Những bí ẩn trong vụ án Kim Jong-nam


Thứ 6, 24/02/2017 | 08:16


Phía cảnh sát Malaysia và Triều Tiên đã công bố rất nhiều tình tiết liên quan đến chết của ông Kim Jong-nam, nhưng dường như càng ngày vụ án này càng trở nên khó hiểu.

Hơn 10 ngày qua, phía cảnh sát Malaysia và Triều Tiên đã công bố rất nhiều tình tiết liên quan đến chết của ông Kim Jong-nam, nhưng dường như càng ngày vụ án này càng trở nên khó hiểu.

Cái chết của ông Kim Jong-nam đang nảy sinh khá nhiều câu hỏi chưa được giải đáp, trong khi các bên truyền thong đang cố tìm cách chắp nối các sự kiện, nhằm tái tạo lại điều gì thực sự đã xảy ra.

Hôm 13/2, ông Kim Jong Nam bị phát hiện tử vong ở sân bay quốc tế Kuala Lumpur. Anh trai của nhà lãnh đạo Kim Jong Un liên tục phải sống lưu vong trong những năm qua. Ông được cho là từng sống ở Ma Cao dưới sự bảo vệ của Trung Quốc.

Căng thẳng giữa Bình Nhưỡng và Kuala Lumpur leo thang xung quanh vụ án này đã khiến Malaysia triệu hồi đại sứ nước này tại Triều Tiên về nước, đồng thời triệu tập đại sứ Triều Tiên để bày tỏ phản đối.

Trước đó, Malaysia là một trong số rất ít quốc gia duy trì quan hệ ngoại giao với Triều Tiên. Công dân hai nước này có thể tự do qua lại lãnh thổ của nhau mà không cần thị thực.

[mecloud]g2vpXtAszz[/mecloud]

Công dân Triều Tiên tử vong có chắc chắn là Kim Jong-nam?

Giới chức Malaysia công bố người bị tấn công ở sân bay Kuala Lumpur là ông Kim Jong Nam, anh trai của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Tuy nhiên, Đại sứ Triều Tiên Kang Chol lại khẳng định người đàn ông mà cảnh sát Malaysia đang điều tra không phải là anh trai của lãnh đạo Bình Nhưỡng, mà là người có tên Kim Chol.

Nhà chức trách Malaysia đã yêu cầu bất cứ ai muốn nhận thi thể người này phải có mẫu ADN để chứng minh quan hệ. Bộ trưởng Y tế Malaysia Subramaniam Sathasivam hôm nay cho biết kết quả khám nghiệm tử thi sẽ được công bố vào ngày 22/2.

Ông Kim Jong-nam - Ảnh: AP.

Theo thông tin từ tờ China Press và trang tin Sin Chew tiếng Trung tại Malaysia, hôm 22/2, Kim Han Sol, con trai của ông Kim Jong Nam, đã đồng ý cung cấp mẫu ADN cho cảnh sát Malaysia để phục vụ điều tra. Quá trình lấy mẫu ADN sẽ được thực hiện dưới sự hỗ trợ của Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol).

Tuy nhiên, ngày 23/2, Tổng thanh tra cảnh sát Malaysia Tan SriKhalid Abu Bakar lại bác bỏ thông tin nói cảnh sát Malaysia đến Macau lấy mẫu ADN.

Ông Khalid cho hay cảnh sát Malaysia vẫn chưa có ý định nói trên và sẽ cho người nhà ông Jong Nam thêm một khoảng thời gian ngắn để cân nhắc.

Phó thủ tướng Malaysia nói rằng Kuala Lumpur có thể sẽ trả lại thi thể ông Kim sau khi hoàn tất quá trình điều tra và các thủ tục y học.

Tại sao lại là thời điểm này và ở sân bay của Malaysia?

Ông Kim Jong-nam ngồi ngửa ra phía sau và có vẻ như đã mất ý thức sau khi kịp nói với các nhân viên sân bay rằng, mình vừa bị xịt chất lỏng bằng tiếng Anh. - Ảnh: Straits Times.

Theo BBC, ông Kim Jong-nam là một người vui tính, quá cân, thích đánh bạc và chơi bời đã từng khiến Bình Nhưỡng phải lúng túng khi ông tìm cách vào Nhật, mà ông nói là định đến Disneyland ở Tokyo.

Ông Kim Jong-nam cũng là người đã chỉ trích người em trai cùng cha khác mẹ, ông Kim Jong-un - tuy nhiên ông vẫn thường bị nhìn nhận là chỉ là “một cái gai” chứ không phải là một mối đe dọa cho sự ổn định của Triều Tiên.

Các nhân viên tình báo cũng đã đưa ra động cơ duy nhất không có gì vững chắc về cái chết của ông Kim là do sự “lo lắng thái quá từ một phía nào đó”. Vậy thì tại sao họ không chọn 1 địa điểm và thời gian kín kẽ hơn, thay vào đó lại chọn một nơi mà có thể dễ dàng bị camera an ninh quay lại như thế này?

Nghi phạm tấn công Kim Jong Nam "được huấn luyện" hay bị lừa?

Nghi phạm mang hộ chiếu Việt Nam có tên Doan Thi Huong (trái) và nghi phạm Siti Aisyah, công dân Indonesia. Ảnh: Reuters.

Chuyên gia nghiên cứu tội phạm cho rằng nghi phạm liên quan tới các chết của ông Kim Jong Nam có thể là dân nghiệp dư vì quá trình phạm tội còn nhiều sơ hở.

"Những người này có thể đã được kẻ chuyên nghiệp thuê vì họ cần tiền và không có giá trị", Datuk Abdul Halim Sidek, giáo sư Malaysia chuyên về an ninh và tội phạm quốc tế cho hay.

Malaysia công bố hình ảnh 4 nam nghi phạm Triều Tiên trong vụ sát hại ông Kim Jong-nam. - Ảnh: AP.

Tờ The Stars cho biết, sự việc diễn ra vào ban ngày tại nơi công cộng và bị camera an ninh ghi lại. Sân bay được lựa chọn bởi đây là nơi ông Kim Jong Nam có thể bị hạn chế di chuyển. Khi các nghi phạm bị bắt, không ai bảo vệ và biện hộ cho họ.

Ông Halim cũng nêu giải thuyết hai nữ nghi phạm có thể không biết nhau từ trước. Việc lựa chọn những người khác quốc tịch cũng khiến các nhà điều tra gặp khó khăn trong quá trình tìm ra kẻ chủ mưu.

Cụ thể, nữ nghi phạm 25 tuổi người Indonesia đang làm việc tại một hộp đêm, không có gia đình và bạn bè ở Malaysia. Cô khai rằng bị dụ dỗ bởi một người lạ, kẻ cho cô tiền để thực hiện thứ được gọi là "trò đùa".

Cũng trong ngày 18/2, cảnh sát Malaysia khẳng định các nữ nghi phạm đã lau chất độc trên mặt ông Kim Jong Nam, sau đó chạy vào phòng vệ sinh rửa tay và rời hiện trường.

Vậy nếu là “trò đùa” thì tại sao nghi phạm Malaysia lại còn phải vào phòng vệ sinh rửa tay một cách nhanh chóng trước khi rời khỏi nơi thực hiện vụ tấn công, trừ khi cô ta phải hiểu rõ đó là chất độc.

Tiếp đó, nguồn tin cảnh sát Malaysai cũng tiết lộ, sau khi tấn công, hai cô gái lên taxi rời hiện trường, 4 người đàn ông tách thành hai nhóm cũng rời khỏi sân bay. Tiếp đó, 6 người gặp nhau tại khách sạn ở Salak Tinggi, một nơi cách Kuala Lumpur khoảng 55 km.

Đến hôm 14/2, người bạn nữ của nghi phạm và 4 nam giới kia nói có việc phải ra ngoài và không trở lại. Nữ nghi phạm khai với cảnh sát vì không thạo đường ở Malaysia và muốn tìm bạn nên đã quay lại sân bay ngày hôm sau. Tại sân bay, người này đã bị bắt.

Vậy nếu là sát thủ chuyên nghiệp thì nghi phạm này có dễ dàng để bị bắt quay lại sân bay với lý do “tìm bạn” như vậy.

Chất độc bí ẩn gây ra cái chết của Kim Jong Nam

Trung tâm Vũ khí Hóa học xác định được chất độc VX trong phân tích sơ bộ, CNA dẫn lời Chánh thanh tra cảnh sát Malaysia Khalid Abu Bakar hôm nay tiết lộ trong thông cáo.

Cảnh sát cho biết, dấu vết của chất độc VX xuất hiện trên mắt và mặt của nạn nhân Triều Tiên, Vnexpress đưa tin.

VX là một trong những vũ khí hóa học phổ biến nhất do người Anh sản xuất vào đầu thập niên 50. Liên Hợp Quốc đã liệt VX vào danh sách vũ khí hủy diệt hàng loạt theo nghị quyết 687. Năm 1958, công thức sản xuất loại vũ khí này rơi vào tay người Mỹ và Washington đã quyết định sản xuất VX trên quy mô lớn vào năm 1961, Tri Thức Trực Tuyến đưa tin.

Loại vũ khí này là hóa chất lỏng, khiến nạn nhân tử vong bằng enzyme exetylcholinesterase. Khi nạn nhân tiếp xúc với nó chắc chắn sẽ tử vong nếu không rửa sạch chất lỏng kịp thời.

Trong điều kiện thời tiết bình thường, VX có thể tồn tại nhiều ngày. Ở môi trường lạnh, VX có thể tồn tại tới vài tháng. Khi nhiễm độc, nạn nhân sẽ gặp các triệu chứng tăng hoặc giảm huyết áp đột ngột, mờ mắt, tức ngực, ho, tiêu chảy, chảy dãi, ra mồ hôi nhiều, buồn ngủ, đau mắt, nhức đầu, tiểu tiện nhiều, đau bụng, thở nhanh, chảy mũi, suy tim, co giật.

Trước đó, hôm 22/2, Đại sứ quán Triều Tiên tại Kuala Lumpur chỉ trích cuộc điều tra của Malaysia, nói rằng ông Kim không chết do chất độc, vì hai người phụ nữ được cho là đầu độc ông cũng dính chất lỏng đó lên tay nhưng vẫn sống sót.

Nghi phạm Ri Jong Chon bị cảnh sát Malaysia bắt giữ hôm 18/2 - Ảnh: Reuters.

New York Times nêu ra giả thiết hai phụ nữ trên đã sử dụng hai loại chất độc riêng biệt và chúng chỉ phát huy độc tố khi được pha trộn với nhau.

Cảnh sát Malaysia cho biết họ vẫn chưa xác định được chất độc, hoặc những chất độc, đã giết chết ông Kim. Theo những thông tin hiện có, một người phụ nữ được cho đã phun chất lỏng lạ vào mặt ông Kim trong khi người còn lại chụp một tấm vải ướt lên mặt ông.

Trong khi đó, Straits Times dẫn nhận định của ông Pierre Champy, một nhà hóa học tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp, rằng ông không biết có loại chất độc nào mạnh đến mức có thể thấm qua da và gây tử vong trong thời gian ngắn như vậy. Tuy nhiên, chất độc có thể đã được xịt vào mũi và miệng hoặc một vết thương hở.

Ông Champy không cho rằng chất độc đã hoạt động bằng cách thấm qua da nên người hạ độc không gặp nguy hiểm.

Theo phía Bình Nhưỡng, dung dịch được sử dụng trong "trò chơi khăm" này không phải thuốc độc và ông Kim Jong Nam đã qua đời vì một nguyên nhân khác. Đại sứ quán Triều Tiên kêu gọi Malaysia "ngay lập tức trả tự do cho các phụ nữ vô tội từ Việt Nam, Indonesia và cả công dân Triều Tiên, Ri Jong Chol, người bị bắt một cách vô lý".

Trước đó truyền thông Malaysia ngày 18/2 cho biết, nghi phạm Ri Jong-chol  bị bắt do có liên quan đến cái chết của ông Kim Jong-nam là người mang hộ chiếu Triều Tiên và kẻ này có thể là chủ mưu

Ri Jong-chol, sinh ra tại Bình Nhưỡng, đã tốt nghiệp ngành khoa học và dược tại một trường đại học ở Hàn Quốc vào năm 2000. Suốt 10 năm, cho tới 2011, người này tham gia nghiên cứu tại một trung tâm ở Kolkata, Ấn Độ.

Nhiều nghi vấn đặt ra rằng, liệu Jong-chol “có phải người tạo ra chất độc dạng lỏng, được cho là dùng để sát hại Kim Jong Nam hay không”.

Trong quá trình điều tra cái chết của ông Kim Jong Nam tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur 2 vào ngày 13/2, cảnh sát Malaysia đã bắt giữ 4 nghi phạm, gồm một người Malaysia và 3 người mang hộ chiếu Triều Tiên, Indonesia, Việt Nam. Nhà chức trách cũng truy nã 4 công dân Triều Tiên khác đang bỏ trốn.

Hôm 23/2, cảnh sát Malaysia đã yêu cầu Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) đưa ra cảnh báo về 4 công dân Triều Tiên liên quan tới cái chết của ông Kim Jong Nam.

(Tổng hợp)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhung-bi-an-trong-vu-an-kim-jong-nam-a182041.html