công trình đã hồi sinh niềm tin rằng kiến ​​trúc có thể đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế, giữ nguyên vẻ đẹp của sáng tạo nghệ thuật và mang lại danh tiếng lẫy lừng.

Kiến trúc sư Gehry là người duy nhất bất ngờ về sức lan tỏa của công trình. Với những nhà đầu tư và hội đồng thành phố, mọi thứ đều nằm trong kế hoạch. Juan Ignacio Vidarte, giám đốc bảo tàng, đã tham gia vào kế hoạch xây bảo tàng từ đầu những năm 90, khẳng định đây là "một dự án chuyển đổi", một chất xúc tác cho kế hoạch rộng lớn hơn nhằm thay đổi hoàn toàn hình ảnh của thành phố công nghiệp nhàm chán.

Hiện nay, bảo tàng đón khoảng một triệu khách mỗi năm và cán mốc 20 triệu lượt khách trước ngày sinh nhật lần thứ 20.

Đó không phải là một ý tưởng hoàn toàn mới. Thành phố Sydney trước đó đã chứng minh giá trị của một nhà hát biểu tượng như Paris với Trung tâm Pompidou nhưng chỉ đến Bilbao, làn sóng xây dựng các công trình mới lan rộng và được tác giả Witold Rybczynski gọi tên trong cuốn sách Atlantis của ông là “hiệu ứng Bilbao”.

“Hiệu ứng Bilbao”

Theo đó, Frankfurt, Glasgow và Pittsburgh, vào đầu những năm 2000, đã phấn đấu để nâng cao hình ảnh thành phố bằng cách xây dựng biểu tượng văn hóa như bảo tàng, nhà hát. Điều khiến Bilbao nổi bật hơn tất cả là mức độ tương phản giữa tình trạng xuống cấp của thành phố và tham vọng sử dụng nghệ thuật kiến ​​trúc để nắm lấy cơ hội toàn cầu hóa du lịch.

Một thỏa thuận về thương mại quốc tế giữa các thương hiệu bảo tàng cũng nhanh chóng được tạo ra. Bảo tàng Louvre Abu Dhabi đã chi một số tiền lớn để được Quỹ Guggenheim mượn lại thương hiệu, một số bộ sưu tập quý giá và cả đội ngũ quản lý. Đổi lại, Ả Rập sẽ cung cấp cho Bilbao những món đồ cổ đắt giá để trưng bày và cổ phần của những khu đất quanh bảo tàng mới để đầu tư.

Cơn sốt Bilbao kéo dài trong nhiều năm và Guggenheim luôn thêm củi vào ngọn lửa ấy. Các cơ quan công quyền ở West Bromwich, ở Denver, ở Metz đều tận dụng "hiệu ứng Bilbao" để "khởi động quá trình hồi sinh.

Ở Tây Ban Nha, trong những năm suy thoái kinh tế, các thành phố trở nên ưa chuộng đầu tư vào những di tích văn hóa hoặc lịch sử. Mặt khác, các nhà đầu tư cũng chuyển hướng sang ngành công nghiệp du lịch và bất động sản nhờ trào lưu từ bảo tàng này.

Trung tâm Pompidou tại Metz, Pháp khánh thành năm 2010 - Ảnh: Getty

Một số công trình tiêu biểu xuất hiện từ làn sóng này có thể kể tới bảo tàng Ordos ở Trung Quốc khánh thành năm 2011, trường cao đẳng nghệ thuật West Bromwich mở cửa năm 2008.

Những luồng quan điểm đa chiều

Mỗi công trình nghệ thuật triệu đô, trên thực tế, đều thu hút sự chú ý từ dư luận với các luồng ý kiến đa chiều và nhiều cuộc tranh cãi gay gắt. Trong khi chính quyền địa phương tin tưởng vào sự mạo hiểm, số đông người dân có thể không tán thành. Các nhà đầu tư, ngược lại, luôn biết cách tận dụng những kẽ hở, thành công và cả thất bại của một mảnh đất để kiếm lời.

Hơn nữa, việc xây dựng một công trình lớn luôn đòi hỏi có sự đồng bộ với cảnh quan thành phố. Kiến trúc sư Gehry vốn đã quen thuộc với những lời chỉ trích vẫn cảm thấy nghi ngại khi cơn bão phản đối nhắm tới bảo tàng của ông với lý do quy hoạch thành phố Basque những năm 90 không phù hợp.

Ông kể lại trên tờ Guardian: “Họ nói: 'Ông Gehry, chúng tôi cần một thứ như Nhà hát Opera Sydney. Thị trấn của chúng tôi sắp chết rồi”. Tôi khá bối rối và đáp rằng sẽ cố gắng hết sức nhưng không thể bảo đảm điều gì”.

Tuy nhiên, làn sóng phản đối mạnh mẽ hơn thế. Dọc theo bảo tàng của Gehry là một hàng rào hoa sống động và đắt tiền được thiết kế bởi Jeff Koons và Hugo Boss. Ngay trước ngày bảo tàng mở cửa, 3 kẻ khủng bố ly khai Basque đã cố gắng đóng giả người làm vườn để đặt bom. Tuy sớm bị phát hiện nhưng nhóm tội phạm đã khiến một cảnh sát thiệt mạng trong vụ đấu súng.

Sự cố trở thành biểu tượng cho những xung đột giữa chính quyền và nhóm đối lập vào thời điểm đó, giữa nghệ thuật kiến trúc bay bổng và tội ác phàm tục. 2 thập kỷ sau, bất chấp mọi tiên đoán về một thất bại thảm hại, bảo tàng Guggenheims của Gehry đã là động lực cho Rio de Janeiro, Las Vegas, Guadalajara, Taichung, hạ Manhattan và Abu Dhabi thay đổi đường chân trời của mình.

Thu Phương (Theo Guardian/ Independent/ SCMP)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/hieu-ung-bilbao-va-cuoc-tranh-cai-bat-tan-ve-cac-cong-trinh-nghe-thuat-nghin-ty-a247817.html