Liên minh châu Âu sắp thành lập liên minh quân sự riêng


Thứ 3, 14/11/2017 | 13:16


Cùng sự kiện

Liên minh Châu Âu (EU) đã có một bước tiến dài trên lộ trình xây dựng liên minh quân sự riêng bằng việc thông qua hiệp ước quốc phòng chung PESCO.

Liên minh Châu Âu (EU) đã có một bước tiến dài trên lộ trình xây dựng liên minh quân sự riêng bằng việc thông qua hiệp ước quốc phòng chung PESCO.

Theo báo Lao động, Hiệp ước quốc phòng có tên "Cơ chế hợp tác thường xuyên" (PESCO) được 23 nước trong số 28 thành viên EU ký kết hôm 13/11 ở Brussels (Bỉ).

Hiệp ước sẽ có hiệu lực từ tháng 12 tới, khi đó tất cả các nước thành viên sẽ bị ràng buộc về mặt pháp lý trong các dự án của PESCO.

EU sắp thành lập một lực lượng quân sự riêng - Ảnh: Reuters.

Theo Reuters, các nước trong EU như Đức và Pháp đi đầu trong nỗ lực đưa EU tiến gần hơn tới việc có một lực lượng vũ trang thường trực. 5 nước đứng ngoài thỏa thuận này bao gồm Anh, Đan Mạch, Ireland, Bồ Đào Nha và Malta. Đức và Pháp không nhất trí về vai trò tương lai của lực lượng quân đội Châu Âu. Pháp ủng hộ một lực lượng độc lập có khả năng triển khai ở nước ngoài.

Báo Dân trí cho hay, Chủ tịch phụ trách chính sách đối ngoại EU Federica Mogherini đã ủng hộ quyết định này và cho rằng hiệp ước đã đánh dấu “thời khắc lịch sử”. EU sẽ chi 6,5 tỉ USD ngân sách quốc phòng và bắt đầu khởi động PESCO vào tháng 12.

Hiệp ước này bắt đầu được đưa vào bàn bạc từ năm ngoái sau quyết định rút khỏi EU của Anh và những chỉ trích từ Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng các thành viên châu Âu thuộc khối Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) không thực hiện đầy đủ cam kết chi tiêu quốc phòng.

PESCO được giới thiệu như giải pháp dành cho nền quốc phòng châu Âu, nhằm loại bỏ dư thừa, tinh giản các thương vụ quốc phòng, tăng cường mạng lưới vận chuyển rộng khắp khu vực. Ngoài ra các dự án thuộc PESCO còn nhằm mục đích xây dựng chương trình đào tạo chung của lực lượng quân đội.

NATO hoàn toàn tán đồng việc thông qua hiệp ước PESCO. Khối liên minh này cho rằng PESCO sẽ giúp tăng cường năng lực tác chiến và phòng thủ cho quân đội các nước thành viên châu Âu của NATO.

Hằng Thanh (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/lien-minh-chau-au-sap-thanh-lap-lien-minh-quan-su-rieng-a209341.html