Kết quả bầu cử Malaysia 2018 sẽ ảnh hưởng gì đến khối ASEAN?


Thứ 4, 25/04/2018 | 02:03


Cuộc bầu cử lần thứ 14 của Malaysia (GE14) vào 9/5 tới sẽ có nhiều ảnh hưởng sâu rộng với các quốc gia Đông Nam Á.

Cuộc bầu cử lần thứ 14 của Malaysia (GE14) vào 9/5 tới sẽ có nhiều ảnh hưởng sâu rộng với các quốc gia Đông Nam Á.

Cuộc bầu cử sắp tới tại Malaysia được truyền thông nước này đánh giá là cuộc đua khó đoán và cạnh tranh nhất trong lịch sử quốc gia. Chính phủ Barisan Nasional (BN), do Thủ tướng Najib Tun Razak - người đang phải đối mặt với những thách thức mạnh mẽ về tính hợp pháp chính trị và sự sống còn của sự nghiệp chính trị, đang làm tất cả những gì có thể để giữ vững vị trí. Đối thủ chính của ông Najib là cựu cố vấn và Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad – lãnh đạo của liên minh Pakatan Harapan (PH) theo chủ nghĩa dân tộc.

Thủ tướng Najib Razak và cựu Thủ tướng Mahathir - Ảnh: FMT

Với sự khác biệt cơ bản trong đường lối ngoại giao với khu vực, kết quả cuộc bầu cử này sẽ đánh dấu một thời kỳ mới trong khu vực, khối các nước ASEAN.

ASEAN với Malaysia trong 10 năm vừa qua

Ngay từ khi bắt đầu nhiệm kỳ của mình, Thủ tướng Najib đã tìm cách nâng cao vị thế toàn cầu của Malaysia, đặc biệt trong khối ASEAN. Thành công trong chính sách đối ngoại được đảng BN đặc biệt chú trọng. Lý do cho chính sách này là một phe đối lập chính trị đáng gờm trong nước đã có những bước tiến đáng kể từ sau thất bại bầu cử năm 2008. Từ năm 2013, các thách thức về chính trị, kinh tế và xã hội đã làm suy yếu hình ảnh của ông Najib một cách đáng kể. Tranh thủ được sự ủng hộ quốc tế là điều BN có thể cân bằng.

Dù đã trải qua nhiều thay đổi trong nhân sự quốc hội và biến động trên thế giới, không thể phủ nhận đảng cầm quyền hiện tại đã cố gắng đảm bảo các tuyên ngôn của họ với ASEAN từ 10 năm trước. Giữ vị trí chủ tịch ASEAN trong năm 2015, chính quyền ông Najib đã có nhiều động kết nối khối kinh tế ASEAN. Malaysia cũng tiếp tục tham gia vào hoạt động cứu trợ nhân đạo tại các khu vực xung đột, như Mindanao (Phillipines), miền nam Thái Lan, và gần đây hơn là bang Rahkine (Myanmar).

Thủ tướng Malaysia Najib Razak và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc - Ảnh: Malaykini

Tuy nhiên, vấn đề chính sách đối ngoại quan trọng nhất đối với GE14 lại là mối quan hệ của Malaysia với Trung Quốc. Không ngạc nhiên khi chính phủ BN đã cố gắng kết nối chặt chẽ hơn với Trung Quốc để cải thiện hiệu quả kinh tế và tính hợp pháp chính trị. Một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất của việc này là sự hỗ trợ sâu sắc của Malaysia trong chiến lược ​​Một vành đai - Một con đường của Trung Quốc. Điều này có thể đã là hành động đầu tiên kéo theo một số nước trong khối ASEAN nghiêng về Bắc Kinh như Campuchia, Indonesia…

Giới tinh hoa chính trị của Trung Quốc thừa nhận rằng quan hệ Trung-Malaysia đang đi đầu trong chiến lược ngoại giao của Trung Quốc với ASEAN. Đối với Trung Quốc, sự mở đường của Malaysia là chìa khóa quan trọng giúp kết nối với khu vực phức tạp nhiều quốc gia nhỏ với sự đa dạng về văn hóa, đông đúc về dân cư và khác biệt về thể chế. Ngược lại, một người dẫn đầu như Malaysia cũng sẽ đặt Đông Nam Á trước cơ hội hợp tác và nguy cơ bị thao túng bởi “ông lớn” phương Bắc.

Và sau kỳ bầu cử GE14…

Trước cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ, không rõ Malaysia có thể tiếp tục duy trì vị trí trung lập bao lâu với sự phụ thuộc kinh tế ngày càng tăng vào Trung Quốc. Cựu thủ tướng Mahathir đã tận dụng điều này như một điểm yếu của đảng đối lập để khai thác. Nếu đảng PH của ông Mahathir nắm quyền, rõ ràng là khối ASEAN sẽ mất đi một cầu nối ngoại giao với Bắc Kinh nhưng giữ được sự độc lập và chính sách tự do cho các chính phủ.

Ở giai đoạn này, vẫn còn quá sớm để đánh giá tác động thực tế của những dự đoán trên sau cuộc bầu cử với Đông Nam Á. Tuy nhiên, các vấn đề chính sách đối ngoại chắc chắn sẽ được cả hai đối thủ khai thác tối đa để đoạt được sự tín nhiệm từ cử tri.

Thu Phương (Theo Diplomat)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ket-qua-bau-cu-malaysia-2018-se-anh-huong-gi-den-khoi-asean-a227524.html