Khủng bố IS bỏ lại ‘đế chế tài chính’ hàng trăm triệu USD sau khi bị tiêu diệt


Thứ 2, 25/03/2019 | 12:26


Cùng sự kiện

Ngay cả khi không có một “đế chế” về mặt vật lý, Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) vẫn có thể tồn tại bằng cách sử dụng ngân sách hàng triệu USD gây ra bạo lực chính trị.

Ngay cả khi không có một “đế chế” về mặt vật lý, Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) vẫn có thể tồn tại bằng cách sử dụng ngân sách hàng triệu USD gây ra bạo lực chính trị.

Khủng bố IS vẫn còn sở hữu rất nhiều tiền bạc, tài sản cho dù đã bị đánh bại. Ảnh minh hoạ: Getty

Ở ngoại ô thủ đô Beirut của Lebanon, Abu Shawkat điều hành một văn phòng chuyên thực hiện các giao dịch chuyển tiền. Tuy nhiên, người đàn ông giấu danh tính thật này hoạt động một cách bí mật, không tiết lộ cho khách hàng địa chỉ văn phòng, mà chỉ hẹn họ tới một con phố gần đó. Việc người này có xuất hiện hay không chỉ phụ thuộc vào vẻ ngoài của khách hàng mà thôi.

Abu Shawkat không phải tên thật của người này. Shawkat là một phần của hệ thống “hawala”, thường được sử dụng để chuyển tiền mặt giữa những khu vực mà hệ thống ngân hàng bị phá vỡ hoặc quá đắt đỏ đối với một số người có nhu cầu. Nếu Shawkat đồng ý giao dịch, khách hàng sẽ đưa tiền cho anh ta và cung cấp mật khẩu. Anh ta sau đó sẽ đưa cho họ thông tin liên lạc của một đầu mối hawala trong thành phố, nơi tiền của họ sẽ được chuyển đến. Bất cứ ai đọc đúng mật khẩu này sẽ được đầu mối đó trao lại đúng số tiền đã chuyển. Bằng phương thức này, tiền mặt được chuyển đi khắp nơi ở Trung Đông mà không có thông tin xác thực về người gửi, người nhận hay mục đích sử dụng của nó.

Hawala từng được các dự án do Mỹ và Anh điều hành sử dụng để chuyển hàng triệu USD cho những tổ chức nhân đạo để trả lương cho nhân viên ở Syria, hoặc để người dân nước này nhận kiều hối từ thân nhân ở nước ngoài. Tuy nhiên, theo tờ Atlantis, Abu Shawkat đã và đang điều hành hawala theo kiểu một cửa hàng mẹ và con. Theo đó, một trong những người khổng lồ của ngành công nghiệp đã chuyển hàng triệu USD mỗi tuần là khủng bố IS.

Ngay cả khi Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do Mỹ hậu thuẫn đã tiêu diệt hoàn toàn phiến quân IS tại sào huyệt cuối cùng ở Syria, "đế chế tài chính" của IS vẫn tồn tại mà Mỹ và các đồng minh khó có thể hạ bệ. Theo ước tính của các chuyên gia, nhóm này vẫn sở hữu nguồn tài chính khổng lồ lên tới hàng trăm triệu USD mạng lưới hawala của mình và tiếp tục vận hành những phương cách kiếm tiền đã áp dụng suốt nhiều năm qua tại Iraq và Syria.

Nguồn tài chính dồi dào này có thể giúp IS níu giữ lòng trung thành của những phần tử cốt cán và gieo kinh hoàng bằng những vụ tấn công khủng bố trong thời gian tới. Bên cạnh đó, lãnh đạo tối cao của IS và nhiều thủ lĩnh vẫn chưa bị tiêu diệt, khiến các nhà quan sát dự đoán rằng phiến quân đang rút vào hoạt động bí mật sau khi bị đánh bại ở Syria.

Sức mạnh tài chính của IS tiếp tục trở thành thách thức lớn hơn đối với chính phủ Syria, Iraq và các quốc gia khác. Trong nỗ lực siết chặt nhóm về mặt tài chính, Mỹ buộc phải dựa vào một chiến lược khác biệt cơ bản so với chiến lược quân sự của mình: vũ khí chính được sử dụng không phải là các cuộc không kích và pháo binh, mà là các công cụ tinh vi hơn, như trừng phạt các doanh nghiệp liên kết với IS, từ chối để những kẻ khủng bố truy cập vào hệ thống tài chính quốc tế và âm thầm hợp tác với các tổ chức cực đoan trên toàn cầu. Chiến dịch có thể sẽ mất nhiều năm để tiến hành và không có gì đảm bảo chiến thắng.

Cho dù bị đánh bại về mặt quân sự, IS vẫn là mối nguy lớn cho chính phủ Syria, Iraq và các quốc gia khác. Ảnh minh hoạ: AP

Sự kết thúc của những ngày tháng bành trướng, chiếm đóng lãnh thổ của IS ở Iraq và Syria không hẳn sẽ khiếp nhóm khủng bố yếu đi. Một mặt, chúng phải chịu đựng những tổn thất to lớn vì mất đi hai nguồn doanh thu chính: khai thác các mỏ dầu ở Iraq và Syria cũng như đánh thuế công dân sống dưới sự cai trị của chúng. Nguồn thu này từng giúp IS huy động khoảng 1 triệu USD mỗi ngày, biến nhóm thành tổ chức khủng bố giàu nhất thế giới.

Mặt khác, sự mất mát lãnh thổ của IS đã giải phóng nó khỏi các chi phí liên quan đến việc cố gắng xây dựng đế chế tự xưng của mình, cho phép nó tập trung hoàn toàn vào hoạt động khủng bố. Một quan chức giấu tên của Bộ Tài chính Mỹ nói rằng tập đoàn này đang chuyển sang hoạt động giống như người tiền nhiệm al-Qaeda và không còn yêu cầu các nguồn lực tương tự như khi nó cai trị lãnh thổ.

Ngoài ra, dầu mỏ vẫn là nguồn thu quan trọng với IS. Dù không còn ngang nhiên chiếm đoạt các mỏ dầu và xuất lậu ra nước ngoài, phiến quân vẫn có thể kiếm tiền thông qua hoạt động đe dọa, bảo kê mạng lưới vận chuyển dầu khắp Trung Đông.

Sau 5 năm cướp bóc các vùng đất giàu tài nguyên ở Iraq và Syria, IS đang "ngồi trên một núi tiền". "Những gì chúng tôi biết là chúng đã tích lũy được một lượng tiền mặt khổng lồ cùng các tài sản khác", Howard Shatz, chuyên gia kinh tế cấp cao tại RAND, nói. "Nhưng chúng tôi không biết số tiền đó đã đi đâu".

Một phần trong số tiền này dường như đã được IS đầu tư vào các hoạt động kinh doanh hợp pháp. Nhà chức trách Iraq hồi tháng 10 năm ngoái tiến hành một loạt vụ đột kích ở thành phố Erbil và phát hiện những tài liệu cho thấy IS đã đổ tiền vào mọi thứ, từ hoạt động kinh doanh bất động sản cho tới buôn bán xe hơi.

Chiến thắng quân sự trước IS có thể là dịp để Mỹ và các đồng minh ăn mừng, nhưng nó cũng cho phép phiến quân bắt đầu chú trọng vào chiến lược kinh tế từng giúp chúng kiếm được hàng tỷ USD trong những năm qua. Tuy nhiên, IS vẫn còn lợi thế lớn với số vốn khổng lồ. Chúng có thể lợi dựng sự đổ vỡ của hệ thống quản lý nhà nước ở những khu vực bất ổn từ đó tạo ra sản phẩm chính là bạo lực chính trị.

PHƯƠNG PHƯƠNG (Theo Atlantis)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/khung-bo-is-bo-lai-de-che-tai-chinh-hang-tram-trieu-usd-sau-khi-bi-tieu-diet-a268068.html