+Aa-
    Zalo

    Kỳ 1:“Bàn tay ma thuật” và tuyên bố bao cả giấy phép trong khu “quy hoạch trắng"

    ĐS&PL (ĐSPL) - Không xin được giấy phép xây dựng hay chuyển đổi mục đích sử dụng đất, nhà xây lên bị “dọa” đập, có thể nhờ đến “bàn tay ma thuật” của đội ngũ “cò”, bảo kê…

    KHỞI ĐĂNG LOẠT BÀI: Bí mật trong thế giới “bảo kê” xây dựng trái phép tại TP.HCM

    “Cò” bảo kê trong xây dựng hiện hoạt động kín kẽ và lắm chiêu hơn trước đây rất nhiều. Đặc biệt, khi thủ tục, trình tự cấp phép xây dựng thay đổi, các đối tượng cũng mất đi nhiều đất sống. Tuy nhiên, họ vẫn có “việc làm” khi móc nối với các cán bộ thoái hóa biến chất để làm khó và tìm cách móc tiền người dân. Từ việc xin chuyển mục đích sử dụng đất cho đến xin giấy phép xây dựng, bảo kê công trình (nhà, nhà trọ, xưởng...) không bị tháo dỡ. Sau một thời gian thâm nhập thực tế, PV báo ĐS&PL đã phát hiện được không ít vấn đề trong thế giới “bảo kê” xây dựng.

    (ĐSPL) - Không xin được giấy phép xây dựng hay chuyển đổi mục đích sử dụng đất, nhà xây lên bị “dọa” đập, có thể nhờ đến “bàn tay ma thuật” của đội ngũ “cò”, bảo kê… đang hoạt động khá nhộn nhịp, đặc biệt là tại các điểm nóng về xây dựng trên địa bàn TP.HCM.

    “Cò” chuyên gỡ “ca khó”

    Được một đầu mối uy tín giới thiệu, PV báo ĐS&PL tiếp cận một số đối tượng chuyên lo dịch vụ xin giấy phép xây dựng. Khi tiếp xúc với PV, các đối tượng này khẳng định có làm được mới nhận, chứ không làm mất thời gian của đôi bên.

    Trong vai người có lô đất chưa thể chuyển đổi mục đích sử dụng đất (hiện đang là đất nông nghiệp), PV liên hệ với Tâm, một “cò” được cho có “cơ rất mạnh” ở khu vực quận Bình Tân. Quả thật, khi tiếp xúc, Tâm đi thẳng vào vấn đề luôn, có làm được thì mới nhận, còn không thì thôi. Để rõ thực hư về khả năng của “cò” này, PV đã lấy một bộ hồ sơ đất đang bị tranh chấp, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất để xin giấy phép xây dựng. Qua trao đổi, Tâm cho biết: “Hiện nay, đất của anh đang là đất nông nghiệp thì rất khó xin giấy phép. Giờ muốn xin giấy phép xây dựng phải chuyển đổi mục đích sử dụng trước đã. Cái này để em lo cho”.

    Tuy nhiên, PV cho biết rõ hơn về tình trạng pháp lý của lô đất này, hiện đang bị tranh chấp với một hộ kế bên, Tâm tỏ ra lăn tăn một hồi. Sau đó, gã cũng đồng ý “nghiên cứu” và sẽ báo giá cụ thể. “Bây giờ anh phải giải quyết chuyện tranh chấp trước đã, sau đó chuyển đổi mục đích sử dụng đất rồi mới xin giấy phép được. Nếu làm cả ba công đoạn này thì hơi căng. Để em tính rồi báo giá cụ thể cho anh nhé”, Tâm nói.

    Tương tự, tìm đến cò Hồng (quận Bình Tân), khi được cung cấp hồ sơ, giấy tờ, Hồng dò xét: “Phải xem lại quy hoạch rồi mới báo được”. Được biết, Hồng là người có khả năng bảo kê giấy phép xây dựng ở quận Bình Tân. Ngoài việc xin giấy phép xây dựng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, nếu ai đã xây dựng mà bị quận có quyết định xử phạt và yêu cầu buộc tháo dỡ công trình vi phạm thì có thể nhờ Hồng can thiệp.

    Một điểm khác mà theo tìm hiểu của PV hiện rất khó xin giấy phép xây dựng là địa bàn quận Bình Thạnh, tập trung ở phường 28. Đây là địa bàn bị “quy hoạch trắng” trong dự án khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa, đã 30 năm nay chưa triển khai. Vì vậy, việc xin giấy phép xây dựng ở đây hết sức khó khăn. Chính vì vậy, giá đất tại khu vực này cũng khá rẻ, dù có vị trí hết sức đắc địa và gần trung tâm thành phố.

    Đặc biệt, với những thửa đất nông nghiệp, có giấy tờ chung (nhiều lô, nền cùng chung giấy chứng nhận quyền sử dụng đất), mua bán bằng giấy tay thì việc xin giấy phép xây dựng còn khó hơn... lên trời. Vì khi đó, muốn xây dựng, phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất, sau đó mới có thể xin được giấy phép. Tuy nhiên, một số “cò” rao bán đất tại khu vực này vẫn khẳng định có thể bao được giấy phép xây dựng.

    Dù là đất nông nghiệp nhưng một số “cò” vẫn khẳng định có thể “xây dựng tự do”.

    Qua một số mối quen biết, PV tiếp cận với người tên Tuấn, hiện đang rao bán lô đất trong một con hẻm của phường 28 với diện tích 100m2, chung sổ. Tuấn giới thiệu, đất này thích hợp cho việc xây dựng nhà trọ, nhà ở... Gặp chúng tôi, Tuấn “nổ”: “Anh cứ yên tâm, ở đây em có thể lo được cho anh về pháp lý, chuyển đổi mục đích sử dụng đất và xin giấy phép xây dựng cho anh xây thoải mái. Nếu cần anh cứ mua rồi về xây đi, mọi chuyện để em lo cho. Trước đây, khu này cũng xây nhà trọ nhưng do cũ nát quá nên người ta đập bỏ, giờ anh mua về xây lại thì ok mà”.

    Chỗ xử phạt, chỗ “êm ấm”

    Thực tế, nhiều vụ việc liên quan tới cấp phép xây dựng, xin cho công trình được tồn tại khi xây dựng sai phép đang cho thấy có sự nhúng tay của các đối tượng “bảo kê”. Tại quận Bình Tân, đặc biệt ở phường Bình Hưng Hòa, người dân đang vô cùng bức xúc trước tình trạng hàng loạt dãy nhà trọ mọc lên như nấm sau mưa tại khu dân cư phụ trợ nhà ở Khu công nghiệp Tân Bình mở rộng và các khu vực lân cận.

    Theo tìm hiểu của PV báo ĐS&PL, nhiều hộ dân ở đây tùy tiện phá vỡ quy hoạch, không xây dựng nhà liền kề mà thay vào đó là xây nhà trọ cho thuê, nhà kho, cửa hàng... hết sức lộn xộn, nhếch nhác. Và đương nhiên, để xây dựng được công trình, người dân phải chung chi, thậm chí khi xây dựng xong mà có quyết định xử phạt hay yêu cầu buộc tháo dỡ công trình thì vẫn có thể nhờ sự can thiệp của giới “bảo kê”(!?).

    Ông V.Q.K. (ngụ quận Bình Tân, TP.HCM) bày tỏ, ông có xây một dãy nhà trọ để tăng thêm thu nhập cho gia đình. Trong suốt quá trình thi công, xây dựng, ông không để xảy ra bất cứ chuyện gì liên quan đến an ninh trật tự cũng như gây phiền hà cho những người xung quanh. Bên cạnh đó, trong suốt thời gian tiến hành xây dựng, lực lượng quản lý, thanh tra xây dựng đều biết nhưng không có một cá nhân, đơn vị nào kiểm tra hay có ý kiến gì để kết luận là có sai phép hay không.

    “Tuy nhiên, sau một năm, công trình đưa vào sử dụng thì lực lượng chức năng đến lập biên bản vi phạm hành chính với nội dung công trình đã vi phạm mật độ xây dựng và phải tự tháo dỡ phần vi phạm. Điều này là hết sức vô lý khi mà quá trình xây dựng không ai kiểm tra hay xử lý gì cả”, ông K. nói thêm. Mặt khác, ông K. cũng nghi ngờ rằng, có chuyện “bảo kê” trên địa bàn phường về hoạt động xây dựng.

    “Hiện nay trên địa bàn phường Bình Hưng Hòa đang có hàng trăm căn nhà được xây dựng với hiện trạng tương tự như của chúng tôi. Đây hầu hết là dạng nhà cấp 4, được phép xây tạm làm phòng trọ. Hơn nữa, đó không phải công trình kiên cố, không vi phạm lộ giới, chiều cao, không gây mất an toàn... trong đó có nhiều căn đã hoàn thiện trước và sau căn nhà của chúng tôi nhưng một điều lạ là chỉ mỗi mình căn nhà của chúng tôi bị xử lý vi phạm, bị lập biên bản và buộc phải tự tháo dỡ. Những căn còn lại tuyệt nhiên không bị xử phạt, tháo dỡ hay phải kiểm điểm”, ông K. nói.

    Nói đoạn, ông K. bèn dẫn chúng tôi dạo quanh khu vực và chỉ cho PV hàng loạt căn nhà, dãy nhà trọ như nhà ông nằm tập trung trên các đường 17A, 17B, 17, 20, 22... thuộc địa bàn phường Bình Hưng Hòa. “Chúng tôi chỉ mong được xem xét thấu đáo trong bối cảnh chung về thời gian, địa điểm, khu vực... để giải quyết quyền lợi và nghĩa vụ cho thấu tình đạt lý, đảm bảo hài hòa các quyền lợi cho công dân mà thôi”, ông K. nói.

    Cũng theo ông K. trong quá trình bị lập biên bản, có một vài đối tượng đã tiếp cận, gọi điện gợi ý sẽ lo vụ việc êm xuôi, trong đó có nhân vật Hồng như PV nói ở trên...

    (Còn nữa)

    THANH TÙNG

    [mecloud]qPyMlR8hYR[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ky-1ban-tay-ma-thuat-va-tuyen-bo-bao-ca-giay-phep-trong-khu-quy-hoach-trang-a143068.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    vtc.vn
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan