Lời kể của người đàn ông sóng sót duy nhất sau hai vụ ném bom nguyên tử ở Nhật Bản


Thứ 5, 09/08/2018 | 08:32


Cùng sự kiện

Tsutomu Yamaguchi là người duy nhất may mắn sống sót sau khi trải qua 2 thảm họa hạt nhân kinh hoàng do Mỹ giáng xuống Nhật Bản, vào cuối Thế chiến II.

Tsutomu Yamaguchi là người duy nhất may mắn sống sót sau khi trải qua 2 thảm họa hạt nhân kinh hoàng do Mỹ giáng xuống Nhật Bản, vào cuối Thế chiến II.

Ông Tsutomu Yamaguchi. - Ảnh: NPR

Bom nguyên tử chỉ được sử dụng để tấn công đúng hai lần trong lịch sử, lần đầu vào ngày 6/8/1945 ở Hiroshima và lần thứ hai sau đó hai ngày tại Nagasaki, Nhật Bản, khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng.

Một người đàn ông Nhật đã có mặt ở hai thành phố vào đúng ngày hai quả bom phát nổ, nhưng đều may mắn sống sót, khiến ông được mệnh danh là "Lucky Yamaghuchi" (Yamaguchi may mắn), theo War History.

Ngày 6/8/1945, khi Mỹ ném quả bom nguyên tử đầu tiên xuống thành phố Hiroshima, ông Tsutomu Yamaguchi khi đó là nhân viên thiết kế tàu chở dầu của Mitsubishi nhận lệnh đi công tác ở thành phố này. 

Theo lệnh của Tổng thống Harry S Truman, lúc 8h15 ngày 6/8/1945, máy bay B-29 Enola Gay của quân đội Mỹ thả quả bom nguyên tử Little Boy xuống trung tâm thành phố Hiroshima. Quả bom chứa khoảng 60 kg uranium 235 và đương lượng 13 kiloton phát nổ cách mặt đất khoảng 600 m. Ngay lập tức, ít nhất 90.000 người chết. 90% nhà cửa ở Hiroshima bị phá hủy hoặc hư hại.

Thành phố Hiroshima sau vụ ném bom. - Ảnh: War in Context.

"Tôi nhớ như in rằng trời hôm đó rất đẹp, không có gì bất thường. Tôi đang đi bộ thì bất ngờ nghe thấy tiếng máy bay ù ù trên đầu. Tôi nhìn lên trời thì thấy chiếc B-29 cùng 2 chiếc dù rơi xuống. Rồi đột nhiên một chớp lửa lóa lên trên bầu trời và tôi bị thổi bay", ông Yamaguchi kể lại. 

“Khi mở mắt, mọi thứ tối đen và tôi tưởng mình đã chết. Lát sau, tôi dần thấy rõ khung cảnh xung quanh và chứng kiến cột khói lửa hình nấm khổng lồ trên bầu trời. Tiếng ồn đã lắng xuống. Tôi nghĩ mình phải chạy khỏi đây nếu không sẽ chết", người đàn ông ở cách tâm chấn khoảng 3 km nhớ lại.

Ông bị bỏng trên mặt và cẳng tay, mất đi tai phải và thủng cả hai màng nhĩ nhưng vẫn sống. Yamaguchi đi tới tòa nhà văn phòng đã bị phá hủy, cố gắng xâu chuỗi lại những gì đã xảy ra. Ông tìm ra hai đồng nghiệp cũng sống sót sau vụ nổ. Khi phát hiện xe lửa vẫn chạy ra khỏi thành phố, họ băng qua tàn tích của Hiroshima đến ga xe lửa để trở về Nagasaki.

"Tôi thấy những người may mắn sống sót. Họ không khóc hay gào thét. Tóc của họ cháy hết và hoàn toàn khỏa thân. Thi thể người nằm la liệt hoặc nổi trên mặt sông. Cả thành phố chìm trong biển lửa", ông Yamaguchi kể.

Nạn nhân của vụ đánh bom trong một bệnh viện ở Hiroshima. - Ảnh: AP

Sau khi trở về nhà, mặc dù bị bỏng, băng quấn đầy người và mất thính lực, ông Yamaguchi vẫn tới nhà máy Mitsubishi ở Nagasaki vào ngày 9/8. Khi ông kể lại sự việc xảy ở Hiroshima, giám sát viên cho rằng ông Yamaguchi bị điên, câu chuyện của ông quá khó tin đối với những người chưa bao giờ chứng kiến vũ khí hạt nhân phát nổ.

Trong khi họ đang nói chuyện, Mỹ thả quả bom hạt nhân thứ hai mang tên Fat Man xuống Nagasaki. Giống những gì ông Yamaguchi chứng kiến ở Hiroshima, thứ dường như là một chấm nhỏ trên bầu trời bỗng nhiên bùng nổ thành ánh sáng trắng rực rỡ. Ông Yamaguchi ngã xuống sàn khi quả bom làm nổ tung tất cả cửa sổ của tòa nhà.

Ông tin rằng dư chấn của vụ nổ Hiroshima lan tới Nagasaki. Trên thực tế, Nagasaki bị tấn công bởi quả bom mới, mạnh hơn cả Little Boy.

Ông Yamaguchi nhận thấy nó giống như những gì ông vừa trải qua ở Hiroshima. Ông vội vàng leo ra ngoài cửa sổ và tháo chạy. Đó là thời khắc quả bom nguyên tử Fat Man rơi xuống phía bắc thành phố Nagasaki, lúc 11h02. Một lần nữa, Yamaguchi thoát chết ở khoảng cách 3 km từ tâm vụ nổ.

"Khi thấy luồng sáng mạnh, tôi biết điều gì đang xảy ra nên nhanh chóng nhảy xuống nước. Vì vậy, ở vụ nổ lần thứ hai, tôi may mắn an toàn", người đàn ông sống sót kì diệu nói.

Cho đến nay, ông Yamaguchi vẫn là người duy nhất được chính phủ Nhật Bản công nhận là người sống sót sau hai vụ nổ bom nguyên tử kép ở Nhật Bản năm 1945.

Ông Yamaguchi bị rụng tóc, vết thương ở Hiroshima liên tục nhiễm trùng và hoại tử, đồng thời ông bị nôn mửa, nhưng ông vẫn sống sót. Ngày 4/1/2010, Yamaguchi qua đời vì ung thư dạ dày ở tuổi 93.

NGUYỄN QUỲNH (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/loi-ke-cua-nguoi-dan-ong-song-sot-duy-nhat-sau-hai-vu-nem-bom-nguyen-tu-o-nhat-ban-a239551.html