Nữ doanh nhân gốc Việt chế tạo thiết bị giúp lái xe F1 bằng suy nghĩ


Chủ nhật, 13/01/2019 | 11:52


Một nữ doanh nhân trẻ gốc Việt đang sở hữu những phát minh về trí thông minh nhân tạo gây kinh ngạc trong giới khoa học và công nghệ thế giới.

Một nữ doanh nhân trẻ gốc Việt đang sở hữu những phát minh về trí thông minh nhân tạo gây kinh ngạc trong giới khoa học và công nghệ thế giới.

Tần Lê - nữ doanh nhân gốc Việt - Ảnh: CafeF

Từ một tuổi thơ thiếu vắng cha

Năm 1981, gia đình bà Mai rời Việt Nam nhưng người cha phải ở lại, không thể theo vợ và hai con nhỏ. Vì thế, bà Mai – người mẹ bản lĩnh và đơn độc trở thành trụ cột của gia đình khi đặt chân tới Melbourne, Australia.

Vốn là một trí thức chưa từng phải lao động chân tay, bà Mai phải làm việc nặng nhọc ở các trang trại và nhà máy lắp ráp ô tô để kiếm tiền. Người phụ nữ bỗng chốc trở thành mẹ đơn thân miệt mài làm việc, quên đi cuộc sống của riêng mình.

Sau này, nhà sáng lập kiêm nữ giám đốc của công ty EMOTIV Tần Lê nhớ lại: "Tôi và em tuy còn bé nhưng đã biết mẹ rất vất vả vì mẹ ra khỏi nhà từ sáng sớm đến tối muộn mới về. Mẹ không có thời gian ở cạnh nên chúng tôi phải tự chỉ bảo lẫn nhau và khôn lớn”.

Sau một thời gian ổn định cuộc sống, bà Mai quyết tâm đi học tiếng Anh, lấy được bằng thạc sĩ và trở lại công việc bàn giấy. Bà ứng cử vào Hội đồng thành phố Footscray năm 1993, năm sau bà được bầu làm Phó thị trưởng thành phố Footscray thuộc tiểu bang Victoria.

Năm 1997 bà được bầu làm thị trưởng đầu tiên của thành phố Maribyrnong, một trong 72 thành phố của bang Victoria. Có lẽ tấm gương của bà Mai đã là động lực cho cô con gái làm nên thành công vang dội ở xứ người.

Tần Lê và em gái lớn lên trong sự thiếu vắng tình thương của cha, sự quan tâm sát sao của mẹ nhưng có một điều hai chị em cô nhớ rất rõ là mẹ Mai sẽ không bao giờ cho phép nói chuyện bằng tiếng Anh để giữ nguồn gốc Việt.

Và thành công bắt đầu

Năm 2017, Rodrigo Mendes, một người bị bại liệt ở Brazil đã tự lái được chiếc xe của giải đua công thức một (F1) nhờ sử dụng chiếc mũ đọc sóng não, sản phẩm của EMOTIV – công ty do chính cô gái Tần Lê thành lập khi mới 26 tuổi, có trụ sở ở San Francisco, Mỹ.

Với công nghệ điện não đồ (EEG) kết nối với xe qua hệ thống máy tính, chiếc mũ giúp đo điện não của người đội và cho phép điều khiển xe bằng ý nghĩ. Nhờ chiếc mũ này, Mendes có thể điều khiển xe tăng tốc, phanh, rẽ phải hay trái trong suốt chặng đua. EMOTIV còn hợp tác với Hội đồng Ô tô tự động Hoàng gia Anh (Royal Automotive Council) để tạo ra chiếc xe di chuyển theo mức độ chú ý của tài xế (Attention Powered Car), giúp giảm thiểu tai nạn.

Những chiếc mũ đọc sóng não gọn nhẹ, không dây và phù hợp túi tiền với chức năng xác định trạng thái cảm xúc của mọi người với mức giá khởi điểm là 299 USD đã tiếp cận hơn 80.000 người ở khắp 120 quốc gia trên thế giới.

Tháng 6/2018, công ty ra mắt thêm dòng mũ EPOC Flex có 32 chân cảm biến. Các nhà khoa học của EMOTIV hướng tới mục tiêu điều trị các bệnh liên quan đến cấu trúc và chức năng não như trầm cảm, động kinh, mất trí nhớ (Alzheimer).

Từ trước khi thành lập công ty riêng, cô gái trẻ Tần Lê đã nằm trong danh sách các Nhà lãnh đạo trẻ toàn cầu của Diễn đàn kinh tế thế giới. Năm 2010, Những phụ nữ có tầm ảnh hưởng nhất trên thế giới trong lĩnh vực công nghệ và Top 50 gương mặt cần biết trong năm 2011 của Forbes vinh danh cô – một trong hai người gốc Á duy nhất.

Năm 2016, Tần Lê trở thành một trong những gương mặt tham gia diễn thuyết tại Hội nghị Những người phụ nữ quyền lực nhất thế hệ kế tiếp của tạp chí Fortune. Cô được bình chọn là top 2 phụ nữ quyền lực nhất về Công nghệ thông tin tại Australia và New Zealand. Năm 2018, Tần Lê nhận được giải thưởng Trao đổi nghiên cứu đổi mới vì có thành tựu nổi bật trong sáng tạo và đổi mới cá nhân, đóng góp cho sự phát triển của ngành công nghiệp và vì lợi ích của xã hội. Cũng trong năm ngoái, chân dung của cô được đặt trong Phòng trưng bày chân dung Quốc gia của Australia, cùng 19 gương mặt đại diện tiêu biểu khác của toàn châu Úc.

Ít người biết rằng cô gái trẻ lập nghiệp về trí thông minh nhân tạo từng có thời gian học Đại học Luật danh tiếng ở Úc và có một công việc với mức lương đáng mơ ước ở hãng luật Freehill.

"Tôi từ bỏ công việc có thu nhập tốt để tìm lối đi riêng, dù khi đó chưa có tầm nhìn rõ ràng. Ngành luật không phải hướng tôi muốn theo đuổi thì tại sao tôi lại tiếp tục? Hướng đi khác chưa chắc đúng, nhưng ít nhất nó không phải con đường mình biết sai mà vẫn đi", Tần chia sẻ.

Năm 2015, nhận thấy Mỹ là "hệ sinh thái lý tưởng dành cho công nghệ cao", cô chuyển đến San Francisco để có thể hiện thực hóa những dự định dài hạn của mình. Môi trường linh hoạt, nhạy bén hơn ở Mỹ cũng cho nữ doanh nhân trẻ cơ hội cọ xát, học hỏi.

Giấc mơ Việt Nam

Ngoài trụ sở chính ở Mỹ, công ty của Tần Lê hiện có văn phòng ở Úc và Việt Nam.

"Việt Nam là một phần trong tôi, là quê hương nên tôi muốn phát triển công ty ở đây dù có khá nhiều trở ngại", Tần chia sẻ. Rời quê hương khi còn nhỏ, Việt Nam trong trí óc cô và em gái chỉ là những bữa cơm truyền thống do mẹ nấu và thứ tiếng mẹ đẻ thân thương.

Lần đầu tiên cô trở lại Việt Nam là năm 1999, đến cả Hà Nội và Sài Gòn, Tần ngay lập tức có cảm giác thân thiết và gần gũi với mọi người xung quanh. Phân tích thị trường Việt Nam và nhận thấy nhiều tiềm năng, cô quyết định trở về với ước mơ mang công nghệ cao về chữa bệnh cho cả những người nghèo, thu nhập thấp hoặc trung bình.

"Càng nhiều người xây dựng công nghệ thì nó càng trở nên tốt hơn, dựa trên các trải nghiệm và tư tưởng khác nhau. Như thế, công nghệ mới phản ánh được thực tế trên thế giới, chứ không phải của riêng một nhóm giàu có tưởng tượng ra", Tần tâm sự.

Sau khi chuyển trọng tâm sang xây dựng nền tảng khoa học vững chắc, công ty EMOTIV hiện nay đứng thứ 5 trên thế giới về số lượng các bài nghiên cứu được xuất bản với con số hơn 4.000 bài. Các nhà khoa học tại đây phát triển nghiên cứu đa dạng và bao quát trên quy mô toàn cầu.

Thu Phương (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nu-doanh-nhan-goc-viet-che-tao-thiet-bi-giup-lai-xe-f1-bang-suy-nghi-a259025.html